Theo các quy định về bảo hộ nhãn hiệu của hầu hết các nước thì một nhãn hiệu có thể cấu tạo từ các chữ cái, từ ngữ hoặc chữ số trong dạng chữ in tiêu chuẩn (block letters) hoặc bằng phông chữ cách điệu hoặc hình họa.
Một câu hỏi thường được đặt ra là: Phạm vi bảo hộ của hai loại nhãn hiệu đó như thế nào? Mối quan hệ giữa chúng ra sao?
Ví dụ:
Phạm vi bảo hộ nhãn hiệu chữ:
– Dạng nhãn hiệu chữ in tiêu chuẩn chỉ đơn thuần cấu tạo từ các chữ in hoặc chữ số dạng tiêu chuẩn và chỉ ở dạng màu đen – trắng.
Việc đăng ký nhãn hiệu dạng chữ tiêu chuẩn được hiểu là việc xác lập sự bảo hộ nội dung của nhãn hiệu, nghĩa là bao gồm việc bảo hộ kết cấu các chữ cái của nhãn hiệu, phát âm và ý nghĩa của nhãn hiệu (nếu có).
Chủ sở hữu nhãn hiệu chữ tiêu chuẩn có được quyền sử dụng khá rộng đối với nhãn hiệu đã đăng ký, đó là quyền sử dụng nhãn hiệu trong các dạng chữ hoặc màu sắc bất kỳ mà mình muốn miễn là không xâm phạm quyền của một nhãn hiệu khác đang được bảo hộ. Việc sử dụng như vậy sẽ không phương hại đến nội dung được bảo hộ của nhãn hiệu. Tuy nhiên, một điều cần lưu ý là khi sử dụng tùy ý như vậy, chỉ nội dung của nhãn hiệu là được bảo hộ còn kiểu chữ hay cách trình bày độc đáo cũng như màu sắc của nhãn hiệu sẽ không thuộc phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu chữ tiêu chuẩn đã đăng ký nêu trên.
– Dạng nhãn hiệu chữ cách điệu/hình họa cấu tạo từ các chữ cái, từ ngữ, chữ số được cách điệu hoặc/và được hình họa hóa hoặc/và chứa màu sắc.
Nhãn hiệu được đăng ký ở dạng này vẫn được bảo hộ cả về mặt nội dung của nhãn hiệu đó là kết cấu chữ cái, phát âm và ý nghĩa của từ (nếu có) như nhãn hiệu chữ in tiêu chuẩn. Tuy nhiên, do nhãn hiệu được cách điệu/hình họa hóa vì vậy dạng nhãn hiệu này còn được bảo hộ thêm cách trình bày (kiểu chữ hoặc kiểu trình bày đặc biệt) nên hiệu lực bảo hộ của nó được tăng cường mạnh hơn chống lại được các ý đồ của đối thủ cạnh tranh tiệm cận nhãn hiệu không chỉ về nội dung mà còn cả về cách thể hiện của nhãn hiệu.
Tuy nhiên, khi đăng ký nhãn hiệu chữ cách điệu thì quyền sử dụng nhãn hiệu chữ cách điệu lại bị hạn chế bởi chủ chỉ được sử dụng nhãn hiệu đúng như mẫu đã đăng ký mà không được tùy ý sử dụng nhãn hiệu trong các dạng chữ khác hoặc cách thức khác.
Cụ thể: Nhãn hiệu khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu thì được bảo hộ các nội dung sau:
Nội dung nhãn hiệu VAIO và kết cấu sắp xếp các chữ cái theo thứ tự V, A, I, O.
Nhãn hiệu được bảo hộ cách thiết kế hình lượn sóng cách điệu nối liền chữ V và chữ A tạo thành đồ thị hình sin, bên dưới có dấu “.” và chữ “I” cách điệu.
Mối liên hệ giữa nhãn hiệu chữ tiêu chuẩn và nhãn hiệu chữ cách điệu
– Quyền ưu tiên:
Một nhãn hiệu chữ tiêu chuẩn có trước không thể làm cơ sở để xin quyền ưu tiên cho việc nộp đơn cho cùng nhãn hiệu nhưng ở dạng chữ cách điệu vì cơ sở để xin quyền ưu tiên là phải dựa trên cùng một nhãn hiệu (nghĩa là 2 nhãn hiệu phải trùng nhau) nên trong trường hợp này do 2 nhãn hiệu khác nhau về kiểu chữ nên không được coi là cùng một nhãn hiệu. Tuy nhiên, nếu sự khác biệt quả nhỏ, người tiêu dùng khó phân biệt thì vẫn có thể chấp nhận.
Ngược lại, khi một nhãn hiệu dạng chữ cách điệu đã nộp đơn đăng ký từ trước thì vẫn có thể sử dụng làm cơ sở để yêu cầu hưởng quyền ưu tiên cho cùng nhãn hiệu ở dạng chữ tiêu chuẩn, do hệ quả của quyền sử dụng rộng của chủ nhãn hiệu này.
– Làm cơ sở để từ chối một nhãn hiệu đăng ký sau:
Một nhãn hiệu chữ ở dạng tiêu chuẩn có trước không thể lấy làm đối chứng để từ chối cùng nhãn hiệu của cùng chủ nhưng trình bày ở dạng cách điệu vì 2 nhãn hiệu có cách trình bày khác nhau nên không thể coi là trùng để từ chối nhãn hiệu nộp đơn sau. Tuy nhiên, nếu sự khác biệt quá nhỏ, người tiêu dùng bình thường không nhận biết được thì có thể chấp nhận.
– Làm chứng cứ cho việc sử dụng:
Một nhãn hiệu chữ tiêu chuẩn được sử dụng không thể làm chứng cứ cho việc sử dụng của cùng nhãn hiệu nhưng ở dạng cách điệu vì nhãn hiệu với chữ cách điệu thực tế đã không được sử dụng. Chỉ trong trường hợp sự cách điệu là không đáng kể, người tiêu dùng khó phân biệt với nhãn hiệu chữ tiêu chuẩn thì có thể được chấp nhận.
Tuy nhiên, việc sử dụng một nhãn hiệu trong dạng chữ cách điệu lại có thể được coi là chứng cứ cho việc sử dụng nhãn hiệu trong dạng chữ tiêu chuẩn do hệ quả từ quyền sử dụng rộng của chủ nhãn hiệu dùng chữ tiêu chuẩn.
Quy định của Việt Nam về phạm vi bảo hộ nhãn hiệu chữ
Việt Nam chưa có quy định cụ thể liên quan đến phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu chữ tiêu chuẩn và nhãn hiệu trong dạng chữ cách điệu kể cả trong Luật Sở hữu trí tuệ lẫn các văn bản dưới Luật.
Tuy nhiên, trong thực tế áp dụng cũng như suy luận từ các quy định liên quan của Luật Sở hữu trí tuệ cho thấy quyền của chủ nhãn hiệu dạng chữ tiêu chuẩn cũng được mở rộng như đã nêu và việc sử dụng nhãn hiệu chữ cách điệu cũng bị giới hạn theo đúng mẫu đã đăng ký.
Về sự liên quan giữa nhãn hiệu dạng chữ tiêu chuẩn và cùng nhãn hiệu nhưng ở dạng chữ cách điệu việc áp dụng ở Việt Nam cũng có sự tương tự như nêu trên, tuy vậy trong thực tế vẫn chưa có các quy định cụ thể. Vì vậy, cần bổ sung nội dung này trong thời gian tới khi sửa các quy định về nhãn hiệu trong Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản dưới luật để thống nhất thực hiện.