Thủ tục đăng ký sáng chế theo Hiệp ước PCT có nguồn gốc Việt Nam
Hiệp ước PCT (tiếng Anh: Patent Cooperation Treaty) hợp tác quốc tế về Bằng sáng chế năm 1970 (được sửa đổi năm 1984) trong khuôn khổ WIPO đã tạo ra cơ chế hợp tác về đăng ký sáng chế toàn cầu. với vai trò thành viên của Hiệp ước từ năm 1993, Việt Nam đã tích cực nội luật hóa các cam kết quốc tế về bảo hộ sáng chế vào pháp luật sở hữu trí tuệ trong nước. Luật Việt An xin hướng dẫn quý khách hàng làm thủ tục đăng ký sáng chế theo Hiệp ước PCT có nguồn gốc Việt Nam như sau:
Điều kiện nộp đơn đăng ký sáng chế PCT theo quy định pháp luật Việt Nam
Với sáng chế được đăng ký quốc tế, ngoài việc đáp ứng các yêu cầu để được bảo hộ tại nước nguyên gốc, sáng chế đó còn cần đáp ứng các điều kiện bảo hộ tại nước được chỉ định bảo hộ trong đơn PCT. Theo các tiêu chí được thống nhất trong phạm vi quốc tế trong đó có Việt Nam, để được cấp bằng độc quyền sáng chế, sáng chế có nhu cầu bảo hộ phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu sau:
Có tính mới
Có trình độ sáng tạo
Có khả năng áp dụng công nghiệp
Ngoài ra theo quy định mới của Luật Sở hữu trí tuệ 2022 về sáng chế là bí mật nhà nước, nếu đối tượng yêu cầu bảo hộ của đơn PCT là bí mật nhà nước, đơn sẽ bị từ chối theo quy định.
Chuẩn bị hồ sơ đơn đăng ký sáng chế có nguồn gốc tại Việt Nam
Người nộp đơn PCT (tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp hoặc chủ sở hữu sáng chế) có thể tiến hành nộp đơn đăng ký quốc tế theo 2 cách được quy định tại Nghị định 65/2023/NĐ-CP dưới đây:
Nộp trực tiếp cho Văn phòng quốc tế (Internation Bureau – gọi tắt là IB) của WIPO.
Nộp thông qua Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (cơ quan bảo hộ sở hữu công nghiệp quốc gia tại Việt Nam đóng vai trò trung gian tiếp nhận đơn). Việc nộp hồ sơ thông qua Cục Sở hữu trí tuệ có ưu điểm hơn khi chủ đơn sẽ có một bước rà soát, kiểm tra sơ bộ về hình thức bởi Cục và sau đó Cục sẽ thay mặt chủ đơn gửi hồ sơ đơn cho Văn phòng quốc tế WIPO.
Hồ sơ đăng ký sáng chế có nguồn gốc Việt Nam bao gồm
Tờ khai đơn PCT có nguồn gốc Việt Nam (03 bản);
Bản mô tả (02 bản, bao gồm cả hình vẽ, nếu có);
Yêu cầu bảo hộ (02 bản);
Các tài liệu có liên quan (nếu có);
Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí theo quy định;
Giấy ủy quyền cho Luật Việt An thực hiện thủ tục.
Lưu ý về hình thức đơn PCT nguồn gốc Việt Nam
Trường hợp nộp đơn trực tiếp đến IB: đơn phải đáp ứng các yêu cầu về ngôn ngữ, hình thức và nội dung quy định tại Hiệp ước PCT.
Trường hợp nộp đơn thông qua Cục Sở hữu trí tuệ:
Ngôn ngữ: tiếng Anh
Số lượng: mỗi đơn được làm thành 01 bản, đáp ứng các yêu cầu về hình thức và nội dung quy định tại Hiệp ước PCT.
Phí, lệ phí: người nộp đơn phải nộp phí kiểm tra sơ bộ hình thức, các khoản phí, lệ phí theo quy định áp dụng tại Việt Nam.
Các bước thực hiện đăng ký sáng chế theo Hiệp ước PCT có nguồn tại Việt Nam thông qua Cục Sở hữu trí tuệ
Theo quy định của Nghị định 65/2023/NĐ-CP, thủ tục đăng ký sáng chế theo Hiệp ước PCT có nguồn gốc Việt Nam thông qua Cục Sở hữu trí tuệ được quy định gồm các bước như sau:
Bước 1: Tiếp nhận đơn PCT
Khách hàng có thể nộp đơn PCT đăng ký sáng chế tại Việt Nam, trong đó kèm theo yêu cầu bảo hộ tại bất kỳ nước Thành viên nào của Hiệp ước PCT, kể cả Việt Nam tại cơ sở tiếp nhận đơn của Cục Sở hữu trí tuệ (tại Hà Nội, Đà Nẵng và Hồ Chí Minh).
