Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp tại nước ta đã và đang tiếp tục thực hiện hoạt động nhập khẩu nguyên, vật liệu sản xuất cũng như các loại phế liệu từ nước ngoài. Tuy nhiên, không phải bất cứ loại mặt hàng nào cũng được phép nhập khẩu, mà chỉ những mặt hàng được Nhà nước quy định thì mới được phép nhập khẩu và buôn bán. Trong bài viết dưới đây, Luật Việt An xin giới thiệu tới quý khách hàng về danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài.
Phế liệu là gì?
Khái niệm phế liệu hiện nay được quy định tại khoản 27 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2020, cụ thể:
“Phế liệu là vật liệu được thu hồi, phân loại, lựa chọn từ những vật liệu, sản phẩm loại ra trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc tiêu dùng để sử dụng làm nguyên liệu cho một quá trình sản xuất khác.”
Như vậy, có thể hiểu rằng phế liệu là những vật liệu bị loại ra trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc tiêu dùng và được sử dụng cho quá trình sản xuất khác.
Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài
Ngày 22 tháng 5 năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 13/2023/QĐ-TTg ban hành danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2023 và thay thế Quyết định số 28/2020/QĐ-TTg ngày 24/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, tổ chức cá nhân trực tiếp nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất chỉ được nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất cho cơ sở của mình theo đúng công suất thiết kế để sản xuất ra các sản phẩm, hàng hóa được liệt kê trong danh mục kèm theo quyết định (phân loại theo mã HS code 8 số hiện hành).
Danh mục phế liệu được phân loại thành những loại phế liệu chính sau:
Phế liệu sắt, thép, gang
Phế liệu và mẩu vụn của nhựa (plastic)
Phế liệu giấy
Phế liệu thủy tinh
Phế liệu kim loại màu
Trong 05 loại phế liệu trên, cần đặc biệt chú ý tới 03 loại phế liệu, đó là: Phế liệu giấy có mã HS 4707 90 00, Các phế liệu và mẩu vụn của nhựa có mã HS 3915 90 00, các loại phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài theo giấy phép môi trường thành phần hoặc giấy phép môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền cấp thì sẽ thực hiện theo quy định sau:
Phế liệu giấy có mã HS 4707 90 00
Đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện nhập khẩu loại phế liệu giấy có mã HS 4707 90 00 được phép nhập khẩu từ nước ngoài theo giấy phép môi trường thành phần (Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất) đã được cơ quan có thẩm quyền cấp trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành (22/5/2023) sẽ được tiếp tục nhập khẩu đến hết hiệu lực của giấy phép môi trường thành phần.
Ví dụ, nếu một tổ chức đang thực hiện nhập khẩu phế liệu giấy có mã HS 4707 90 00 từ trước ngày 22/5/2023 theo giấy phép môi trường thành phần có hiệu lực tới ngày 01/10/2024 thì sẽ được tiếp tục nhập khẩu loại phế liệu này tới hết ngày 01/10/2024.
Các phế liệu và mẩu vụn của nhựa có mã HS 3915 90 00
Nếu các tổ chức, cá nhân đã thực hiện nhập khẩu các phế liệu và mẩu vụn của nhựa có mã HS 3915 90 00 từ trước ngày có hiệu lực của Quyết định 13/2023/QĐ-TTg ngày 22/5/2023 theo giấy phép môi trường thành phần hoặc giấy phép môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền cấp thì sẽ được tiếp tục nhập khẩu tới khi hết hiệu lực của giấy phép môi trường thành phần đã được cấp hoặc giấy phép môi trường theo các mã HS tương ứng quy định tại Mục 2.3 hoặc Mục 2.5 trong Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất ban hành kèm theo Quyết định 13/2023/QĐ-TTg.
Các loại phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài theo giấy phép môi trường thành phần hoặc giấy phép môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền cấp
Đối với các loại phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài theo giấy phép môi trường thành phần hoặc giấy phép môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền cấp trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành có tên gọi khác (nhưng mã HS không thay đổi) so với Quyết định 13/2023/QĐ-TTg thì sẽ được tiếp tục nhập khẩu tới khi hết hiệu lực của giấy phép môi trường hoặc giấy phép môi trường thành phần.
Ngoài ra, đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện nhập khẩu xỉ hạt nhỏ (xỉ cát) từ công nghiệp luyện sắt hoặc thép (có mã HS 2618 00 00) làm nguyên liệu sản xuất xi măng sẽ vẫn được tiếp tục thực hiện hoạt động nhập khẩu nhưng sẽ phải tuân thủ các quy định của pháp luật sản phẩm, hàng hóa về vật liệu xây dựng.
Quý khách hàng có thể theo dõi toàn bộ nội dung của Quyết định số 13/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Một số lưu ý đối với các tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất
Tổ chức, cá nhân thực hiện nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất cần chú ý để thực hiện những quy định tại Điều 71 Luật Bảo vệ môi trường 2020 như sau:
Có cơ sở sản xuất với công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng, kho, bãi dành riêng cho việc tập kết phế liệu đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; có phương án xử lý tạp chất đi kèm phù hợp với phế liệu nhập khẩu;
Có giấy phép môi trường;
Ký quỹ bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 137 của Luật Bảo vệ môi trường 2020 trước thời điểm phế liệu được dỡ xuống cảng đối với trường hợp nhập khẩu qua cửa khẩu đường biển hoặc trước thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam đối với các trường hợp khác;
Có văn bản cam kết về việc tái xuất hoặc xử lý phế liệu trong trường hợp phế liệu nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Khác với hoạt động nhập khẩu hàng hóa khác, tổ chức, cá nhân thực hiện nhập khẩu phế liệu phải thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường. Việc ký quỹ này nhằm bảo đảm tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu chịu trách nhiệm xử lý rủi ro, nguy cơ ô nhiễm môi trường có thể phát sinh từ lô hàng phế liệu nhập khẩu Các tổ chức, cá nhân sẽ thực hiện ký quỹ bằng tiền đồng Việt Nam và sẽ được hưởng lãi suất đã thỏa huạn theo quy định.
Mức ký quỹ sẽ phụ thuộc vào loại phế liệu và khối lượng phế liệu nhập khẩu.
Cùng với các quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường 2022 và trên thế giới về thuế carbon, trách nhiệm tái sử dụng trong chuỗi cung ứng sản xuất của doanh nghiệp, giảm thiểu rác thải nhựa và duy trì một nền kinh tế xanh, việc hạn chế các phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài cũng chính là một cách để các doanh nghiệp đẩy mạnh tận dụng chính nguồn lực tái chế trong nước. Đồng thời, góp phần cải thiện hệ sinh thái Việt Nam tránh xa khỏi các nguy cơ trở thành bãi rác công nghiệp của các nước phát triển trên thế giới.
Trên đây là tư vấn của Luật Việt An về danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài, Quý khách hàng có yêu cầu tư vấn hoặc thắc mắc về pháp luật doanh nghiệp nói chung và bảo vệ môi trường nói riêng có thể liên hệ trực tiếp tới Luật Việt An để có được giải đáp kịp thời và sử dụng các dịch vụ tốt nhất.