Công ty có nhu cầu đặt gia công sản phẩm tại TQ, nhưng tem mác là tên cty của chúng tối thì cần những thủ tục gì ạ? và có được làm như thế không ạ?
Tất cả nguyên liệu, sản phẩm, bao bì ở TQ, nhưng tem mác là tên công ty của tôi.
Theo những thông tin bạn trao đổi, Luật Việt An xin tư vấn sơ bộ cho bạn như sau:
Căn cứ pháp lý
Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa;
Nghị định 31/2018/NĐ-CP về xuất xứ hàng hóa;
Thông tư 05/2018/TT-BCT về xuất xứ hàng hóa.
Có được gẵn mác công ty Việt Nam vào hàng hóa sản xuất, gia công tại Trung Quốc để lưu thông tại Việt Nam không?
Tem mác hay nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật lưu thông tại Việt Nam phải được ghi theo tiêu chuẩn của pháp luật Việt Nam, mà cụ thể là theo quy định tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa. Theo đó, Điều 10 Nghị định quy định nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau:
Tên hàng hóa;
Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa;
Xuất xứ hàng hóa;
Các nội dung khác theo tính chất của mỗi loại hàng hóa.
Như vậy, nếu hàng hóa được gia công tại Trung Quốc, trên nhãn hàng hóa bạn bắt buộc phải ghi cả thông tin về xuất xứ hàng hóa (Trung Quốc) và tên, địa chỉ của tổ chức chịu trách nhiệm về hàng hóa. Tổ chức chịu trách nhiệm sẽ bao gồm tổ chức sản xuất ra hàng hóa và tổ chức nhập khẩu hàng hóa để lưu thông tại Việt Nam (tên công ty bạn).
Tóm lại, bạn được phép gắn mác tên công ty bạn nhưng phải ghi rõ xuất xứ hàng hóa là Trung Quốc, tên cơ sở sản xuất và tên công ty bạn dưới dạng tổ chức nhập khẩu.
Nếu không muốn thể hiện xuất xứ Trung Quốc và tên của cơ sở sản xuất Trung Quốc, bạn có thể đặt gia công hàng hóa tại Trung Quốc nhưng các khâu hoàn thiện cuối cùng được thực hiện tại Việt Nam. Lúc này, hàng hóa có thể sẽ được xác định xuất xứ Việt Nam nếu đáp ứng các tiêu chuẩn tại Quy tắc cụ thể mặt hàng theo quy định tại Hiệp định ATIGA giữa Trung Quốc với ASEAN, Thông tư 22/2016/TT-BCT (trường hợp hàng hóa lưu thông tại Việt Nam) và Nghị định 31/2018/NĐ-CP và Thông tư 05/2018/TT-BCT về xuất xứ hàng hóa, các hiệp định thương mại giữa Việt Nam với các nước khác (nếu xuất khẩu hàng hóa đi nước ngoài). Vì với mỗi hàng hóa khác nhau, tiêu chuẩn xuất xứ đối với hàng hóa sẽ khác nhau, nơi lưu thông hàng hóa khác nhau, tiêu chuẩn xuất xứ đối với hàng hóa cũng sẽ khác nhau, vì vậy, bạn vui lòng cung cấp thêm cho Luật Việt An và hàng hóa và địa điểm lưu thông hàng hóa để được hỗ trợ tốt nhất.
Thủ tục ghi nhãn hàng hóa:
Tổ chức tự ghi nhãn hàng hóa và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nhãn hàng hóa phải bảo đảm ghi nhãn trung thực, rõ ràng, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hóa.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Việt An, nếu khách hàng có bất kỳ thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ Luật Việt An để được tư vấn cụ thể!