Quy trình cấp Giấy chứng nhận mã số mã vạch cho công ty
Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, mã số mã vạch đã dần trở nên quen thuộc và là công cụ hữu ích để nhận biết xuất xứ và quản lý hàng hoá. Việc đăng ký mã số mã vạch hàng hoá giúp các công ty tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường thương mại trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển. Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng biết quy trình cấp Giấy chứng nhận mã số mã vạch cho công ty. Sau đây, công ty Luật Việt An sẽ cung cấp những thông tin pháp lý cơ bản về quy trình cấp Giấy chứng nhận mã số mã vạch cho công ty.
Mã số mã vạch là gì?
Theo khoản 1 và khoản 2 Điều 3 thông tư 10/2020/TT-BKHCN quy định về mã số mã vạch như sau:
Mã số là một dãy số hoặc chữ được sử dụng để định danh sản phẩm, dịch vụ, địa điểm, tổ chức, cá nhân;
Mã vạch là phương thức lưu trữ và truyền tải thông tin của mã số bằng: loại ký hiệu vạch tuyến tính (mã vạch một chiều); tập hợp điểm (Data Matrix, QRcode, PDF417 và các mã vạch hai chiều khác); chip nhận dạng qua tần số vô tuyến (RFID) và các công nghệ nhận dạng khác.
Lợi ích khi đăng ký mã số mã vạch
Dễ dàng quản lý, phân phối sản phẩm
Tăng hiệu suất: giúp các công ty giảm thiểu các công đoạn tính toán, nhập liệu bằng tay; giảm chi phí, thời gian
Dễ dàng đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ của các siêu thị
Phục vụ cho hoạt động xuất khẩu hàng hoá
Đáp ứng nhu cầu khách hàng: giúp người tiêu dùng biết được xuất xứ, nguồn gốc của sản phẩm
Đối tượng được cấp mã số mã vạch
Theo Khoản 1 Điều 6 Thông tư 10/2020/TT-BKHCN, việc thực hiện cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số, mã vạch cho các đối tượng sau:
Công ty chưa đăng ký sử dụng mã số, mã vạch;
Công ty đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số, mã vạch có nhu cầu đăng ký cấp mới trong các trường hợp sau:
Đã sử dụng hết quỹ mã số được cấp;
Đăng ký bổ sung mà GLN;
Bị thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số, mã vạch nhưng đã đủ điều kiện cấp lại theo quy định pháp luật;
Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số, mã vạch hết thời hạn hiệu lực.
Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận mã số mã vạch cho công ty
Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/ Quyết định thành lập/ Giấy chứng nhận đầu tư
Đơn đăng ký sử dụng mã số mã vạch (đã điền đầy đủ thông tin, người đại diện theo pháp luật ký tên, đóng dấu) theo mẫu quy định.
Mức phí cấp, duy trì mã số mã vạch hiện nay
Mức phí cấp mã số mã vạch
Theo Thông tư 232/2016/TT-BTC, mức phí cấp và sử dụng mã số mã vạch như sau:
Sử dụng mã doanh nghiệp GS1 (không phân biệt mã số đăng ký sử dụng): 1.000.000 đồng;
Sử dụng mã địa điểm toàn cầu (GLN): 300.000 đồng;
Sử dụng mã số thương phẩm toàn cầu 8 chữ số EAN-8 (GTIN-8): 300.000 đồng
Mức phí duy trì sử dụng mã số mã vạch hàng năm
Sử dụng mã doanh nghiệp GS1
Sử dụng mã doanh nghiệp GS1 loại 10 số (tương ứng với trường hợp doanh nghiệp được sử dụng 100 số vật phẩm): 500.000 đồng
Sử dụng mã doanh nghiệp GS1 loại 9 số (tương ứng với trường hợp doanh nghiệp được sử dụng 1.000 số vật phẩm): 800.000 đồng
Sử dụng mã doanh nghiệp GS1 loại 8 số (tương ứng với trường hợp doanh nghiệp được sử dụng 10.000 số vật phẩm): 1.500.000 đồng
Sử dụng mã doanh nghiệp GS1 loại 7 số (tương ứng với trường hợp doanh nghiệp được sử dụng 100.000 số vật phẩm): 2.000.000 đồng
Sử dụng mã địa điểm toàn cầu (GLN): 200.000 đồng;
Sử dụng mã số thương phẩm toàn cầu 8 chữ số EAN-8 (GTIN-8): 200.000 đồng.
