Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc ly hôn có yếu tố nước ngoài không còn là vấn đề xa lạ, đặc biệt khi các bên liên quan có quốc tịch khác nhau hoặc cư trú tại các quốc gia khác nhau. Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên, việc nắm rõ các quy định của pháp luật Việt Nam về ly hôn có yếu tố nước ngoài là điều cần thiết. Bài viết này sẽ cung cấp các thông tin tư vấn ly hôn có yếu tố nước ngoài, điều kiện, thủ tục, thẩm quyền giải quyết cũng như các yếu tố pháp lý liên quan nhằm giúp các bên có thể chuẩn bị tốt nhất cho quá trình giải quyết ly hôn trong trường hợp có yếu tố nước ngoài.
Ly hôn có yếu tố nước ngoài là gì?
Căn cứ theo Điều 127 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định ly hôn có yếu tố nước ngoài bao gồm các trường hợp cụ thể như:
Việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam.
Việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.
Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam.
Thẩm quyền giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài
Căn cứ quy định tại điểm c, khoản 1 của Điều 37 trong Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015, trong trường hợp giải quyết việc ly hôn mà một bên đương sự là người nước ngoài, thì thẩm quyền để giải quyết thuộc về Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Trong các trường hợp đặc biệt được quy định tại khoản 4 của Điều 35 trong Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015, khi việc ly hôn xảy ra giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của một nước láng giềng cũng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam, thì thẩm quyền để giải quyết thuộc về Tòa án nhân dân khu vực.
Quy trình ly hôn có yếu tố nước ngoài
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ ly hôn
Ly hôn thuận tình
Đơn yêu cầu công nhận ly hôn theo thỏa thuận (mẫu số 01-VDS ban hành kèm theo Nghị quyết 04/2018/NQ-HĐTP).
Bản chính của Giấy đăng ký kết hôn.
Giấy xác nhận cư trú.
Bản sao công chứng, chứng thực Chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu của vợ và chồng.
Bản sao công chứng, chứng thực Giấy khai sinh của con (nếu có con chung).
Tài liệu và chứng cứ khác chứng minh quyền sở hữu tài sản chung như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy đăng ký xe, và các tài liệu tương tự.
Ly hôn đơn phương
Đơn khởi kiện ly hôn đơn phương (mẫu số 23-DS ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP).
Bản chính của Giấy đăng ký kết hôn.
Giấy xác nhận cư trú.
Bản sao công chứng, chứng thực Chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu của vợ và chồng.
Bản sao công chứng, chứng thực Giấy khai sinh của con (nếu có con chung).
Tài liệu và chứng cứ khác chứng minh yêu cầu phân chia tài sản như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy đăng ký xe, và các tài liệu tương tự.
Bước 2: Nộp hồ sơ ly hôn có yếu tố nước ngoài
Sau khi hoàn tất việc chuẩn bị hồ sơ, đương sự sẽ gửi bộ hồ sơ ly hôn có yếu tố nước ngoài tới Tòa án nhân dân cấp Tỉnh nơi vợ chồng cư trú, làm việc ( đối với trường hợp ly hôn thuận tình), Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi bị đơn cư trú, làm việc ( đối với trường hợp ly hôn đơn phương).
Bước 3: Tòa án xử lý hồ sơ
Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Tòa án thụ lý, xem xét và thẩm định đơn xin lý hôn có yếu tố nước ngoài về tính hợp lệ theo đúng quy định pháp luật trong thời gian 08 ngày làm việc. Nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Tòa án sẽ thông báo nộp tiền tạm ứng án phí/lệ phí cho người nộp hồ sơ trong thời hạn đóng 05 ngày.
Người nộp đơn cần nộp tiền tạm ứng án phí và gửi biên lai xác nhận việc nộp tiền tạm ứng án phí đó đến Tòa án. Sau đó, Tòa án sẽ tiếp nhận và thông báo về việc thụ lý vụ án xin ly hôn, đồng thời gửi thông báo này đến viện kiểm sát cùng cấp và bị đơn liên quan.
Bước 4: Nộp tiền tạm ứng án phí/lệ phí
Người nộp đơn tiến hành việc nộp tiền tạm ứng án phí dân sự tại cơ quan Chi cục thi hành án dân sự có thẩm quyền. Đồng thời, sau khi nộp tiền tạm ứng án phí, bạn cần lập biên lai xác nhận việc nộp tiền tạm ứng án phí và trình lên tòa án.
Nếu đương sự không có đủ thời gian để thực hiện thủ tục thì có thể ủy quyền cho Luật sư tiến hành đóng tạm ứng án phí/lệ phí Tòa án, thực hiện các thủ tục tại Tòa án để được giải quyết trường hợp ly hôn có yếu tố nước ngoài. Việc ủy quyền phải được chứng thực theo quy định hiện hành.