Người nộp đơn nộp phí kiểm tra sơ bộ hình thức đơn và được hướng dẫn nộp các khoản phí ở giai đoạn quốc tế theo quy định Hiệp ước PCT.
Đơn quốc tế sẽ được nộp cho WIPO trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày nộp đơn đầu tiên/ đơn gốc ở Việt Nam.
Bước 2: Tra cứu quốc tế sáng chế
Trong vòng 4 tháng kể từ ngày Văn phòng Quốc tế nhận đơn PCT, đơn đăng ký sau khi xử lý sẽ:
Chuyển báo cáo tra cứu quốc tế đến Cơ quan tra cứu quốc tế (International Seraching Authority) nếu đơn đã hợp lệ về hình thức; hoặc
Ra ý kiến bằng văn bản gửi trực tiếp cho người nộp đơn yêu cầu bổ sung hồ sơ.
Bước 3: Công bố đơn PCT nguồn gốc Việt Nam
Đơn PCT có nguồn gốc Việt Nam được công bố trên Công báo của PCT (PATENTSCOPE – patentscope.wipo.int) trong vòng 6 tháng kể từ ngày tiếp nhận đơn PCT (không kể thời gian chỉnh sửa bổ sung đơn nếu có).
Bước 4: Thẩm định sơ bộ quốc tế đơn PCT
Thủ tục này được tiến hành tại cơ quan thẩm định sơ bộ quốc tế có thẩm quyền theo PCT. Mục đích của thủ tục này là đưa ra ý kiến sơ bộ và không ràng buộc về sáng chế cần bảo hộ trong đơn có đáp ứng các yêu cầu bảo hộ hay không. Cơ quan thẩm định lập báo cáo thẩm định sơ bộ và gửi cho Văn phòng quốc tế.
Bước 5: Xử lý đơn PCT giai đoạn quốc gia
Ở giai đoạn quốc gia được chỉ định, đơn quốc tế được thẩm định hình thức và thẩm định nội dung theo các thủ tục quy định đối với đơn đăng ký sáng chế thông thường tại quốc gia sở tại.
Thời hạn tiến hành thủ tục nộp đơn sáng chế theo Hiệp ước PCT có nguồn gốc Việt Nam
Công bố đơn: 18 tháng kể từ ngày nộp đơn đầu tiên;
Bước vào giai đoạn quốc gia (xử lý tại quốc gia được chỉ định): 30 tháng kể từ ngày nộp đơn đầu tiên.
Xử lý đơn quốc gia: Tuỳ theo từng quốc gia nơi đơn được nộp ở giai đoạn quốc gia.
Ưu điểm của việc đăng ký sáng chế bằng đơn PCT
Tại Việt Nam, số lượng sáng chế được đăng ký không nhiều nhưng có chất lượng. Các tác giả sáng chế luôn có nhu cầu bảo hộ tác phẩm trí tuệ của mình không chỉ trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Tuy nhiên, việc tìm kiếm, liên hệ và thuê đại diện sở hữu trí tuệ tại nước ngoài thực hiện thủ tục này (thường là yêu cầu bắt buộc theo luật sở hữu trí tuệ nhiều quốc gia đối với chủ đơn nước ngoài) thường rất phức tạp và tốn kém. Mặc dù có thể thông qua một số đại diện ở Việt Nam như đại diện Luật Việt An để làm việc với đối tác đơn vị đại diện nước ngoài để việc xử lý được thuận tiện hơn, nhưng trong trường hợp đăng ký tại nhiều quốc gia thì việc kết nối gián tiếp này không phải là lựa chọn hợp lý.
Trong khi đó, đơn PCT được quy định cụ thể tại Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 đã khắc phục các bất cập trên và mang đến cho chủ đơn sáng chế những ưu điểm sau:
Giảm thiểu khối lượng công việc: Thông qua một đơn duy nhất, chủ sở hữu sáng chế có thể bảo hộ sáng chế của mình tại nhiều quốc gia thành viên PCT thay vì phải nộp nhiều đơn riêng biệt. Thủ tục này giúp giảm thiểu công sức của cả người nộp đơn lẫn các cơ quan sáng chế quốc gia nước được chỉ định bảo hộ (nước quốc tế dự định đăng ký bảo hộ) về bảo hộ sáng chế.
Tiết kiệm chi phí: Chi phí nộp đơn PCT thường thấp hơn so với việc nộp nhiều đơn quốc gia riêng biệt. Đây là cách hiệu quả để bảo hộ sáng chế trên nhiều thị trường
Thời gian linh hoạt: Chủ sở hữu có tới 18-30 tháng để quyết định nộp đơn tại các quốc gia cụ thể, sau khi nộp đơn PCT ban đầu. Điều này giúp chủ sở hữu có thời gian cân nhắc và lựa chọn thị trường phù hợp.
Hệ thống thông tin toàn diện: Hiệp ước PCT hiện nay đã có 157 quốc gia thành viên tham gia. Bởi vậy, thông tin sáng chế quốc tế được cung cấp trong phạm vi hiệp ước này rất đa dạng, toàn diện và cập nhật về tình trạng pháp lý của sáng chế đang được bảo hộ để phục vụ công tác tra cứu thẩm định sáng chế.
Dù mới được áp dựng từ năm 2023, nhưng nhờ những ưu điểm này, đăng ký quốc tế sáng chế bằng đơn PCT đang trở thành lựa chọn phổ biến và hiệu quả cho các chủ sở hữu sáng chế tại Việt Nam muốn mở rộng bảo hộ trên nhiều thị trường quốc tế sáng chế của mình.
Phân biệt đơn nguồn gốc Việt Nam và đơn chỉ định (chọn) Việt Nam
Tương tự thuật ngữ được sử dụng đơn Madrid về đăng ký nhãn hiệu quốc tế, bản dịch tiếng Việt được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ trên được hiểu dựa trên quốc gia điểm đến và điểm đi của sáng chế, cụ thể:
Đơn PCT có nguồn gốc Việt Nam (nguyên gốc tiếng anh: Application designated from Vietnam): đơn sáng chế được nộp từ Việt Nam để yêu cầu bảo hộ tại bất kỳ quốc gia thành viên nào của Hiệp ước PCT, kể cả Việt Nam. Thông thường các sáng chế này sẽ có chủ sở hữu / tác giả là người Việt Nam, quá trình phát minh và phát triển sáng chế được thực hiện tại Việt Nam nhằm ứng dựng khả năng áp dụng công nghiệp trong sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
Đơn PCT có chỉ định (chọn) Việt Nam (nguyên gốc tiếng anh: Application elected to Vietnam): Đơn đăng ký quốc tế được nộp từ một quốc gia thành viên của Hiệp ước PCT (kể cả Việt Nam), trong đơn có yêu cầu bảo hộ sáng chế tại Việt Nam.
Như vậy, thông qua WIPO với vai trò cầu nối trung gian và cơ quan kiểm duyệt sơ bộ hình thức đơn, việc nộp đơn được thực hiện từ quốc gia này sang quốc gia khác có thể được thực hiện đơn giản và trực tiếp bởi chủ sở hữu sáng chế. Tuy nhiên, việc nộp đơn sẽ phải tuân thủ các quy định về hồ sơ cụ thể được cụ thể hóa tại luật pháp từng quốc gia là nguồn gốc của đơn, do vậy chủ sở hữu sáng chế cần được tư vấn cụ thể bởi tổ chức đại diện hoặc cơ quan bảo hộ sở hữu công nghiệp quốc gia có liên quan tại quốc gia sở tại của sáng chế.
Dịch vụ đăng ký sáng chế quốc tế theo Hiệp ước PCT có nguồn gốc Việt nam của Luật Việt An
Công ty luật Việt An được thành lập vào năm 2007, được công nhận là Tổ chức đại diện sở hữu trí tuệ tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Sau 15 năm hoạt động, Luật Việt An tự hào là một trong những công ty luật uy tín nhất, cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng trong lĩnh vực tư vấn pháp luật, dịch vụ tư vấn về sở hữu trí tuệ và dịch vụ đại diện sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.
Tư vấn pháp luật về thủ tục đăng ký sáng chế theo Hiệp ước PCT có nguồn gốc Việt Nam;
Soạn thảo hồ sơ thủ tục đăng ký sáng chế theo Hiệp ước PCT có nguồn gốc Việt Nam;
Nộp hồ sơ và theo dõi tiến trình;
Trao đổi, cung cấp thông tin cho khách hàng trong tiến trình làm thủ tục đăng ký sáng chế theo Hiệp ước PCT có nguồn gốc Việt Nam.
Mọi khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục đăng ký sáng chế theo Hiệp ước PCT có nguồn gốc Việt Nam, xin vui lòng liên hệ với Công ty Luật Việt An để được tư vấn, hỗ trợ và cung cấp dịch vụ trọn gói!