Quy trình cấp Giấy chứng nhận mã số mã vạch cho công ty
Theo Điều 19c Nghị định 132/2008/NĐ-CP, được bổ sung bởi Nghị định 74/2018/NĐ-CP, quy trình cấp Giấy chứng nhận mã số mã vạch cho công ty như sau:
Cách thức nộp hồ sơ
Công ty có nhu cầu đăng ký mã số mã vạch nộp 01 bộ hồ sơ đến Uỷ ban Tiêu chuẩn đo lường Chất lượng theo hình thức sau:
Nộp trực tiếp tại Bộ phận một cửa; hoặc
Nộp qua dịch vụ bưu chính; hoặc
Nộp trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc cổng dịch vụ công của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Thời hạn xử lý hồ sơ
Trường hợp hồ sơ không đầy đủ: trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan thường trực về mã số, mã vạch thông báo cho tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ để sửa đổi, bổ sung;
Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ và công ty nộp hồ sơ đóng các khoản phí theo quy định: trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan thường trực về mã số, mã vạch có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận mã số mã vạch cho công ty.
Cách thức Cấp Giấy chứng nhận mã số mã vạch
Sau khi có thông báo được cấp Giấy chứng nhận mã số mã vạch, công ty có thể đến nhận trực tiếp tại Trung tâm mã số mã vạch quốc gia hoặc nhận thông qua đường bưu điện nếu gửi hồ sơ đăng ký qua bưu điện.
Thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số, mã vạch
Theo Khoản 4 Điều 6 Thông tư 10/2020/TT-BKHCN, thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số, mã vạch trong trường hợp cấp mới không quá 03 năm kể từ ngày cấp.
Trong trường hợp xin cấp lại, thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số, mã vạch trong trường hợp cấp lại ghi theo thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số, mã vạch đã được cấp.
Một số câu hỏi liên quan
Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số, mã vạch bị mất thì có được cấp lạ không?
Theo Điều 6.2 Thông tư 10/2020/TT-BKHCN, trong trường hợp Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số, mã vạch còn thời hạn hiệu lực nhưng bị mất, hư hỏng thì tổ chức, cá nhân sẽ được cấp lại Giấy chứng nhận theo quy định pháp luật.
Có thể đăng ký mã số mã vạch trực tuyến được không?
Theo Điều 7 Thông tư 10/2020/TT-BKHCN, tổ chức, cá nhân đăng ký sử dụng mã số, mã vạch có thể nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc cổng dịch vụ công của Bộ Khoa học và Công nghệ. Bộ hồ sơ đăng ký mã số mã vạch trực tuyến gồm:
Biểu mẫu điện tử kê khai thông tin đăng ký có chữ ký số.
Bản sao điện tử Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc Quyết định thành lập hoặc tài liệu có giá trị tương đương.
Tôi đăng ký mã số mã vạch trực tuyến nhưng muốn nhận Giấy chứng nhận bản giấy được không?
Theo Điều 7.4.a3 thông tư 10/2020/TT-BKHCN, trường hợp tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trực tuyến nhưng đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số, mã vạch bản giấy; trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ và tổ chức, cá nhân đóng các khoản phí theo quy định, Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia
Làm sao để tra cứu mã số mã vạch?
Hiện nay, để tra cứu mã số mã vạch, người tiêu dùng có thể dùng các ứng dụng hoặc phần mềm tra cứu như:
Scan and Chech: phần mềm quét mã vạch của Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng;
Công cụ check mã vạch ScandIT;
Công cụ check mã vạch UPC Index;
Công cụ check mã vạch Barcode Database;
Công cụ check mã vạch Barcode Lookup
Công cụ check mã vạch EANdata.
Quý Công ty cần tư vấn về quy trình cấp Giấy chứng nhận mã số mã vạch cho công ty, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ nhanh chóng, chính xác nhất!