Du lịch là ngành dịch vụ đang được chú trọng phát triển tại Việt Nam, do đó, việc đầu tư thành lập công ty du lịch được nhiều nhà đầu tư hướng đến, trong đó có các thương nhân từ nước ngoài. Tuy nhiên, vì dịch vụ du lịch là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, do đó, khi nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư bằng cách góp vốn vào công ty du lịch cần lưu ý về những yêu cầu cũng như trình tự, thủ tục quy định tại Luật Đầu tư 2014, Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Du lịch (văn bản luật mới dự kiến có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 thay thế cho Luật Du lịch 2005) và Biểu cam kết của Việt Nam trong WTO.
Theo quy định của Luật Đầu tư 2014, nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam cần đáp ứng các điều kiện sau đây:
Điều kiện về tỷ lệ vốn sở hữu: Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào công ty du lịch cần lưu ý:
Nhà đầu tư nước ngoài được cấp phép hoạt động dịch vụ đại lý lữ hành và điều hành tour du lịch với điều kiện phải liên doanh với đối tác Việt Nam (không hạn chế phần vốn góp từ phía nước ngoài). Do đó, nhà đầu tư nước ngoài không thể thành lập công ty du lịch 100% vốn đầu tư nước ngoài;
Điều kiện về hình thức đầu tư, phạm vi hoạt động, đối tác Việt Nam tham gia thực hiện hoạt động đầu tư và điều kiện khác theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên:
Về hình thức đầu tư vào công ty du lịch: góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của công ty du lịch tại Việt Nam;
Công ty du lịch có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được tổ chức đưa khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam (inbound), đồng thời được phép cung cấp dịch vụ lữ hành nội địa như là một phần của dịch vụ đưa khách du lịch từ nước ngoài vào Việt Nam. Các công ty du lịch có vốn đầu tư nước ngoài không được tổ chức chương trình tham quan nước ngoài cho khách du lịch Việt Nam (outbound);
Nhà đầu tư tiến hành thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần hoặc phần vốn góp vào công ty du lịch.
Hồ sơ cần chuẩn bị:
Văn bản đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp gồm những nội dung: thông tin về tổ chức kinh tế mà nhà đầu tư nước ngoài dự kiến góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp; tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài sau khi góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế;
Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức.
Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài không tự thực hiện thủ tục thì phải có văn bản ủy quyền hoặc ủy quyền thông qua hợp đồng dịch vụ.
Thủ tục thực hiện:
Nhà đầu tư nộp hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này tại Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi tổ chức kinh tế đặt trụ sở chính;
Trường hợp việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng điều kiện luật định, Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo bằng văn bản trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Trường hợp không đáp ứng điều kiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư và nêu rõ lý do.
Tiến hành góp vốn và thực hiện các thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật:
Nhà đầu tư nước ngoài tiến hành góp vốn theo hình thức đã khai báo với Phòng đăng ký kinh doanh. Công ty nhận góp vốn sẽ tiến hành các thủ tục chuyển đổi loại hình hoặc thay đổi thành viên/cổ đông theo quy định của pháp luật.
Lưu ý: Nếu nhà đầu nước ngoài tư góp vốn để thành lập công ty du lịch, điều này sẽ gây khó khăn trong quá trình xin Giấy chứng nhận doanh nghiệp và Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành tại Sở Du lịch. Do đó, để thuận tiện hơn, trước hết cần thành lập công ty du lịch (do người Việt Nam đứng tên) => Xin Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành cho công ty này tại Sở Du lịch => Nhà đầu tư nước ngoài tiến hành góp vốn, mua cổ phần/phần vốn góp từ chủ sở hữu/thành viên hoặc cổ đông công ty.