Tư vấn pháp luật về trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam
Trong những năm gần đây, trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành một trong những lĩnh vực công nghệ phát triển mạnh mẽ nhất trên toàn cầu, với những ứng dụng sâu rộng trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Tại Việt Nam, mặc dù AI còn đang trong giai đoạn phát triển nhưng đã nhận được sự quan tâm đáng kể từ các doanh nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề pháp lý xung quanh việc ứng dụng và quản lý công nghệ này là một vấn đề phức tạp và nhận được nhiều sự quan tâm. Sau đây, Luật Việt An sẽ tư vấn pháp luật về trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam.
Thách thức pháp lý trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam
Chính sách pháp lý chưa hoàn chỉnh: Mặc dù Việt Nam đã có một số chính sách liên quan đến AI và công nghệ cao, nhưng các quy định pháp lý cụ thể về AI vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ. Điều này có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp khi triển khai các dự án AI.
Dữ liệu có thể không chính xác: Nếu dữ liệu đào tạo không đủ đa dạng, các mô hình AI có thể sẽ đưa ra kết quả sai lệch hoặc không chính xác. Điều này có thể dẫn đến sự phân biệt đối xử hoặc các tác động tiêu cực khác đối với những nhóm người bị thiệt thòi.
Vấn đề bảo mật và quyền riêng tư: Với khả năng phân tích và xử lý lượng dữ liệu khổng lồ, AI có thể trở thành một công cụ mạnh mẽ để thu thập, lưu trữ và sử dụng thông tin cá nhân. Nếu không được quản lý và bảo vệ một cách cẩn thận, điều này có thể dẫn đến các hành vi lạm dụng và xâm phạm quyền riêng tư của con người.
Trách nhiệm pháp lý: Khi các hệ thống AI ra quyết định ảnh hưởng đến cuộc sống của con người, việc xác định trách nhiệm của các bên liên quan trở nên phức tạp. Điều này có thể dẫn đến những hậu quả không mong muốn, chẳng hạn như sự thiếu công bằng hoặc thiệt hại cho những cá nhân và tổ chức bị ảnh hưởng.
Doanh nghiệp trong lĩnh vực AI có thể được thành lập như một công ty cổ phần, công ty TNHH, hoặc các hình thức doanh nghiệp khác theo quy định của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần chú ý đến một số vấn đề pháp lý khi thành lập trong lĩnh vực này:
Giấy phép và đăng ký hoạt động: Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực AI phải đăng ký giấy phép kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh.
Nếu doanh nghiệp trong lĩnh vực AI do nhà đầu tư nước ngoài thành lập, cần lưu ý đăng ký đầu tư trước khi đăng ký doanh nghiệp.
Các lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực AI như:
Nghiên cứu, phát triển và triển khai các sản phẩm và giải pháp phần mềm Trí tuệ nhân tạo (AI) cho các đơn vị trong và ngoài nước.
Cung cấp giải pháp cho nhiều ngành nghề khác nhau, từ khách sạn, vận tải cho đến tài chính, ngân hàng hay thậm chí là y tế, giáo dục như phần mềm nhân viên lễ tân ảo, phần mềm người thuyết trình ảo, Giải pháp chăm sóc khách hàng tự động,…
Dùng trí tuệ nhân tạo để giải quyết tất cả vấn đề của các tổ chức, doanh nghiệp như: Kinh doanh (tự động hóa các hoạt động bán hàng, gợi ý mua sắm thông minh, phát hiện các trường hợp khẩn cấp); Quản lý (phân loại và quản lý dữ liệu, chuyển đổi số quy trình doanh nghiệp); Marketing (Chatbot và Voicebot trả lời tự động, nhận thức thương hiệu và nghiên cứu thị trường, cá nhân hóa trải nghiệm người, dự đoán và giảm thiểu tình trạng khách hàng bỏ đi).
Dịch vụ Đào tạo & Tư vấn Chuyển đổi số.,…
Tư vấn những ưu đãi của doanh nghiệp trong lĩnh vực AI tại Việt Nam
Việt Nam hiện nay đang thúc đẩy phát triển trí tuệ nhân tạo với mục tiêu đưa trí tuệ nhân tạo trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam. Hiện nay, lĩnh vực này đnag có nhiều ưu đãi đặc biệt như:
Ưu đãi thuế: Các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, bao gồm AI, có thể được hưởng các ưu đãi thuế, như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong một số năm đầu hoặc ưu đãi thuế cho các sản phẩm công nghệ cao. Chính phủ Việt Nam cũng có chính sách thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Khu công nghệ cao và các ưu đãi liên quan: Các doanh nghiệp AI cũng có thể đăng ký hoạt động tại các khu công nghệ cao, nơi có các ưu đãi, hỗ trợ đầu tư về đất đai, thuế và cơ sở hạ tầng hỗ trợ nghiên cứu và phát triển công nghệ.
Sự hỗ trợ của các quỹ đầu tư công nghệ, các quỹ nghiên cứu, sáng tạo và phát triển công nghệ của Nhà nước hoặc các tổ chức quốc tế. Những quỹ này giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí đầu tư vào nghiên cứu và sáng tạo công nghệ.
Tư vấn về bảo hộ sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực AI
Một số đối tượng của công nghệ AI có thể đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ như:
Sáng chế: Công nghệ AI có thể được bảo vệ bằng quyền sở hữu sáng chế nếu đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về tính mới, tính sáng tạo và khả năng ứng dụng công nghiệp. Các sáng chế có thể bao gồm các thuật toán, mô hình học máy, các giải pháp về phần mềm và phần cứng cho hệ thống AI.
