Bảo hộ tên sản phẩm là cách gọi khác của đăng ký nhãn hiệu, là thủ tục hành chính mà cá nhân hoặc tổ chức đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ các dấu hiệu dùng để phân biệt sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ của các cá nhân, tổ chức khác nhau thông qua việc cấp văn bằng bảo hộ. Vậy các cách để bảo hộ tên sản phẩm là gì? Thủ tục thực hiện ra sao? Bài viết dưới đây, Luật Việt An sẽ cung cấp thông tin về vấn đề trên theo quy định pháp luật.
Bảo hộ tên sản phẩm là gì?
Tên sản phẩm được hiểu là cách để khách hàng nhận diện được thương hiệu của doanh nghiệp cũng như phân biệt với các sản phẩm của đối thủ khác trên thị trường. Theo khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, quy định Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.
Theo đó, việc đăng ký bảo hộ tên sản phẩm chính là đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, nhằm bảo vệ tài sản doanh nghiệp, tạo tiền đề thúc đẩy việc xây dựng thương hiệu bền vững và chống lại những hành vi cạnh tranh không lành mạnh của đối thủ.
Tại sao cần đăng ký bảo hộ tên sản phẩm?
Đăng ký bảo hộ độc quyền tên sản phẩm, hàng hóa là việc làm cần thiết mà bất kỳ mỗi cá nhân, đơn vị sản xuất kinh doanh nào cũng cần quan tâm và thực hiện trước khi sản phẩm lưu hành trên thị trường. Dưới đây là một vài lý do giải thích tại sao cần đăng ký bảo hộ tên sản phẩm:
Là cơ sở pháp lý để xác định chủ sở hữu đối với tên sản phẩm mà một doanh nghiệp, một cá nhân đang sản xuất, kinh doanh trên thị trường.
Giúp bảo hộ sản phẩm của mình khỏi các hành phi xâm phạm của tổ chức, cá nhân khác.
Làm tăng khả năng phân biệt tên sản phẩm với các đối thủ.
Khai thác các lợi ích thương mại từ tên sản phẩm đã được bảo hộ như chuyển giao, chuyển nhượng quyền, …
Các cách để bảo hộ tên sản phẩm
Theo khoản 3 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, quy định về căn cứ phát sinh, xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu, có 2 cách bảo hộ tên sản phẩm như sau:
Thứ nhất, làm thủ tục đăng ký quyền đối với nhãn hiệu lên Cục Sở hữu trí tuệ để nhận văn bằng bảo hộ của cơ quan có thẩm quyền.
Thứ hai, với tên sản phẩm, nhãn hiệu nổi tiếng thì sẽ không cần làm thủ tục đăng ký mà vẫn được pháp luật bảo hộ. Việc xem xét đánh gia tên sản phẩm nổi tiếng được lựa chọn từ một hoặc một số các tiêu chí quy định tại Điều 75 Luật Sở hữu trí tuệ 2005.
Điều kiện bảo hộ tên sản phẩm dưới dạng nhãn hiệu
Căn cứ Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ 2002, thì tên sản phẩm được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau:
Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc;
Có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác.
Hồ sơ đăng ký bảo hộ tên sản phẩm
Theo hướng dẫn Cục Sở hữu trí tuệ, hồ sơ đăng ký tên sản phẩm hiện nay bao gồm:
Tờ khai đăng ký nhãn hiệu theo Mẫu số 08 Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị định số 65/2023/NĐ-CP;
Mẫu nhãn hiệu kích thước 80 x 80 mm;
Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí;
Giấy ủy quyền cho Luật Việt An;
Tài liệu chứng minh quyền đăng ký nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đăng ký từ người khác;
Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu yêu cầu hưởng quyền ưu tiên.
Thủ tục đăng ký bảo hộ tên sản phẩm
Bước 1: Nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ tên sản phẩm
Chủ sở hữu chuẩn bị đủ hồ sơ và tiến hành nộp hồ sơ đến Cục Sở hữu trí tuệ tại 1 trong 3 địa chỉ sau:
Trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Hà Nội.
Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng.
Cách thức nộp hồ sơ:
Trực tiếp;
Trực tuyến;
Dịch vụ bưu chính;
Bước 2: Xét nghiệm hình thức đơn
Sau khi tiếp nhận hồ sơ, trong thời gian từ 01 đến 02 tháng Cục Sở hữu ra thông báo xét nghiệm hình thức của đơn.