Bước 5: Tòa án mở phiên tòa giải quyết và ra quyết định
Tòa án mở phiên tòa giải quyết và ra quyết định sau khi tiến hành các bước thủ tục cần thiết và xem xét tất cả các thông tin, chứng cứ liên quan. Trong quá trình diễn ra phiên tòa, các bên liên quan sẽ có cơ hội trình bày, chứng minh quan điểm của mình. Sau đó, Tòa án sẽ đánh giá và xem xét tất cả các yếu tố bao gồm yếu tố nước ngoài, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về việc ly hôn. Quyết định này có thể bao gồm việc giải quyết các vấn đề liên quan đến tài sản, quyền nuôi con cái và các quyền khác của các bên trongn ly hôn có yếu tố nước ngoài.
Tình huống ly hôn có yếu tố nước ngoài
Mình là 2 quốc tịch Mỹ và việt, kết hôn chồng người Mỹ và hiện 2 vợ chồng làm việc tại HCM. Kết hôn ở Mỹ chưa đăng ký tại VN.
2 vợ chồng có nhà chung bên Michigan Mỹ đứng tên cả 2, 1 con chung 3 tuổi. Hiện tại tôi muốn ly hôn tại Việt Nam. Nhờ luật sư tư vấn tui nên về Mỹ hay ở VN ly hôn bên nào có lợi cho tui hơn.
Tui chỉ cần giữ đứa con và ko cần tài sản gì của ổng vì ổng cũng ko có tài sản gì.?
Trường hợp của bạn, Luật Việt An xin tư vấn như sau:
Thứ nhất, về kết hôn tại Mỹ chưa đăng ký tại Việt Nam.
Căn cứ theo Điều 124 Luật Hôn nhân và gia đình 2014: Hợp pháp hóa lãnh sự giấy tờ, tài liệu về hôn nhân và gia đình: “Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài lập, cấp hoặc xác nhận để sử dụng giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình thì phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.” Vậy trước tiên, nếu chị muốn ly hôn theo thủ tục Việt Nam thì cần phải thực hiện thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự và được ghi chú vào sổ đăng ký tại Sở Tư pháp rồi mới nộp đơn xin ly hôn. Trong trường hợp các bên không tiến hành ghi chú nhưng vẫn muốn ly hôn thì trong đơn xin ly hôn phải trình bày rõ lý do không ghi chú kết hôn.
Thứ hai, về thủ tục ly hôn có yếu tố nước ngoài ở Việt nam:
Thủ tục ly hôn sẽ thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Luật hôn nhân và gia đình năm 2014. Cụ thể:
Bước 1: Nộp Đơn xin ly hôn (theo mẫu của Tòa án nếu có) kèm theo các tài liệu, chứng cứ tại Toà án nhân dân cấp tỉnh nơi bạn cư trú.
Bước 2: Sau khi nhận Đơn xin ly hôn và các tài liệu, chứng cứ kèm theo, Tòa án sẽ tiến hành thụ lý đơn và yêu cầu bạn đi nộp tiền tạm ứng án phí (Điều 195 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015).
Bước 3: Tòa án sẽ tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải (Điều 54 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 và điểm g Khoản 2 Điều 203 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015).
Bước 4: Trường hợp hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án sẽ đưa vụ án ra xét xử để giải quyết đơn xin ly hôn của bạn.
Về tài sản chung, Khoản 3 Điều 127 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định: “Việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.” Do đó, khi bạn ly hôn theo thủ tục Việt Nam, căn nhà chung của bạn và chồng ở Michigan Mỹ sẽ được giải quyết theo pháp luật Mỹ.Về con chung, theo Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam, Khoản 3 Điều 81 quy định: “Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.” Nếu con bạn chưa đủ 36 tháng thì sẽ được ưu tiên cho mẹ nuôi theo nguyên tắc của pháp luật Việt Nam.
Tóm lại, bạn có thể tiến hành thủ tục ly hôn ở Việt Nam. Ưu điểm khi thực hiện ly hôn theo thủ tục Việt Nam là tiết kiệm chi phí đi lại đặc biệt khi bạn đang sống tại Việt Nam. Ngoài ra, bạn có thể nhận được nhiều tư vấn pháp luật Việt Nam hơn so với việc thực hiện ly hôn tại nước ngoài vì chi phí thuê luật sư tại Mỹ thường rất cao.
Trên đây là nội dung tư vấn ly hôn có yếu tố nước ngoài của Luật Việt An, nếu có thắc mắc gì vui lòng liên hệ Luật Việt An để được tư vấn cụ thể hơn.