Ngày 31 tháng 12 năm 2017 Chính phủ đã ban hành nghị định số 167/2017/NĐ-CP quy định về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Theo đó, việc thu hồi nhà, đất là một trong những hình thức xử lý nhà, đất khi thực hiện sắp xếp lại. Hình thức thu hồi được thực hiện sau khi cơ quan có thẩm quyền lập phương án sắp xết lại, xử lý nhà, đất và đã được phê duyệt.
Các trường hợp áp dụng hình thức thu hồi nhà, đất:
Cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp không sử dụng liên tục quá 12 tháng;
Sử dụng nhà, đất không đúng quy định thuộc trường hợp thu hồi theo quy định;
Nhà, đất là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp cũ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị sau khi đã được Nhà nước giao trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp khác hoặc được đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp tại địa điểm mới mà không được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo một trong các hình thức khác theo quy định;
Việc thu hồi được thực hiện sau khi trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp mới được bàn giao, đưa vào sử dụng;
Chuyển nhượng, bán, tặng cho, góp vốn, sử dụng nhà, đất để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự không đúng quy định;
Nhà, đất đã được giao, được đầu tư xây dựng, mua sắm nhưng không còn nhu cầu sử dụng hoặc việc sử dụng, khai thác không hiệu quả hoặc giảm nhu cầu sử dụng do thay đổi tổ chức bộ máy, thay đổi chức năng, nhiệm vụ;
Cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp được giao quản lý, sử dụng tự nguyện trả lại nhà, đất cho Nhà nước;
Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất được cơ quan, người có thẩm quyền quy phê duyệt thì các chủ thể trong phạm vi quyền hạn của mình sẽ ra quyết định thu hồi. Cụ thể:
Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định thu hồi đối với nhà, đất do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc trung ương quản lý;
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đối với nhà, đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc địa phương quản lý.
Trình tự, thủ tục thu hồi nhà, đất được thực hiện khác nhau giữa các trường hợp thu hồi nhà, đất. Đối với trường hợp tự nguyện trả lại nhà, đất thì chủ thể đang quản lý, sử dụng nhà đất nộp hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền để xem xét, đề nghị thu hồi tài sản công. Sau khi có quyết định thu hồi tài sản, chủ thể quản lý bàn giao đầy đủ tài sản và giấy tờ có liên quan cho cơ quan có thẩm quyền.
Khác với trường hợp tự nguyện trả lại nhà, đất là tài sản công, đối với những trường hợp còn lại, cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, xử phạt vi phạm hành chính và các cơ quan quản lý nhà nước khác có văn bản kiến nghị và chuyển hồ sơ (nếu có) đến cơ quan, người có thẩm quyền thu hồi tài sản theo quy định. Khi nhận được kiến nghị và hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền tiến hành kiểm tra, xác minh và ra quyết định thu hồi nếu thuộc trường hợp phải thu hồi.
Lưu ý: Trình tự, thủ tục thu hồi đối với nhà, đất là tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân thực hiện theo quy định riêng theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP.
Quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018.