Việc gia công hàng hóa là cần thiết, quan trọng trước khi đưa ra thị trường buôn bán như một sản phẩm hoàn chỉnh. Đa số các bên gia công nhận nguyên vật liệu từ khách hàng và cần phải chịu trách nhiệm với chỗ nguyên vật liệu đó. Vi vậy, cần phải có sự tin tưởng và đảm bảo uy tín giữa các bên đối tác. Việc gia công có thể được đăng ký nhãn hiệu để tăng thêm phần danh tiếng, thu hút bạn hàng. Nếu muốn đăng ký bảo hộ thương hiệu cần lưu ý một số vấn đề sau:
Điều kiện chung đối với nhãn hiệu được bảo hộ:
Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc;
Có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác.
Lưu ý: “có khả năng phân biệt” được hiểu là nhãn hiệu phải được tạo thành từ một hoặc một số yếu tố dễ nhận biết, dễ ghi nhớ hoặc từ nhiều yếu tố kết hợp thành một tổng thể dễ nhận biết, dễ ghi nhớ và không thuộc các trường hợp pháp luật quy định.
Pháp luật quy định chỉ tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu mới được nộp đơn đăng ký bảo hộ thương hiệu. Trong trường hợp người không có quyền tiến hành nộp đơn thì đơn sẽ không được coi là hợp lệ và có thể bị ra thông báo từ chối cấp văn bằng bảo hộ. Người có quyền đăng ký nhãn hiệu bao gồm:
Tổ chức, cá nhân đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hoá do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp;
Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó;
Tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể để các thành viên của mình sử dụng theo quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể;
Tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hoá, dịch vụ có quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận với điều kiện không tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ đó.
Đơn đăng ký sẽ được nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam và mất tối đa 18 tháng để tiến hành xử lý Đơn và cấp văn bằng bảo hộ. Hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu bao gồm:
Tờ khai đăng ký nhãn hiệu (theo mẫu 04-NH quy định tại Phụ lục A TT 01/2007/TT-BKHCN); (Trường hợp khách hàng ủy quyền cho Công ty Luật Việt An thì tờ khai sẽ do người đại diện sở hữu công nghiêp của Luật Việt An ký);
Mẫu nhãn hiệu (kích thước không nhỏ hơn 3×3 cm, không vượt quá 8×8 cm);
Danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu (dịch vụ gia công được phân vào nhóm 40 theo bảng phân loại quốc tế Nice);
Bản sao hợp lệ giấy tờ chứng thực cá nhân nếu chủ sở hữu là cá nhân; giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đầu tư nếu chủ sở hữu là tổ chức;
Giấy ủy quyền ( theo mẫu của Luật Việt An);
Chứng từ nộp phí, lệ phí.
Lưu ý: Số phí và lệ phí phải nộp phụ thuộc vào số nhóm hàng hóa, dịch vụ dự định đăng ký.