Quy trình công nhận văn bằng nước ngoài tại Việt Nam
Văn bằng nước ngoài để sử dụng tại Việt Nam bao gồm: bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương (sau đây gọi chung là văn bằng). Công nhận văn bằng nước ngoài là việc công nhận trình độ của người học được ghi trên văn bằng theo hệ thống giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục nước ngoài đặt trụ sở chính và xác định mức độ tương đương với trình độ đào tạo quy định tại Khung trình độ Quốc gia Việt Nam. Sau đây, Luật Việt An sẽ tư vấn quy trình công nhận văn bằng nước ngoài theo quy định pháp luật hiện hành.
Điều kiện để được công nhận văn bằng nước ngoài tại Việt Nam
Theo Điều 4 Thông tư 13/2021/TT-BGDĐT, để được công nhận văn bằng nước ngoài, cần đáp ứng điều kiện sau:
Chương trình giáo dục có thời gian học, nghiên cứu phù hợp với Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam;
Chương trình giáo dục được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục nước ngoài đặt trụ sở chính kiểm định chất lượng tương ứng với hình thức đào tạo;
Cơ sở giáo dục nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục đặt trụ sở chính cho phép đào tạo, cấp bằng hoặc đã được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục nước ngoài đặt trụ sở chính kiểm định chất lượng.
Lưu ý, văn bằng được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài đang hoạt động tại nước khác nơi cơ sở giáo dục đặt trụ sở chính (bao gồm cả Việt Nam) được công nhận còn phải đáp ứng điều kiện cơ sở giáo dục đó được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của hai nước cho phép mở phân hiệu, cho phép đào tạo hoặc phê duyệt việc hợp tác, liên kết đào tạo.
Thành phần hồ sơ
Thành phần hồ sơ đề nghị công nhận văn bằng nước ngoài bao gồm một số giấy tờ theo Khoản 1 Điều 1 Thông tư 07/2024/TT-BGDĐT. Theo đó, khách hàng cần lưu ý cung cấp những giấy tờ sau cho Luật Việt An tiến hành thủ tục:
Văn bằng hoặc bản sao từ sổ gốc cấp văn bằng đề nghị công nhận kèm theo bản công chứng dịch sang tiếng Việt: bản sao;
Phụ lục văn bằng hoặc bảng kết quả học tập kèm theo bản công chứng dịch sang tiếng Việt: bản sao;
Văn bằng, chứng chỉ có liên quan trực tiếp (nếu có): bản sao công chứng;
Minh chứng thời gian học ở nước ngoài (nếu có);
Văn bản ủy quyền xác minh thông tin về văn bằng (nếu đơn vị xác thực yêu cầu).
Thẩm quyền cấp công nhận văn bằng nước ngoài tại Việt Nam
Quy trình công nhận văn bằng nước ngoài tại Việt Nam
Theo Điều 1 Thông tư 07/2024/TT-BGDĐT, trình tự thủ tục công nhận văn bằng nước ngoài được tiến hành như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ trực tuyến đề nghị công nhận văn bằng
Người đề nghị công nhận văn bằng cung cấp các thông tin về văn bằng và tải hồ sơ lên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc Sở Giáo dục và Đào tạo và thực hiện thanh toán lệ phí theo quy định.
Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền xử lý hồ sơ
Trong thời hạn 20 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền công nhận văn bằng có trách nhiệm trả kết quả công nhận văn bằng cho người đề nghị công nhận văn bằng. Trường hợp cần xác minh thông tin về văn bằng từ cơ sở giáo dục nước ngoài hoặc đơn vị xác thực nước ngoài, thời hạn trả kết quả công nhận văn bằng không vượt quá 45 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ công nhận văn bằng.
Trường hợp văn bằng không đủ điều kiện công nhận hoặc quá thời hạn quy mà không đủ căn cứ xác minh thông tin về văn bằng, cơ quan có thẩm quyền công nhận văn bằng phải trả lời bằng văn bản hoặc thư điện tử cho người đề nghị công nhận văn bằng.
Trường hợp không xác định được mức độ tương đương của văn bằng với trình độ đào tạo quy định tại Khung trình độ quốc gia Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền công nhận văn bằng cung cấp thông tin và công nhận giá trị của văn bằng theo hệ thống giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục nước ngoài đặt trụ sở chính.
Bước 3: Công nhận văn bằng
Cơ quan có thẩm quyền công nhận bằng lập sổ cấp giấy công nhận, trong đó ghi các thông tin về: họ tên, ngày tháng năm sinh của người được công nhận văn bằng; tên cơ sở giáo dục cấp bằng; hình thức đào tạo; trình độ tương đương với Khung trình độ quốc gia Việt Nam hoặc trình độ theo hệ thống giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục nước ngoài đặt trụ sở chính; số vào sổ cấp giấy công nhận.
