Các quy định pháp luật liên quan đến quyền đăng ký các đối tượng Sở hữu Công nghiệp trong đó có quyền đăng ký sáng chế là một trong các điểm mới của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 có hiệu lực từ ngày 01/01/2023. Đặc biệt là quyền đăng ký sáng chế được tạo ra trên cơ sở Nhà nước đầu tư kinh phí để nhằm đồng bộ, phù hợp với các quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công hướng tới tạo được động lực thực sự cho việc khai thác, thương mại hóa đối với sáng chế.
Quyền đăng ký sáng chế
Tổ chức, cá nhân sau đây có quyền đăng ký sáng chế:
Tác giả tạo ra sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí bằng công sức và chi phí của mình;
Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác và thỏa thuận đó không trái với quy định tại khoản 2 Điều 86 Luật Sở hữu trí tuệ.
Trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân cùng nhau tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí thì các tổ chức, cá nhân đó đều có quyền đăng ký và quyền đăng ký đó chỉ được thực hiện nếu được tất cả các tổ chức, cá nhân đó đồng ý.
Người có quyền đăng ký sáng chế có quyền chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc kế thừa theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp đã nộp đơn đăng ký.
Quyền đăng ký sáng chế, là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước
Đối với sáng chế là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước, quyền đăng ký sáng chế được giao cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 86 Luật Sở hữu trí tuệ .
Đối với sáng chế là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, trong đó có một phần ngân sách nhà nước, phần quyền đăng ký sáng chế tương ứng với tỷ lệ phần ngân sách nhà nước được giao cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 86 Luật Sở hữu trí tuệ.
Quyền đăng ký sáng chế là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh quốc gia được thực hiện như sau:
Trường hợp nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước, quyền đăng ký sáng chế thuộc về Nhà nước;
Trường hợp nhiệm vụ khoa học và công nghệ được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, trong đó có một phần ngân sách nhà nước, phần quyền đăng ký sáng chế tương ứng với tỷ lệ phần ngân sách nhà nước thuộc về Nhà nước;
Đại diện chủ sở hữu nhà nước thực hiện quyền đăng ký.
Một số điểm mới của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 về Quyền đăng ký sáng chế
Quy định quyền đăng ký sáng chế là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước
Nhằm khắc phục các quy định tồn tại từ trước, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 đã bổ sung Điều 86a, theo đó, quy định rằng, quyền đăng ký sáng chế là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước thuộc về tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ và tổ chức này sẽ trở thành chủ sở hữu sáng chế, trừ trường hợp sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh quốc gia sẽ do đại diện chủ sở hữu Nhà nước thực hiện quyền đăng ký.
Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 bổ sung Điều 133a, theo đó, thiết lập các trường hợp Nhà nước giao quyền đăng ký sáng chế là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức, cá nhân khác, và các trường hợp Nhà nước cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng sáng chế, mà không cần sự đồng ý của người nắm độc quyền sử dụng.
Quy định về nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả sáng chế
Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 cũng quy định cụ thể về nghĩa vụ mà chủ sở hữu phải trả thù lao cho tác giả sáng chế, nghĩa vụ về trả khoản tiền đền bù khi sử dụng sử dụng sáng chế và nghĩa vụ của tổ chức chủ trì đối với sáng chế là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.
Quyền đăng ký sáng chế của tổ chức, cá nhân quản lý nguồn gen
Một bổ sung quan trọng khác là, tổ chức, cá nhân quản lý nguồn gen cung cấp, đầu tư nguồn gen, tri thức truyền thống về nguồn gen theo hợp đồng tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác cũng có quyền đăng ký sáng chế.
Thủ tục đăng ký sáng chế tại Việt Nam
Bước 1: Xác định dạng sáng chế đăng ký bảo hộ
Sau khi hoàn thiện sáng chế, chủ sở hữu cần xác định dạng bảo hộ của sáng chế và thực hiệnphân loại sáng chế theo bảng phân loại sáng chế quốc tế (IPC).
Bước 2: Tra cứu sáng chế
Tra cứu sáng chế nhằm xác định tính khả thi khi sáng chế đăng ký được cấp bằng bảo hộ độc quyền do thời gian đăng ký sáng chế khá dài.
Bước 3: Nộp hồ sơ đăng ký sáng chế
Sau khi tra cứu đánh giá khả năng bảo hộ của sáng chế chủ đơn tiến hành nộp hồ sơ đăng ký sáng chế.
Lưu ý: Đơn đăng ký sáng chế/ giải pháp hữu ích cần được phân loại sáng chế quốc tế (IPC). Trường hợp người nộp đơn không phân loại hoặc phân loại không chính xác thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiến hành phân loại. Theo đó, người nộp đơn cần nộp phí phân loại theo quy định (100.000VNĐ/01 phân loại sáng chế quốc tế).
Bước 4: Thẩm định hình thức đơn đăng ký
Thời hạn thẩm định hình thức đơn đăng ký sáng chế là 01 tháng kể từ ngày nộp đơn.
Bước 5: Công bố đơn đăng ký sáng chế
Đơn đăng ký sáng chế/ giải pháp hữu ích được công bố trong tháng thứ mười chín kể từ ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn. Nếu đơn không có ngày ưu tiên hoặc trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ, tùy theo ngày nào muộn hơn;
Đơn đăng ký sáng chế theo Hiệp ước hợp tác về sáng chế (sau đây gọi là “đơn PCT”) được công bố trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ đã vào giai đoạn quốc gia;
Đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích có yêu cầu công bố sớm được công bố trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày Cục Sở hữu trí tuệ nhận được yêu cầu công bố sớm. Hoặc kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ, tùy theo ngày nào muộn hơn. Để được công bố sớm, chủ đơn cần có Văn bản yêu cầu công bố sớm. Trong đó, chủ đơn cần nêu rõ lý do cần công bố sớm. Yêu cầu công bố sớm không phải nộp phí, lệ phí.
Bước 6: Thẩm định nội dung
Thẩm định nội dung: không quá mười tám tháng, kể từ ngày công bố đơn nếu yêu cầu thẩm định nội dung được nộp trước ngày công bố đơn hoặc kể từ ngày nhận được yêu cầu thẩm định nội dung nếu yêu cầu đó được nộp sau ngày công bố đơn.
Kết thúc thẩm định nội dung Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra Thông báo dự định cấp văn bằng bảo hộ độc quyền sáng chế. Hoặc thông báo từ chối cấp bằng bảo hộ sáng chế và lý do.
Bước 7: Nộp lệ phí cấp văn bằng bảo hộ
Sau khi nhận được thông báo dự định cấp văn bằng bảo hộ, chủ đơn tiến hành nộp lệ phí cấp bằng.
Bước 8: Cấp Văn bằng bảo hộ độc quyền sáng chế
Sau khi lệ phí vấp văn bằng trong khoảng từ 02-03 tháng kể từ ngày nộp lệ phí cấp văn bằng Cục Sở hữu trí tuệ sẽ cấp văn bằng bảo hộ độc quyền sáng chế.
Bước 9: Nộp phí duy trì hiệu lực bằng độc quyền sáng chế hàng năm
Bằng độc quyền Sáng chế có hiệu lực kể từ ngày cấp kéo dài đến hết 20 năm kể từ ngày nộp đơn/ngày nộp đơn quốc tế. Hiệu lực bảo hộ cần được duy trì hàng năm.
Quý khách hàng có nhu cầu đăng ký sáng chế tại Việt Nam, đăng ký sáng chế tại nước ngoài xin vui lòng liên hệ Công ty luật Việt An để được hỗ trợ chuyên nghiệp nhất!