Xét nghiệm hình thức của đơn đảm bảo đơn đã được khai đúng.
Xác định đúng nhóm đăng ký bảo hộ, tư cách pháp lý của chủ đơn.
Bước 3: Công bố đơn
Trong 02 tháng kể từ ngày có thông báo kết quả xét nghiệm đơn hợp lệ hình thức, Cục Sở hữu trí tuệ phải thực hiện thủ tục công bố đơn đăng ký nhãn hiệu trên Công báo của Cục.
Bước 4: Thẩm định nội dung đơn
Trong 09 tháng kể từ ngày công bố đơn, Cục sở hữu trí tuệ tiến hành đánh giá khả năng được bảo hộ của đối tượng nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ, qua đó xác định phạm vi bảo hộ tương ứng.
Bước 5: Trả kết quả
Trường hợp văn bằng bảo hộ được cấp, chủ đơn thực hiện đóng phí cấp văn bằng. Trong thời hạn khoảng 2 tháng sẽ được nhận văn bằng bảo hộ.
Trường hợp đơn bị từ chối cấp bằng, chủ đơn xem xét nếu chưa thấy thỏa đáng. Thì làm thủ tục phúc đáp với Cục Sở hữu trí tuệ để trao đổi khả năng cấp bằng của mình.
Mức phí đăng ký bảo hộ tên sản phẩm
Căn cứ Biểu mức thu phí, lệ phí sở hữu công nghiệp ban hành kèm theo Thông tư 263/2016/TT-BTC quy định mức lệ phí đăng ký bảo hộ tên sản phẩm là:
Lệ phí nộp đơn: 150.000VNĐ
Phí công bố đơn: 120.000VNĐ
Phí tra cứu phục vụ TĐND: 180.000VNĐ/01 nhóm sản phẩm, dịch vụ
Phí tra cứu cho sản phẩm, dịch vụ thứ 7 trở đi: 30.000VNĐ/01 sản phẩm, dịch vụ
Phí thẩm định nội dung: 550.000VNĐ/01 nhóm sản phẩm, dịch vụ
Phí thẩm định nội dung cho sản phẩm/dịch vụ thứ 7 trở đi: 120.000VNĐ/01 sản phầm, dịch vụ.
Tổng phí dự kiến: 1.000.000 VND/ nhãn hiệu có 1 nhóm sản phẩm, dịch vụ có 6 sản phẩm/ dịch vụ trong nhóm.
Phí khác: phí dịch vụ đại diện SHTT, phí công chứng, dịch thuật, chuyển phát tài liệu…
Lưu ý:
Các phí, lệ phí trên chưa bao gồm VAT.
Lệ phí nộp đơn có thể được giảm trong từng thời kỳ. Chẳng hạn nếu Quý khách đăng ký bảo hộ tên sản phẩm trong Quý IV năm 2024, lệ phí nộp đơn sẽ được giảm 50%, tức là còn 75.000 VND/đơn.
Thời hạn bảo hộ tên sản phẩm
Theo quy định tại khoản 6 Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, quy định về hiệu lực của văn bằng bảo hộ như sau:
“Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mười năm.”
Như vậy, theo quy định trên giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ tên sản phẩm sẽ có thời hạn là 10 năm kể từ ngày nộp đơn.
Các trường hợp tên sản phẩm không được bảo hộ
Theo Điều 73 và 74 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, tên sản phẩm có thể không được bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu nếu rơi vào các trường hợp sau:
Tên sản phẩm trùng hoặc giống với nhãn hiệu nổi tiếng đã có mặt trên thị trường;
Tên sản phẩm có tính mô tả bản chất, chất lượng hoặc nguồn gốc địa lý của sản phẩm;
Tên sản phẩm có chứa nội dung gây nhầm lẫn hoặc mang tính chất dối lừa khách hàng, người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng hay các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ;
Tên sản phẩm mang những từ ngữ vi phạm chuẩn mực đạo đức hoặc tôn giáo, bị coi là trái với trật tự công cộng hay đạo đức xã hội, vi phạm quy định của pháp luật;
Tên sản phẩm thiết kế giống hoặc gần giống với quốc kỳ hay quốc huy của các quốc gia khác.
Trên đây là toàn bộ thông tin quy định về Các cách để bảo hộ tên sản phẩm. Quý khách hàng có thắc mắc liên quan hoặc có nhu cầu hỗ trợ pháp lý đăng ký bảo hộ trí tuệ vui lòng liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất!