Sáng chế là một trong những đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp nói riêng và quyền sở hữu trí tuệ nói chung. Để được xác lập quyền đối với sáng chế, tổ chức cá nhân cần tiến hành thủ tục nộp đơn đăng ký sáng chế tại Cục Sở hữu trí tuệ để được cấp văn bằng bảo hộ. Trong quá trình xử lý đơn, bên thứ ba có thể đưa ra ý kiến của mình đối với đơn đăng ký sáng chế. Sau đây, Luật Việt An sẽ cung cấp các quy định pháp lý liên quan đến ý kiến của người thứ ba về đơn đăng ký sáng chế.
Căn cứ pháp lý
Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009, 2019, 2022;
Nghị định 65/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ;
Thông tư 23/2023/TT-BKHCN hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ và Nghị định 65/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp.
Sáng chế là gì?
Căn cứ khoản 12 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ, sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.
Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
Có tính mới;
Có trình độ sáng tạo;
Có khả năng áp dụng công nghiệp.
Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích nếu không phải là hiểu biết thông thường và đáp ứng các điều kiện sau đây:
Có tính mới;
Có khả năng áp dụng công nghiệp.
Đơn đăng ký sáng chế là gì?
Đơn đăng ký sáng chế được hiểu là việc tổ chức, cá nhân tiến hành nộp đơn đăng ký đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được cấp bằng bảo hộ đối với sáng chế dưới dạng Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích.
Sau khi nộp đơn, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiến hành xử lý đơn đăng ký sáng chế theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.
Ý kiến của người thứ ba về đơn đăng ký sáng chế
Trong quá trình làm việc và tìm kiếm thông tin, khi phát hiện có đơn đăng ký sáng chế, đơn đăng ký giải pháp hữu ích mà các tổ chức, cá nhân bất kỳ cho rằng đối tượng nêu trong đơn này không đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ hoặc cho rằng việc cấp văn bằng bảo hộ cho đối tượng nêu trong đơn sẽ làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình đều có quyền đưa ra ý kiến về việc cấp văn bằng bảo hộ đối với đơn đăng ký đó.
Chủ thể có quyền ý kiến về đơn đăng ký sáng chế
Bất kỳ người thứ ba nào cũng có quyền ý kiến với cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp về việc cấp hoặc không cấp văn bằng bảo hộ đối với đơn đó.
Thời điểm yêu cầu
Kể từ ngày đơn đăng ký sáng chế được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp đến trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ.
Hình thức
Ý kiến phải được lập thành văn bản kèm them tài kiệu hoặc trích dẫn nguồn thông tin để chứng minh.
Điểm mới của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 về ý kiến của người thứ ba đối với đơn đăng ký sáng chế
Một trong các điểm mới nổi bật của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 là quy định liên quan đến ý kiến của người thứ ba về việc cấp văn bằng bảo hộ nói chung và ý kiến của người thứ ba về đơn đăng ký sáng chế nói riêng theo quy định tại Điều 112 và 112a của Luật Sở hữu trí tuệ. Cụ thể:
Thứ nhất, bổ sung quy định về giá trị của ý kiến người thứ ba đối với đơn đăng ký sáng chế
Theo đó, Điều 112 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 đã bổ sung quy định “Văn bản nêu ý kiến của người thứ ba được coi là một nguồn thông tin tham khảo cho quá trình xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp”. Như vậy, quy định này đã khẳng định ý kiến của người thứ ba chỉ là nguồn thông tin tham khảo trong quá trình xử lý đơn đăng ký sáng chế, Cục Sở hữu trí tụệ không có trách nhiêm xử lý văn bản nêu ý kiến của người thứ ba. Chính vì Cục Sở hữu trí tuệ không có trách nhiệm xử lý văn bản nêu ý kiến này nên Cục Sở hữu trí tuệ không có nghĩa vụ phải thông báo cho bên có ý kiến biết kết quả của việc nêu ý kiến.
Thứ hai, bổ sung quy định về phản đối đơn đăng ký sáng chế
Theo đó, tại Điều 112a Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022, đã bổ sung quy định về phản đối đơn đăng ký sáng chế. Theo đó, trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, trong 09 tháng kể từ ngày đơn đăng ký sáng chế được công bố, bất kỳ bên thứ ba nào cũng có quyền phản đối đơn đăng ký sáng chế. Ý kiến phản đối này phải được lập thành văn bản kèm theo tài liệu hoặc trích dẫn nguồn thông tin để chứng minh và phải nộp phí, lệ phí.
