Cùng với sự ra đời của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022, Nghị định 65/2023/NĐ-CP, các nội dung liên quan đến xác lập bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp với nhiều quy định được sửa đổi, bổ sung đã được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư 23/2023/TT-BKHCN do Bộ trưởng Bộ Khoa học công nghệ ban hành ngày 30/11/2023. Trong những quy định chung về xử lý đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, Điều 13 của Thông tư có quy định về thẩm định lại đơn đăng ký đăng ký sở hữu công nghiệp. Trong bài viết sau đây, Luật Việt An sẽ trình bày rõ hơn về nội dung quy định mới cập nhật này.
Căn cứ pháp lý
Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019, 2022.
Nghị định số 65/2023/NĐ-CP quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, và quản lý giống cây trồng.
Thông tư 23/2023/TT-BKHCN quy định chi tiết một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và biện pháp thi hành Nghị định số 65/2023/NĐ-CP;
Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, được sửa đổi bổ sung tại từng thời điểm.
Thông tư 263/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp.
Các trường hợp cần thẩm định lại đơn đăng ký sở hữu công nghiệp
Việc thẩm định lại đơn thường diễn ra sau khi đã có thông báo thẩm định mặt nội dung của đơn và trong một số trường hợp đặc biệt khác. So với quy định về thẩm định lại tại Điều 16 của Thông tư 01/2007/TT-BKHCN trước kia thì Thông tư 23/2023/TT-BKHCN đã quy định thêm các trường hợp cần thẩm định lại bên cạnh 2 trường hợp cơ bản là:
Có ý kiến phản đối kết quả thẩm định nội dung (Điều 117.4 trong Luật 2005, nay bị bãi bỏ và thay thế bằng Điều 118.2 Luật Sở hữu trí tuệ bản sửa đổi năm 2022); và
Có yêu cầu thu hẹp phạm vi văn bằng bảo hộ (Điều 97.3 Luật Sở hữu trí tuệ)
Các quy định hướng dẫn trong Thông tư mới ban hành đã thống nhất với các nội dung sửa đổi tại Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 và Nghị định 65/2023/NĐ-CP. Theo đó, việc thẩm định lại đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện trong các trường hợp sau đây:
Thứ nhất, có ý kiến phản đối kết quả thẩm định nội dung
Theo Điều 13 Thông tư 23/2023/TT-BKHCN, thẩm định lại đơn do có ý kiến phản đối sau khi đã có thông báo kết quả thẩm định nội dung khi đáp ứng các điều kiện sau:
Có ý kiến bằng văn bản của người nộp đơn nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ trong giai đoạn từ ngày ra thông báo kết quả thẩm định nội dung đến trước ngày ra quyết định cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ liên quan; hoặc có ý kiến bằng văn bản của người thứ ba phản đối dự định cấp văn bằng bảo hộ trong thông báo kết quả thẩm định nội dung cùng với chứng cứ xác đáng chứng minh do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan nên đã không thể phản đối đơn trong thời hạn theo quy định tại Điều 112a (Phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp) của Luật Sở hữu trí tuệ;
Ý kiến nêu trên có cơ sở xác đáng, kèm theo các chứng cứ hoặc chỉ dẫn tới các nguồn thông tin đáng tin cậy;
Lý lẽ, chứng cứ chứng minh ý kiến nêu trên phải khác với lý lẽ, chứng cứ (nếu có) đã được đưa ra trong giai đoạn trước đó hoặc tuy lý lẽ, chứng cứ đó là không khác nhưng chưa được Cục Sở hữu trí tuệ xem xét theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 11 (Xử lý ý kiến phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp) của Thông tư 23/2023/TT-BKHCN.
Thứ hai, có yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn
Thời điểm: Thẩm định lại đơn được thực hiện khi có yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn sau khi đã thông báo kết quả thẩm định nội dung, trong đó nêu dự định cấp văn bằng bảo hộ.
Theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 16 của Nghị định số 65/2023/NĐ-CP, yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn được thẩm định lại khi có các nội dung dưới đây:
Sửa đổi thông tin liên quan đến bản chất của đối tượng sở hữu công nghiệp nêu trong đơn, gồm: (i) Sáng chế: bản mô tả; (ii) Kiểu dáng công nghiệp: bản mô tả, bộ ảnh chụp, bản vẽ; (iii) Nhãn hiệu: mẫu nhãn hiệu, danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu, quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận; (iv) Chỉ dẫn địa lý: bản mô tả tính chất đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý;
Thay đổi người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu;
Do thuộc trường hợp phải thẩm định lại, người yêu cầu sửa đổi phải nộp phí thẩm định lại (550.000 đồng) theo quy định khi nộp đơn yêu cầu sửa đổi.
Thứ ba, có yêu cầu ghi nhận thay đổi người nộp đơn do chuyển nhượng đơn
Thẩm định lại do có yêu cầu ghi nhận thay đổi người nộp đơn do chuyển nhượng đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp sau khi có thông báo kết quả thẩm định nội dung với dự định cấp văn bằng bảo hộ theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 18 của Nghị định số 65/2023/NĐ-CP.
