Văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp là một tài liệu pháp lý quan trọng, chứng nhận rằng một kiểu dáng cụ thể của một sản phẩm đã được cấp quyền sở hữu độc quyền cho chủ sở hữu. Văn bản này là bằng chứng xác nhận tính độc đáo và sáng tạo của kiểu dáng đó, giúp chủ sở hữu bảo vệ thiết kế của mình khỏi bị sao chép trái phép. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho Quý khách nội dung văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp theo quy định pháp luật sở hữu trí tuệ tại Việt Nam hiện hành.
Kiểu dáng công nghiệp là gì?
Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm hoặc bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp, được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này và nhìn thấy được trong quá trình khai thác công dụng của sản phẩm hoặc sản phẩm phức hợp.
Điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
Căn cứ Điều 63 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định điều kiện để bảo hộ kiểu dáng công nghiệp là:
Có tính mới: kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính mới nếu kiểu dáng đó khác biệt đáng kể với những kiểu dáng công nghiệp đã bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên.
Có tính sáng tạo: kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính sáng tạo nếu căn cứ vào các kiểu dáng công nghiệp đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên, kiểu dáng công nghiệp đó không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng.
Khả năng áp dụng công nghiệp: kiểu dáng công nghiệp được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể dùng làm mẫu để chế tạo hàng loạt sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp đó bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp.
Nội dung chính của văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
Thông thường, một văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp sẽ bao gồm các nội dung chính sau:
Cơ quan cấp: Tên cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ thường là Cục Sở hữu trí tuệ.
Số hiệu đăng ký: Một mã số duy nhất được gán cho mỗi văn bằng bảo hộ, giúp dễ dàng tra cứu và quản lý.
Tên kiểu dáng công nghiệp: là tên sản phẩm, thể hiện ngắn gọn bằng từ ngữ thông dụng, không mang tính chất quảng cáo, không có ký tự, chú thích, chỉ dẫn thương mại.
Chủ bằng độc quyền: tên, địa chỉ, quốc tịch của cá nhân hoặc tổ chức được cấp quyền bảo hộ. Trường hợp có nhiều chủ Bằng độc quyền thì chủ Bằng độc quyền nêu tại mục này là tổ chức, cá nhân đầu tiên trong danh sách các tổ chức, cá nhân do người nộp đơn cung cấp trong Tờ khai đăng ký kiểu dáng công nghiệp.
Chủ bằng độc quyền có thể là tác giả tạo ra kiểu dáng công nghiệp bằng công sức và chi phí của mình hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Tác giả: Thông tin điền trong mục này bao gồm tên, quốc tịch và địa chỉ của tác giả. Trường hợp có nhiều tác giả thì tác giả nêu tại mục này là tác giả đầu tiên trong danh sách các tác giả do người nộp đơn cung cấp trong Tờ khai đăng ký kiểu dáng công nghiệp.
Số đơn: là một mã số duy nhất được cấp cho mỗi đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp. Số đơn giúp phân biệt một kiểu dáng với các kiểu dáng khác, tránh nhầm lẫn và trùng lặp và giúp người nộp đơn có thể theo dõi tiến đọ xét duyệt, tình trạng của đơn đăng ký.
Ngày nộp đơn: là ngày mà đơn đăng ký được nộp.
Số phương án/ bộ sản phẩm: là số lượng kiểu dáng công nghiệp nộp cho cơ quan có thẩm quyền.
Số ảnh chụp/bản vẽ: số lượng ảnh chụp/ bản vẽ kiểu dáng công nghiệp.
Phạm vi bảo hộ: Xác định rõ các sản phẩm hoặc bộ phận sản phẩm thuộc quyền bảo hộ của kiểu dáng công nghiệp đó.
Ảnh chụp/bản vẽ kiểu dáng công nghiệp: là những hình ảnh hoặc bản vẽ kỹ thuật được sử dụng để minh họa chi tiết cho một kiểu dáng công nghiệp cụ thể.
Thời hạn bảo hộ: Thông thường, thời hạn bảo hộ kiểu dáng công nghiệp là 5 năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn 02 lần liên tiếp, mỗi lần 05 năm.
Con dấu và chữ ký của cơ quan cấp: Dấu ấn xác thực tính pháp lý của văn bằng bảo hộ.
Quy trình đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam
Hồ sơ đăng ký
Hồ sơ đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp bao gồm các tài liệu sau:
Tờ khai đăng ký kiểu dáng công nghiệp Mẫu số 07 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
01 bản mô tả kiểu dáng công nghiệp.
04 bộ ảnh chụp/Bản vẽ kiểu dáng công nghiệp.
Giấy ủy quyền nếu có.
Tài liệu chứng minh quyền đăng ký, nếu doanh nghiệp tư nhân nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác.
Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên.
Chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ).
Người nộp đơn có thể nộp đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp trực tiếp hoặc qua dịch vụ của bưu điện đến một trong các điểm tiếp nhận đơn của Cục Sở hữu trí tuệ.
Bước 2: Thẩm định hình thức đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
Sau khi tiếp nhận đơn, Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành kiểm tra việc tuân thủ của các quy định về hình thức đối với đơn, từ đó đưa ra kết luận đơn hợp lệ hay không.
Nếu đơn hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định chấp nhận đơn hợp lệ;
Nếu đơn không hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo dự định từ chối chấp nhận đơn trong đó nêu rõ lý do, thiếu sót khiến đơn bị từ chối chấp nhận và ấn định thời hạn 2 tháng để người nộp đơn có ý kiến hoặc sửa chữa thiếu sót.
Thời gian thẩm định hình thức: 01 tháng kể từ ngày nộp đơn.
Bước 3: Công bố đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
Trong 02 tháng kể từ ngày được chấp nhận là đơn hợp lệ, Sau khi có Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ, đơn sẽ được công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp.
Bước 4: Thẩm định nội dung đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
Đánh giá khả năng được bảo hộ của đối tượng nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ, qua đó xác định phạm vi bảo hộ tương ứng.
Thời hạn thẩm định nội dung: 07 tháng kể từ ngày công bố đơn
Bước 5: Ra quyết định cấp/từ chối cấp văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
Nếu đối tượng nêu trong đơn không đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ;
Nếu đối tượng nêu trong đơn đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, người nộp đơn nộp phí, lệ phí đầy đủ, đúng hạn thì Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về kiểu dáng công nghiệp và công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp.
Trên đây là nội dung văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp mà Luật Việt An cung cấp. Quý khách có nhu cầu sử dụng dịch vụ xin cấp văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp vui lòng liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ nhanh chóng.