Ở quyền tác giả nói riêng, cũng như là quyền sở hữu trí tuệ nói chung, việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt các tài sản trí tuệ không nhất thiết phải dựa trên cơ sở sự hiện hữu thực tế của tài sản, do đặc thù của tài sản trí tuệ chính là tính chất vô hình của nó. Dưới góc độ của pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam, chủ thể quyền tác giả là những người có quyền năng đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu, bao gồm tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả. Nhiều người đặt ra câu hỏi tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả có là một không? Sau đây, Luật Việt An sẽ giúp quý khách giải đáp thắc mắc này.
Tác giả?
Theo Điều 6 Nghị định 22/2018/NĐ-CP ghi nhận: “Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học”. Như vậy, để được công nhận là tác giả và được pháp luật bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình, chủ thể phải là người thực hiện hoạt động sáng tạo để tạo ra tác phẩm. Thông qua việc sử dụng các công cụ hỗ trợ như hình vẽ, hình ảnh, âm thanh, màu sắc, ngôn ngữ, chuyển động hình khối,… tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân tác giả, thể hiện rõ nét nhất suy nghĩ, ý tưởng và mục đích mà tác giả muốn gửi gắm đến mọi người.
Chủ sở hữu quyền tác giả?
Theo Điều 36 Luật Sở hữu trí tuệ, chủ sở hữu quyền tác giả là “tổ chức, cá nhân nắm giữ một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật này”. Chủ sở hữu quyền tác giả có thể đồng thời là tác giả hoặc không đồng thời là tác giả.
Chủ sở hữu quyền tác giả đồng thời là tác giả: Chủ thể là cá nhân, tổ chức sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất – kỹ thuật của mình để sáng tạo ra tác phẩm. Đây là trường hợp chủ thể vừa là tác giả trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm, vừa là chủ thể có sự đóng góp về tài chính, cơ sở vật chất khác trong suốt quá trình trước, trong và sau khi hoàn thành tác phẩm, do đó chủ thể vừa là tác giả, vừa là chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm.
Chủ sở hữu quyền tác giả không đồng thời là tác giả thuộc một trong những trường hợp sau:
Chủ thể là cá nhân, tổ chức giao kết hợp đồng hoặc giao nhiệm vụ cho tác giả tác phẩm. Trên cơ sở sự đầu tư về tài chính, các điều kiện cơ sở vật chất khác cho hoạt động sáng tạo tác phẩm, các chủ thể này là người “đặt hàng” để tác giả sáng tạo ra tác phẩm. Do vậy, pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam đã cho phép các chủ thể này nắm giữ các quyền khai thác sử dụng về mặt tài sản đối với tác phẩm sau khi tác phẩm được hoàn thành. Các quyền nhân thân của tác giả vẫn thuộc về tác giả đã sáng tạo ra tác phẩm theo quy định tại Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ.
Chủ thể là cá nhân, tổ chức được thừa kế về tài sản theo pháp luật về thừa kế. Căn cứ để phát sinh quyền sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm là các chủ thể này thuộc đối tượng được hưởng thừa kế theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 về đối tượng hưởng thừa kế. Theo đó tổ chức cá nhân được thừa kế quyền tác giả là chủ sở hữu các quyền tài sản được quy định tại Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ và quyền nhân thân được quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ.
Chủ thể là cá nhân, tổ chức được chuyển giao quyền tác giả. Căn cứ để phát sinh quyền sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được xác định theo quy định của pháp luật về chuyển nhượng quyền sở hữu quyền tác giả.
Chủ thể là Nhà nước. Nhà nước sẽ là chủ thể được hưởng quyền sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm khi đó là tác phẩm khuyết danh; Tác phẩm còn trong thời hạn bảo hộ mà chủ sở hữu quyền tác giả chết không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận di sản hoặc không được quyền hưởng di sản; Tác phẩm được chủ sở hữu quyền tác giả chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước.
Trên đây là bài viết của Luật Việt An liên quan đến chủ thể quyền tác giả. Nếu quý khách có nhu cầu tư vấn pháp luật sở hữu trí tuệ, xin vui lòng liên hệ với Luật Việt An để được hỗ trợ nhanh nhất. Xin cảm ơn!