Điều kiện đăng ký kinh doanh nhập khẩu phế liệu
Kinh doanh nhập khẩu phế liệu được quy định chặt chẽ đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường. Theo đó doanh nghiệp chỉ được nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất cho cơ sở của mình theo đúng công suất thiết kế để sản xuất ra các sản phẩm, hàng hóa và không được nhập khẩu phế liệu về chỉ để sơ chế và bán lại phế liệu.
Căn cứ pháp lý:
Luật Bảo vệ môi trường 2014
Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu (sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường);
Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg ngày 19/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất;
Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT ngày 31/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường.
Điều kiện nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam
Về việc nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam, doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định về người nhập khẩu tại Khoản 2 Điều 76 Luật Bảo vệ môi trường 2014. Theo đó, tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu phải đáp ứng các yêu cầu sau:
Có kho, bãi dành riêng cho việc tập kết phế liệu bảo đảm điều kiện về bảo vệ môi trường;
Có công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng phế liệu, xử lý tạp chất đi kèm phế liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Ngoài ra, từ ngày 01/07/2019, tổ chức, cá nhân có cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu nhập khẩu phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định 40/2019/NĐ-CP, như:
Đáp ứng các yêu cầu và trách nhiệm về bảo vệ môi trường quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 76 Luật bảo vệ môi trường;
Có báo cáo đánh giá tác động môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, trong đó có nội dung sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất và được cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường hoặc giấy phép xử lý chất thải nguy hại, trong đó có nội dung sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đối với các dự án đã đi vào vận hành.
Đối với dự án mới xây dựng phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 16b và Điều 17 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP.
Có Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất theo quy định của pháp luật.
Ngoài các điều kiện về người nhập khẩu, doanh nghiệp còn cần tuân thủ điều kiện về tiêu chuẩn của phế liệu nhập khẩu được quy định tại Khoản 1 Điều 76 Luật Bảo vệ môi trường 2014 như sau: Phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường và thuộc danh mục phế liệu được phép nhập khẩu do Thủ tướng Chính phủ quy định.
Theo đó, doanh nghiệp cần đối chiếu với Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất được ban hành kèm theo Quyết định 73/2014/QĐ-TTg để xem phế liệu mà doanh nghiệp muốn nhập khẩu có được phép nhập khẩu hay không.
Quy trình Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy xác nhận:
Văn bản đề nghị theo Mẫu số 01 Phụ lục VI Mục III Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP;
Báo cáo các điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất theo Mẫu số 02 Phụ lục VI Mục III Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP;
Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký mã số thuế;
Bản sao quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường;
Bản sao văn bản của Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh thông báo kết quả kiểm tra các công trình xử lý chất thải để chủ dự án vận hành thử nghiệm theo quy định tại điểm a khoản 6 Điều 16b Nghị định số 18/2015/NĐ-CP (chỉ áp dụng đối với dự án vận hành thử nghiệm);
Bản sao văn bản của Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh thông báo kết quả kiểm tra việc vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải của dự án quy định tại điểm d khoản 6 Điều 16b Nghị định số 18/2015/NĐ-CP (chỉ áp dụng đối với dự án mới, kết thúc vận hành thử nghiệm);
Bản sao một trong các loại giấy tờ: giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường hoặc giấy phép xử lý chất thải nguy hại hoặc giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu của cơ sở đề nghị cấp lại giấy xác nhận;
Bản sao hợp đồng chuyển giao, xử lý tạp chất, chất thải với đơn vị có chức năng phù hợp (trong trường hợp không có công nghệ, thiết bị xử lý tạp chất đi kèm phế liệu nhập khẩu, chất thải phát sinh);
Bản cam kết về tái xuất hoặc xử lý, tiêu hủy phế liệu nhập khẩu vi phạm theo Mẫu số 03 Phụ lục VI Mục III Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP.
Trình tự, thủ tục kiểm tra, thời gian, cấp Giấy xác nhận
Bước 1: Doanh nghiệp lập chứng từ điện tử bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy xác nhận gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường thông qua Cổng thông tin một cửa Quốc gia.
Bước 2: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền thành lập đoàn kiểm tra về các điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ có văn bản thông báo gửi tổ chức, cá nhân để hoàn thiện và nêu rõ lý do.
Bước 3: Cấp giấy xác nhận trong thời hạn 25 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ;
Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất có thời hạn 05 năm
Trên đây là những nội dung tư vấn của Công ty Luật Việt An liên quan đến điều kiện kinh doanh nhập khẩu phế liệu, nếu có nội dung gì cần tư vấn cụ thể khách hàng vui lòng liên hệ với Luật Việt An để được hỗ trợ.