Bản quyền phần mềm AI: Các phần mềm, mã nguồn, hoặc các công nghệ AI có thể được bảo vệ dưới dạng quyền bản quyền tác giả. Điều này giúp bảo vệ các phần mềm AI độc quyền mà doanh nghiệp phát triển, tránh việc sao chép trái phép.
Nhãn hiệu: Nếu AI được phát triển thành các sản phẩm hoặc dịch vụ có thương hiệu (ví dụ như các ứng dụng AI, hệ thống tự động hóa, phần mềm phân tích dữ liệu), nhãn hiệu sẽ giúp bảo vệ thương hiệu của sản phẩm, tránh việc sử dụng trái phép và nâng cao uy tín.
Tuy nhiên, vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ đối với những tác phẩm, sáng chế do AI tạo ra đang tạo nên những thách thức pháp lý, bởi theo Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam, quyền sở hữu trí tuệ chỉ được đặt ra đối với những tài sản trí tuệ do con người sáng tạo ra. Ngoài ra, BLDS 2015 chưa ghi nhận dạng chủ thể là máy móc hay chương trình máy tính, do vậy sẽ là không thể nếu xác định tư cách pháp lý của AI là những chủ thể trong pháp luật.
Do đó, doanh nghiệp cần có các hợp đồng rõ ràng, quy định về quyền sở hữu đối với các sản phẩm sáng tạo của AI, đặc biệt là trong các hợp tác nghiên cứu, phát triển hoặc khi AI tham gia vào quá trình sáng tạo.
Trách nhiệm pháp lý của AI và giải quyết tranh chấp
Như đã phân tích, AI chưa được coi là chủ thể có tư cách pháp lý. Vì vậy, AI không thể tự mình chịu trách nhiệm pháp lý. Tuy nhiên, khi AI thực hiện hành động có thể gây thiệt hại hoặc xâm phạm quyền lợi của bên thứ ba, trách nhiệm pháp lý sẽ thuộc về các cá nhân hoặc tổ chức liên quan, chẳng hạn như:
Chủ sở hữu AI: Là người hoặc tổ chức sở hữu, phát triển, triển khai hoặc kiểm soát hệ thống AI. Họ có thể phải chịu trách nhiệm nếu hành động của AI gây ra thiệt hại.
Nhà phát triển hoặc nhà sản xuất AI: Nếu AI được phát triển bởi một công ty hoặc tổ chức, công ty đó có thể phải chịu trách nhiệm nếu AI bị lỗi hoặc không đáp ứng các yêu cầu về bảo mật, an toàn, hoặc hiệu quả.
Người sử dụng AI: Nếu AI được triển khai để phục vụ một mục đích nhất định (ví dụ: xe tự lái), người sử dụng hoặc vận hành hệ thống AI có thể phải chịu trách nhiệm nếu hành động của họ hoặc cách thức sử dụng AI gây thiệt hại.
Các tranh chấp trong lĩnh vực AI có thể xuất hiện trong nhiều tình huống khác nhau, đặc biệt là về trách nhiệm pháp lý đối với thiệt hại do AI gây ra. Có một số phương thức giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực AI, bao gồm giải quyết tranh chấp thông qua tòa án, trọng tài và hòa giải. Tùy vào từng loại tranh chấp và các bên liên quan, mỗi phương thức sẽ có những ưu nhược điểm riêng.
Những lưu ý đối với những hợp đồng liên quan đến AI
Khi phát triển hoặc triển khai các sản phẩm AI, các bên liên quan cần xây dựng các hợp đồng chặt chẽ, quy định rõ trách nhiệm của mỗi bên:
Nhà phát triển AI: Cần đảm bảo rằng sản phẩm AI đáp ứng các yêu cầu về bảo mật, chất lượng, và không gây thiệt hại cho người dùng hoặc bên thứ ba. Các điều khoản liên quan đến bảo hành, sửa chữa, hoặc bồi thường thiệt hại trong trường hợp AI gây lỗi cần được quy định cụ thể.
Người sử dụng AI: Người sử dụng cần tuân thủ các hướng dẫn sử dụng, bảo đảm AI được sử dụng đúng mục đích và không làm sai lệch kết quả.
Các doanh nghiệp phát triển và triển khai AI cần theo dõi các thay đổi trong pháp luật để đảm bảo tuân thủ các quy định về bảo mật, sở hữu trí tuệ, dữ liệu cá nhân. Đồng thời, cần thực hiện các quy trình kiểm tra, kiểm soát chất lượng và bảo mật để giảm thiểu rủi ro và thiệt hại có thể xảy ra từ việc sử dụng AI.
Dịch vụ tư vấn pháp luật về trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam của Luật Việt An
Tư vấn về quyền sở hữu trí tuệ, quản lý bảo vệ tài sản trí tuệ của AI;
Tư vấn chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực AI;
Tư vấn hợp đồng và những lưu ý về trách nhiệm pháp lý;
Tư vấn giải quyết tranh chấp, phòng tránh rủi ro trong lĩnh vực AI;
Các dịch vụ pháp lý khác trong lĩnh vực AI như dữ liệu cá nhân, giấy phép con khi kinh doanh, thuế,…
Trên đây là tư vấn pháp luật về trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam. Quý khách hàng có thắc mắc liên quan, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được tư vấn, hỗ trợ tốt nhất!