Đây là lần đầu tiên, tại Luật SHTT 2022, ngoài cơ chế về ý kiến của người thứ ba đối với đơn đăng ký, còn bổ sung thêm cơ chế phản đối đơn đăng ký sáng chế.
Cơ chế phản đối mạnh hơn cơ chế về ý kiến của người thứ ba ở chỗ, đối với ý kiến người thứ ba, Cục SHTT đơn giản chỉ coi đó là một nguồn thông tin tham khảo trong quá trình xét nghiệm đơn, còn đối với cơ chế phản đối đơn đăng ký sáng chế, Cục SHTT phải xử lý ý kiến phản đối này theo một trình tự thủ tục gần giống như cơ chế hủy văn bằng bảo hộ.
Tức là, Cục SHTT phải gửi các văn bản phản đối cho chủ đơn để có ý kiến, sau đó lại gửi ý kiến của chủ đơn cho người phản đối để họ có ý kiến phản hồi lại, và việc phản hồi qua lại này chỉ kết thúc khi Cục SHTT cho rằng đã có đủ thông tin để ra quyết định cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ. Khi đó, Cục SHTT phải thông tin cho các bên và ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ. Trong trường hợp không đồng ý với ý kiến của Cục SHTT, người phản đối sẽ tiến hành thủ tục khiếu nại quyết định này.
So sánh ý kiến của người thứ ba và phản đối đơn đăng ký sáng chế
Giống nhau
Đều là thủ tục thể hiện ý kiến của người thứ ba đối với đơn đăng ký sáng chế
Chủ thể có quyền yêu cầu là bất kỳ bên thứ ba nào.
Đều phát sinh kể từ ngày đơn đăng ký sáng chế được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp.
Đều phải lập thành văn bàn và kèm theo tài liệu hoặc trích dẫn nguồn thông tin để chứng minh.
Khác nhau
Ý kiến của người thứ ba về đơn đăng ký sáng chế
Phản đối đơn đăng ký sáng chế
Thời hạn
Kể từ ngày đơn đăng ký sáng chế được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp đến trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ.
Trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, trong 09 tháng kể từ ngày đơn đăng ký sáng chế được công bố.
Phí, lệ phí
Không phải nộp phí, lệ phí
Phải nộp phí, lệ phí
Tính chất
Ý kiến của người thứ ba chỉ là nguồn thông tin tham khảo trong quá trình xử lý đơn đăng ký sáng chế.
Cục Sở hữu trí tuệ chỉ tiếp nhận ý kiến của người thứ ba, nhưng có thể không có phản hồi hay phải thiết lập thủ tục riêng để giải quyết ý kiến của người thứ ba.
Có giá trị bắt buộc chứ không chỉ mang tính chất tham khảo.
Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận ý kiến phản đối và giải quyết ý kiến phản đối như một thủ tục độc lập, riêng biệt.
Trách nhiệm xử lý của Cục Sở hữu trí tuệ
Chính vì Cục Sở hữu trí tuệ không có trách nhiệm xử lý văn bản nêu ý kiến này nên Cục Sở hữu trí tuệ không có nghĩa vụ phải thông báo cho bên có ý kiến biết kết quả của việc nêu ý kiến.
Chính vì Cục Sở hữu trí tuệ có trách nhiệm xử lý ý kiến phản đối trong đơn phản đối nên Cục phải thông báo cho bên phản đối biết kết quả của việc xử lý đơn phản đối.
Dịch vụ đại điện Sở hữu trí tuệ của Công ty Luật Việt An
Tư vấn pháp luật về đăng ký sáng chế, ý kiến của bên thứ ba về đơn đăng ký sáng chế;
Đại diện chủ đơn tiến hành đăng ký sáng chế tại Cục Sở hữu trí tuệ.
Theo dõi tiến trình đăng ký, phản hồi và phúc đáp khi cần thiết.
Đại diện khách hàng phản đối đơn đăng ký sáng chế của bên thứ ba khi có đủ căn cứ xác định xâm phạm quyền.
Tư vấn, hỗ trợ khách hàng trao đổi, giải quyết thủ tục tại Cục Sở hữu trí tuệ.
Quý khách hàng có thắc mắc hay có nhu cầu tư vấn các dịch vụ pháp lý liên quan về ý kiến của người thứ ba đối với đăng ký sáng chế cũng như các vấn đề pháp lý về đăng ký sáng chế, xin vui lòng liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất!