Thời hạn phản đối đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Với sự phát triển hiện nay, việc cải tiến các mẫu mã, hình dáng bên ngoài của sản phẩm, tạo ra những kiểu dáng mới là một xu thế tất yếu. Để bảo hộ kiểu dáng công nghiệp nói riêng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nói chung, việc đăng ký kiểu dáng công nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng. Tuy nhiên, có rất nhiều chủ sở hữu không thực sự quan tâm đến vấn đề đăng ký kiểu dáng công nghiệp này, dẫn tới việc bên thứ ba nộp đơn đăng ký bảo hộ cho kiểu dáng công nghiệp đó trước khi chủ sở hữu nộp đơn đăng ký. Trong bài viết sau đây, Luật Việt An sẽ phân tích những quy định pháp luật liên quan về thời hạn phản đối đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp.
Cơ sở pháp lý
Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009, 2019, 2022;
Nghị định 65/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ;
Thông tư 263/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp;
Quyết định 3038/QĐ-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành, thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Kiểu dáng công nghiệp là gì?
Theo quy định tại Khoản 13 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ, thì kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm hoặc bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp, được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này và nhìn thấy được trong quá trình khai thác công dụng của sản phẩm hoặc sản phẩm phức hợp.
Đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Đăng ký kiểu dáng công nghiệp là thủ tục hành chính được Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành, nói cách khác đây chính là việc chủ sở hữu tiến hành nộp đơn đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ để được cấp văn bằng bảo hộ độc quyền cho kiểu dáng công nghiệp.
Đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu chung quy định tại Điều 100, 103 của Luật Sở hữu trí tuệ, Phụ lục I của Nghị định số 65/2023/NĐ-CP và hướng dẫn tại Điều 21 của Thông tư 23/2023/TT-BKHCN.
Thời hạn phản đối đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Tại Điều 111 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009, 2019, 2022 quy định, kể từ ngày đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp đến trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, bất kỳ người thứ ba nào cũng có quyền có ý kiến với cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp về việc cấp hoặc không cấp văn bằng bảo hộ đối với đơn đó. Ý kiến phải được lập thành văn bản kèm theo tài liệu hoặc trích dẫn nguồn thông tin để chứng minh.
Trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, trong thời hạn bốn tháng kể từ ngày đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được công bố, bất kỳ người thứ ba nào cũng có quyền phản đối việc cấp văn bằng bảo hộ.
Quyền phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, đặc biệt là đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp là một điểm mới trong Luật Sở hữu trí tuệ đã được sửa đổi vào năm 2022. Theo đó, bất kỳ bên thứ ba nào cũng có quyền này với điều kiện đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp đó đã được đăng trên công báo sở hữu công nghiệp và việc phản đổi phải trong khoảng thời gian bốn tháng kể từ ngày đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được công bố.
Hình thức phản đối đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Khi nhận thấy đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp đã được nộp vào Cục Sở hữu trí tuệ có dấu hiệu xâm phạm, bất kỳ bên thứ ba nào cũng có quyền gửi ý kiến phản đối của mình tới Cục Sở hữu trí tuệ về việc cấp hoặc không cấp đối với đơn đăng ký đó. Ý kiến phản đối phải được lập thành văn bản kèm theo tài liệu hoặc trích dẫn nguồn thông tin để chứng minh và phải nộp phí, lệ phí.
Theo quy định tại Thông tư 263/2016/TT-BTC quy định thì phí giải quyết yêu cầu phản đối cấp văn bằng bảo hộ của người thứ ba (đối với kiểu dáng công nghiệp cho mỗi phương án của từng sản phẩm) là 550.000 đồng.
Hồ sơ cần cung cấp để phản đối đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Các thành phần hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 112a Luật Sở hữu trí tuệ và Điều 11 Thông tư 23/2023/TT-BKHCN bao gồm:
Văn bản thể hiện ý kiến phản đối;
Tài liệu hoặc trích dẫn nguồn thông tin để chứng minh ý kiến phản đối;
Giấy ủy quyền (nếu nộp đơn thông qua đại diện);
Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ).
Số lượng hồ sơ: 01
Trình tự, thủ tục phản đối đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Theo quy định tại Điều 11 Thông tư 23/2023/TT-BKHCN, quy trình xử lý ý kiến phản đối đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được thực hiện tại Cục Sở hữu trí tuệ theo trình tự như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ phản đối đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp.
Tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ phản đối đơn đăng ký kiểu dáng công nghiêp đến Cục Sở hữu trí tuệ.
Cách thức thực hiện:
Trực tuyến qua Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Khoa học và Công nghệ;
Trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Bước 2: Thẩm định đơn phản đối
Cục Sở hữu trí tuệ kiểm tra tính hợp lệ về yêu cầu của hình thức đơn và thời hạn của ý kiến phản đối. Trường hợp đơn phản đối được nộp quá thời hạn phản đối theo quy định, Cục Sở hữu trí tuệ từ chối chấp nhận đơn ngay tại thời điểm tiếp nhận đơn.
Sau khi đáp ứng yêu cầu, Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận và thông báo về ý kiến đó cho người nộp đơn, trong đó ấn định thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra thông báo để người nộp đơn trả lời bằng văn bản, trừ trường hợp ý kiến của người phản đối liên quan đến quyền đăng ký, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra thông báo để người phản đối nộp đơn khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền theo quy định pháp luật.
Bước 3: Sau khi nhận được ý kiến phản hồi của người nộp đơn trong thời hạn quy định, nếu xét thấy cần thiết, Cục Sở hữu trí tuệ thông báo về ý kiến phản hồi cho người phản đối và ấn định thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra thông báo để người phản đối trả lời bằng văn bản về ý kiến phản hồi đó.
Bước 4: Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người phản đối và người nộp đơn để làm rõ hơn vấn đề có ý kiến phản đối nếu xét thấy cần thiết hoặc có yêu cầu của cả hai bên.
Bước 5: Trên cơ sở thông tin, chứng cứ, lập luận do các bên cung cấp (nếu có) hoặc/và kết quả đối thoại giữa các bên, Cục Sở hữu trí tuệ xử lý ý kiến phản đối và thông báo kết quả xử lý ý kiến phản đối cùng với kết quả thẩm định nội dung đơn tương ứng cho người phản đối và ấn định thời hạn 02 tháng để người phản đối phản hồi lại.
Lưu ý:
Thời hạn dành cho người nộp đơn trả lời ý kiến phản đối của người phản đối và thời hạn dành cho người phản đối phản hồi ý kiến của người nộp không tính vào thời hạn dành cho Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện các thủ tục liên quan theo quy định.
Thời hạn giải quyết yêu cầu phản đối tùy thuộc vào thời hạn ra kết quả thẩm định nội dung đơn tương ứng.
Ý kiến phản đối đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp phải được làm bằng tiếng Việt. Tài liệu kèm theo ý kiến phản đối có thể được làm bằng ngôn ngữ khác nhưng phải được dịch ra tiếng Việt khi Cục Sở hữu trí tuệ yêu cầu.
Phí nhà nước: Phí giải quyết yêu cầu phản đối đơn về sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp cho mỗi phương án của từng sản phẩm là 550.000 đồng (Thông tư 263/2016/TT-BTC).
Dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp của Đại diện Sở hữu trí tuệ Luật Việt An
Đại diện chủ đơn tiến hành đăng ký kiểu dáng công nghiệp tại Cục Sở hữu trí tuệ.
Theo dõi tiến trình đăng ký, phản hồi và phúc đáp khi cần thiết.
Đại diện khách hàng phản đối đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp của bên thứ ba khi có đủ căn cứ xác định xâm phạm quyền.
Tư vấn, hỗ trợ khách hàng trao đổi, giải quyết thủ tục phản đối tại Cục Sở hữu trí tuệ.
Đại diện khách hàng khởi kiện ra Tòa án liên quan đến quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp.
Quý khách hàng có thắc mắc hay có nhu cầu tư vấn các dịch vụ pháp lý liên quan về phản đối đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, đăng ký kiểu dáng công nghiệp, xin vui lòng liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất!