Thời đại công nghệ số phát triển, mạng Internet không còn xa lạ với người dùng. Bên cạnh sự phát triển tích cực vẫn còn đâu đó những vấn đề tiêu cực diễn ra. Điển hình là việc xâm phạm bản quyền trên Internet. Trong thực tế, nhiều tác giả gặp khó khăn khi không biết làm thế nào để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước các hành vi xâm phạm này. Để giải đáp thắc mắc của quý khách hàng, Công ty Luật Việt An xin đưa ra bài viết căn cứ xử lý xâm phạm bản quyền trên Internet sau đây.
Căn cứ pháp lý
Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019, 2022.
Bộ luật Hình sự năm 2015;
Nghị định 131/2013/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 28/2017/NĐ-CP và Nghị định 129/2021 /NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan.
Nghị định 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan.
Xâm phạm bản quyền trên Internet là gì?
Theo quy định pháp luật hiện hành, quyền tác giả được hiểu là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu (khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ).
Khái niệm xâm phạm quyền tác giả trên Internet hiện chưa được định nghĩa ở văn bản nào tuy nhiên có thể hiểu đây là hành vi xâm phạm liên quan đến quyền tác giả trên môi trường mạng internet. Trong đó, mạng internet hiện nay phổ biến nhất bao gồm Facebook, Zalo, Youtube, Tiktok…
Căn cứ xác định hành vi xâm phạm bản quyền trên Internet
Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ quy định các hành vi xâm phạm quyền tác giả bao gồm:
Xâm phạm quyền nhân thân quy định tại Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ.
Xâm phạm quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ.
Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ quy định tại các điều 25, 25a và 26 của Luật Sở hữu trí tuệ.
Cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu biện pháp công nghệ hữu hiệu do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình nhằm thực hiện hành vi quy định tại Điều này và Điều 35 của Luật Sở hữu trí tuệ.
Sản xuất, phân phối, nhập khẩu, chào bán, bán, quảng bá, quảng cáo, tiếp thị, cho thuê hoặc tàng trữ nhằm mục đích thương mại các thiết bị, sản phẩm hoặc linh kiện, giới thiệu hoặc cung cấp dịch vụ khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị, sản phẩm, linh kiện hoặc dịch vụ đó được sản xuất, sử dụng nhằm vô hiệu hóa biện pháp công nghệ hữu hiệu bảo vệ quyền tác giả.
Cố ý xóa, gỡ bỏ hoặc thay đổi thông tin quản lý quyền mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả khi biết hoặc có cơ sở để biết việc thực hiện hành vi đó sẽ xúi giục, tạo khả năng, tạo điều kiện thuận lợi hoặc che giấu hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định của pháp luật.
Cố ý phân phối, nhập khẩu để phân phối, phát sóng, truyền đạt hoặc cung cấp đến công chúng bản sao tác phẩm khi biết hoặc có cơ sở để biết thông tin quản lý quyền đã bị xóa, gỡ bỏ, thay đổi mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả; khi biết hoặc có cơ sở để biết việc thực hiện hành vi đó sẽ xúi giục, tạo khả năng, tạo điều kiện thuận lợi hoặc che giấu hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định của pháp luật.
Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quy định để được miễn trừ trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian quy định tại khoản 3 Điều 198b của Luật Sở hữu trí tuệ.
Trong các hành vi luật định, các hành vi xâm phạm bản quyền đặc trưng trên môi trường Internet bao gồm:
Sao chép trái phép tác phẩm
Sao chép là việc tạo ra bản sao của toàn bộ hoặc một phần tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào bao gồm cả việc tạo bản sao dưới hình thức điện tử.
Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc không thuộc các trường hợp: (1) Sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao (Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ); (2) Sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà Nhà nước là đại diện chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan (Điều 22 Nghị định 17/2023/NĐ-CP), là hành vi sao chép trái phép tác phẩm, xâm phạm quyền tác giả.
Phát sóng, truyền đạt, livestream trái phép
Việc phát sóng, truyền đạt, livestream để công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả, trừ trường hợp quy định tại Điều 25 của Luật Sở hữu trí tuệ là hành vi xâm phạm bản quyền phổ biến trên Internet hiện nay.
Hủy bỏ hoặc làm vô hiệu biện pháp công nghệ
Trong môi trường kỹ thuật số, người dùng Internet có thể dễ dàng tiếp cận tác phẩm, sao chép tác phẩm và tạo ra nhiều bản sao để phân phối cho người khác gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các chủ thể quyền tác giả. Để bảo vệ tác phẩm của mình, các chủ thể quyền tác giả đã sử dùng biện pháp công nghệ bảo vệ. Việc huỷ bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp công nghệ này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền tác giả.
Gỡ bỏ hoặc thay đổi thông tin quản lý quyền
Cố ý xóa, gỡ bỏ hoặc thay đổi thông tin quản lý quyền mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả khi biết hoặc có cơ sở để biết việc thực hiện hành vi đó sẽ xúi giục, tạo khả năng, tạo điều kiện thuận lợi hoặc che giấu hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định của pháp luật.
Vi phạm nghĩa vụ của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian
Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quy định để được miễn trừ trách nhiệm pháp lý theo quy định tại khoản 3 Điều 198b của Luật Sở hữu trí tuệ và các điều 113 và 114 của Nghị định 17/2023/NĐ-CP phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan của người sử dụng dịch vụ gây ra. Trong đó, nghĩa vụ quan trọng nhất là gỡ xuống và thông báo kịp thời thông tin xâm phạm kịp thời khi phát hiện, được thông báo hoặc được yêu cầu kèm theo bằng chứng, căn cứ về quyền tác giả đối với tác phẩm bị xâm phạm trên nền tảng của mình.
Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trực tiếp thực hiện hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan quy định tại các điều 28 và 35 của Luật Sở hữu trí tuệ thì phải chịu các trách nhiệm pháp lý tương ứng theo quy định của pháp luật.
Căn cứ xử lý xâm phạm bản quyền trên Internet
Các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm bản quyền
Căn cứ Điều 199 Luật Sở hữu trí tuệ, các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được quy định cụ thể như sau: Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác thì tuỳ theo tính chất, mức độ xâm phạm, có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự; Trong trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ, biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Dân sự: yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm, gỡ bỏ và xóa nội dung vi phạm trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại; Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm; Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình
Hành chính: Hành vi xâm phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của Điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ, hướng dẫn bởi Nghị định 131/2013/NĐ-CP.
Hình sự: Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, có thể bị xử lý hình sự theo quy định Điều 225 Bộ luật Hình sự về Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.
Thẩm quyền xử lý xâm phạm bản quyền trên Internet
Về thẩm quyền xử lý xâm phạm bản quyền trên Internet, theo quy định hiện hành, có nhiều cơ quan được trao cho thẩm quyền này. Theo đó, Điều 200 Luật Sở hữu trí tuệ có quy định về thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ:
Toà án, Thanh tra, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, Uỷ ban nhân dân các cấp.
Thanh tra, Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Uỷ ban nhân dân các cấp.
Dịch vụ xử lý xâm phạm bản quyền trên Internet của Luật Việt An
Trao đổi, cung cấp thông tin cho khách hàng về căn cứ xác định hành vi xâm phạm bản quyền trên Internet;
Tư vấn các vấn đề pháp lý phát sinh, tranh chấp, các biện pháp xử lý xâm phạm bản quyền tác Internet liên quan đến quyền tác giả.
Đại diện khách hàng giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình xử lý hành vi xâm phạm bản quyền trên Internet.
Quý khách hàng có nhu cầu đăng ký quyền tác giả hay tư vấn về căn cứ xử lý xâm phạm bản quyền trên Internet, xin vui lòng liên hệ Công ty Việt An để được hỗ trợ tốt nhất.