Yêu cầu ghi nhận thay đổi do chuyển nhượng đơn được xử lý như yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn theo quy định tại Điều 16 của Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
Sau khi thẩm định lại, đơn phải được công bố nội dung chuyển nhượng theo quy định. Do vậy, người yêu cầu sửa đổi đơn do chuyển nhượng phải nộp phí nhà nước theo quy định, gồm:
Phí thẩm định đơn: 550.000 đồng.
Phí công bố: 120.000 đồng.
Thứ tư, có yêu cầu thu hẹp phạm vi bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp
Thẩm định lại đơn do chủ văn bằng bảo hộ có yêu cầu:
Sửa đổi bản mô tả; hoặc
Thu hẹp phạm vi bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.
Các yêu cầu này được thực hiện theo quy định về sửa đổi văn bằng bảo hộ tại điểm b khoản 1 và khoản 3 Điều 97 của Luật Sở hữu trí tuệ;
Thứ năm, có yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ
Thẩm định lại đơn do có yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 32 (Chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ) của Nghị định số 65/2023/NĐ-CP;
Thứ sáu, có khiếu nại về các quyết định
Thẩm định lại đơn do có khiếu nại về các quyết định, thông báo liên quan đến đơn theo quy định tại khoản 4 và điểm b khoản 6 Điều 38 của Thông tư 23/2023/TT-BKHCN.
Thời hạn thẩm định lại đơn
Theo quy định tại khoản 3 Điều 119 của Luật Sở hữu trí tuệ, cụ thể như sau:
Sáng chế: không quá 12 tháng;
Nhãn hiệu: không quá 06 tháng;
Kiểu dáng công nghiệp: không quá 04 tháng và 20 ngày;
Chỉ dẫn địa lý: không quá 04 tháng.
Đối với những vụ việc phức tạp, có nhiều tình tiết cần phải được xác minh hoặc cần trưng cầu ý kiến chuyên gia thì thời hạn thẩm định lại có thể kéo dài nhưng không vượt quá thời hạn thẩm định lần đầu theo quy định tại khoản 2 Điều 119 của Luật Sở hữu trí tuệ.
Về cơ bản thời hạn này không có thay đổi gì so với quy định cũ tại Thông tư 01/2007/TT-BKHCN.
Nội dung và số lần thẩm định lại
Theo quy định tương ứng tại khoản 2 Điều 12 của Thông tư 23/2023/TT-BKHCN, các nội dung phải thẩm định lại bao gồm:
Đánh giá sự phù hợp của đối tượng nêu trong đơn với loại văn bằng bảo hộ yêu cầu được cấp;
Đánh giá đối tượng theo từng điều kiện bảo hộ;
Kiểm tra nguyên tắc nộp đơn đầu tiên.
Đối với mỗi trường hợp thẩm định lại, việc thẩm định lại đơn chỉ được thực hiện một lần đối với người nộp đơn và đối với mỗi người thứ ba.
Thủ tục thẩm định lại đơn đăng ký sở hữu công nghiệp
Đây là quy định cụ thể mới được đề cập trong Thông tư 23/2023/TT-BKHCN. Theo quy tắc chung, thủ tục thẩm định lại được thực hiện lần lượt theo các bước của thủ tục thẩm định nội dung đối với sáng chế tại khoản 8 Điều 16, kiểu dáng công nghiệp tại khoản 10 Điều 23, nhãn hiệu tại khoản 13 Điều 26 và chỉ dẫn địa lý tại khoản 7 Điều 30 của Thông tư 23/2023/TT-BKHCN.
Tuy nhiên, các trường hợp thẩm định lại do có yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ hoặc có khiếu nại về các quyết định, thông báo liên quan đến đơn thì thực hiện theo quy định như sau:
Đối với yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ
Đơn yêu cầu chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ được xử lý theo quy định tại Điều 95 (Chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ), Điều 96 (Hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ), khoản 3 Điều 220 (Điều khoản chuyển tiếp) của Luật Sở hữu trí tuệ, được hướng dẫn tại Điều 32 của Nghị định số 65/2023/NĐ-CP.
Đối với khiếu nại về các quyết định, thông báo liên quan đến đơn
Thủ tục được thực hiện thẩm định lại được thực hiện theo khoản 4 và điểm b khoản 6 Điều 38 của Thông tư 23/2023/TT-BKHCN, việc thẩm định lại được thực hiện trong quá trình giải quyết khiếu nại.
Trường hợp người khiếu nại không phải là người nộp đơn hoặc người yêu cầu xác lập quyền sở hữu công nghiệp hoặc đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp là đối tượng của quyết định, thông báo bị khiếu nại cung cấp tình tiết mới có khả năng ảnh hưởng đến kết luận giải quyết khiếu nại, Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện việc thẩm định lại đối với nội dung liên quan đến tình tiết mới theo trình tự thẩm định lại đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp theo quy tắc chung đã được đề cập ở trên.
Căn cứ vào kết quả thẩm định đó, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu ra quyết định giải quyết khiếu nại, trong đó phải có các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 31 của Luật Khiếu nại.
Trên đây là các quy định hiện hành liên quan đến thẩm định lại đơn đăng ký sở hữu công nghiệp. Quý khách có nhu cầu tư vấn các thủ tục liên quan đến sửa đổi, phúc đáp, khiếu nại đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, vui lòng liên hệ đến Đại diện Sở hữu công nghiệp – Công ty Luật Việt An để được hỗ trợ hiệu quả nhất.