Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, người lao động Việt Nam đang phải cạnh tranh không chỉ với lao động trong nước mà còn cả với lao động nước ngoài, đặc biệt đó là nguồn lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật. Đây chính là một trong những lý do khiến tỷ lệ thất nghiệp của người lao động vẫn duy trì ở mức cao. Vì vậy, nhà nước đã đề ra những chính sách giải quyết việc làm, trong đó hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (hay còn gọi là xuất khẩu lao động) tỏ ra khá hiệu quả. Nhà nước khuyến khích đưa nhiều người lao động ra nước ngoài làm việc để họ tự tạo ra thu nhập và giảm bớt gánh nặng cho xã hội. Tuy nhiên, do hoạt động này liên quan đến hoạt động ngoại giao giữa Việt Nam và các nước nên khi thực hiện hoạt động xuất khẩu lao động thì doanh nghiệp cần đáp ứng được những điều kiện chặt chẽ do pháp luật quy định.
Đầu tiên, muốn thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động ra nước ngoài làm việc, chủ thể kinh doanh cần tiến hành thành lập doanh nghiệp. Thủ tục thành lập doanh nghiệp như sau:
Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ tại Sở kế hoạch đầu tư
Thành phần hồ sơ bao gồm:
– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
– Điều lệ công ty;
– Danh sách thành viên hoặc cổ đông công ty (nếu là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần);
– Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực:
Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các thành viên là cá nhân;
Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức và văn bản ủy quyền; Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức;
– Quyết định góp vốn đối với thành viên là tổ chức;
– Giấy uỷ quyền cho Luật Việt An (trong trường hợp lựa chọn dịch vụ của công ty).
Lưu ý: Theo quy định tại Nghị định 126/2007/NĐ-CP hướng dẫn Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì: “Doanh nghiệp được xem xét cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (sau đây gọi tắt là Giấy phép) là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp có 100% vốn điều lệ của các tổ chức, cá nhân Việt Nam”. Như vậy, chỉ có tổ chức, cá nhân Việt Nam mới có thể góp vốn thành lập doanh nghiệp kinh doanh loại dịch vụ này.
Bộ hồ sơ khi đã có đầy đủ chữ ký sẽ được nộp tại Sở kế hoạch đầu tư. Trong thời gian từ 03-05 ngày làm việc, công ty sẽ nhận được Giấy chứng nhận đăng doanh nghiệp.
Bước 2: Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp
Doanh nghiệp sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, phải thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được công khai. Nếu doanh nghiệp không công bố hoặc công bố không đúng thời hạn thì sẽ bị phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 50/2016/NĐ-CP.
Bước 3: Khắc dấu và thông báo mẫu dấu
Theo quy định mới thì doanh nghiệp có quyền tự quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể ủy quyền cho công ty Luật Việt An hoặc tự mình thực hiện khắc dấu và thông báo mẫu con dấu với Sở kế hoạch và đầu tư.
Sau khi nhận thông báo về mẫu con dấu, Phòng đăng ký kinh doanh trao giấy biên nhận cho doanh nghiệp, thực hiện đăng tải thông báo của doanh nghiệp trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và cấp thông báo về việc đăng tải thông tin về mẫu con dấu của doanh nghiệp cho doanh nghiệp.
Do hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, công ty cần thực hiện thủ tục xin cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Điều kiện để được cấp Giấy phép bao gồm:
Có đề án hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
Có bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài và hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Trường hợp doanh nghiệp lần đầu tham gia hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thì phải có phương án tổ chức bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết và hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
Người lãnh đạo điều hành hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải có trình độ từ đại học trở lên, có ít nhất ba năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hoặc hoạt động trong lĩnh vực hợp tác và quan hệ quốc tế;
Có tiền ký quỹ theo quy định của Chính phủ, cụ thể, mức tiền ký quỹ là một tỷ đồng;
Doanh nghiệp được xem xét cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (sau đây gọi tắt là Giấy phép) là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp có 100% vốn điều lệ của các tổ chức, cá nhân Việt Nam.
Ngoài ra, do pháp luật quy định vốn tối thiểu của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là 5 tỷ đồng. Do đó, khi thành lập doanh nghiệp, cách thành viên sáng lập phải đảm bảo đủ số vốn trên theo quy định.
(Xem chi tiết tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Nghị định số 126/2007/NĐ-CP)