Phí, lệ phí công nhận văn bằng (250.000 – 500.000 đồng)
Xác minh để công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam cấp (bao gồm cả chương trình liên kết đào tạo giữa cơ sở giáo dục Việt Nam và cơ sở giáo dục nước ngoài do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp bằng): 250.000 đồng/văn bằng;
Xác minh để công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài hợp pháp cấp sau khi hoàn thành chương trình đào tạo ở nước ngoài: 500.000 đồng/văn bằng.
Một số câu hỏi thường gặp về công nhận văn bằng nước ngoài
Tôi có thể tìm luật điều chỉnh hiện hành ở đâu?
Hiện nay, quy định về công nhận văn bằng nước ngoài được điều chỉnh tại
Thông tư 13/2021/TT-BGDĐT, được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 07/2024/TT-BGDĐT (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02/11/2024)
Thông tư 164/2016/TT-BTC, được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 74/2022/TT-BTC.
Trường hợp được miễn thực hiện thủ tục công nhận văn bằng?
Theo Điều 5 Thông tư 13/2021/TT-BGDĐT, văn bằng nước ngoài được công nhận để sử dụng tại Việt Nam mà không phải thực hiện thủ tục công nhận văn bằng gồm:
Văn bằng của cơ sở giáo dục nước ngoài thuộc phạm vi áp dụng của hiệp định, thỏa thuận về tương đương văn bằng hoặc công nhận lẫn nhau về văn bằng hoặc điều ước quốc tế có liên quan đến văn bằng mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố;
Văn bằng của cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người học được Bộ Giáo dục và Đào tạo cử đi học bằng ngân sách Nhà nước;
Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người học theo chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài tại Việt Nam đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cần lưu ý gì khi tải hồ sơ yêu cầu công nhận văn bằng lên Cổng dịch vụ công trực tuyến?
Trường hợp người đề nghị công nhận văn bằng có thông tin, minh chứng để xác thực trực tiếp từ cơ sở giáo dục cấp bằng hoặc cơ quan có thẩm quyền xác thực:
Văn bằng hoặc bản sao từ sổ gốc cấp văn bằng đề nghị công nhận kèm theo bản công chứng dịch sang tiếng Việt/ Phụ lục văn bằng hoặc bảng kết quả học tập kèm theo bản công chứng dịch sang tiếng Việt: Bản quét scan (không cần chứng thực bản sao điện tử từ bản chính)
Văn bằng, chứng chỉ có liên quan trực tiếp (nếu có)/ Minh chứng thời gian học ở nước ngoài (nếu có): Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính.
Trường hợp người đề nghị công nhận văn bằng không có thông tin, minh chứng để xác thực trực tiếp:
Văn bằng hoặc bản sao từ sổ gốc cấp văn bằng đề nghị công nhận kèm theo bản công chứng dịch sang tiếng Việt/ Phụ lục văn bằng hoặc bảng kết quả học tập kèm theo bản công chứng dịch sang tiếng Việt/ Văn bằng, chứng chỉ có liên quan trực tiếp (nếu có): Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, kèm theo văn bản ủy quyền xác minh thông tin về văn bằng (nếu đơn vị xác thực yêu cầu)
Công nhận văn bằng có cần sự đồng ý của người có văn bằng không?
Theo Khoản 1 Điều 3 Thông tư 13/2021/TT-BGDĐT, công nhận văn bằng được thực hiện theo nhu cầu của người có văn bằng, cơ quan quản lý về nhân sự hoặc đơn vị quản lý lao động khi được sự đồng ý của người có văn bằng.
Như vậy khi đơn vị quản lý lao động đề nghị công nhận văn bằng thì cần có sự đồng ý của người có văn bằng.
Dịch vụ xin công nhận văn bằng của Luật Việt An
Tư vấn điều kiện công nhận văn bằng, thẩm quyền công nhận văn bằng;
Hướng dẫn quy trình công nhận văn bằng qua cổng dịch vụ công trực tuyến;
Tư vấn bộ hồ sơ cho khách hàng theo quy định pháp luật;
Đại diện cho khách hàng, tiến hành thủ tục đề nghị công nhận văn bằng tại cơ quan có thẩm quyền;
Tư vấn các thủ tục liên quan đến du học nước ngoài như hộ chiếu, visa, xuất nhập cảnh,….
Quý khách hàng có thắc mắc liên quan hay có nhu cầu hỗ trợ pháp lý về công nhận văn bằng nước ngoài, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất!