Cho thuê tài chính là một lĩnh vực hoạt động về tài chính, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc kinh doanh, xoay vòng vốn, đầu tư,… Chính bởi tầm quan trọng của nó, hiện nay có rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước muốn được thành lập công ty kinh doanh lĩnh vực này. Bài viết dưới đây của Luật Việt An sẽ cung cấp cho quý khách một vài thông tin về điều kiện thành lập công ty cho thuê tài chính.
Cơ sở pháp lý
Biểu cam kết của Việt Nam trong WTO;
Luật Các tổ chức tín dụng 2010, sửa đổi năm 2017;
Nghị định 39/2014/NĐ-CP về hoạt động của công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính, sửa đổi bởi Nghị định 16/2019/NĐ-CP;
Nghị định 86/2019/NĐ-CP quy định về mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
Thông tư 30/2015/TT-NHNN quy định việc cấp giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng, sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 05/2023/TT-NHNN.
Cho thuê tài chính là gì?
Theo khoản 7 Điều 3 Nghị định 39/2014/NĐ-CP, cho thuê tài chính là hoạt động cấp tín dụng trung hạn, dài hạn trên cơ sở hợp đồng cho thuê tài chính giữa bên cho thuê tài chính (công ty tài chính chuyên ngành) với bên thuê tài chính (doanh nghiệp hoặc cá nhân). Trong đó:
Bên cho thuê tài chính (công ty cho thuê tài chính hoặc công ty tài chính) cam kết mua tài sản cho thuê tài chính theo yêu cầu của bên thuê tài chính và nắm giữ quyền sở hữu đối với tài sản cho thuê tài chính trong suốt thời hạn cho thuê. Cụ thể, tài sản cho thuê tài chính là máy móc, thiết bị hoặc tài sản khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và được hướng dẫn cụ thể các loại tài sản cho thuê trong từng thời kỳ.
Bên thuê tài chính sử dụng tài sản thuê tài chính và thanh toán tiền thuê trong suốt thời hạn thuê quy định trong hợp đồng cho thuê tài chính.
Theo Điều 3.5 Nghị định 29/2014/NĐ-CP, công ty cho thuê tài chính là công ty tài chính chuyên ngành, tổ chức tín dụng phi ngân hàng có hoạt động chính là cho thuê tài chính theo quy định tại Nghị định này. Dư nợ cho thuê tài chính phải chiếm tối thiểu 70% tổng dư nợ cấp tín dụng.
Điều kiện thành lập công ty cho thuê tài chính
Điều kiện chung
Công ty tài chính được thực hiện hoạt động cho thuê tài chính khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
Có đội ngũ cán bộ đủ trình độ, năng lực chuyên môn, cơ sở vật chất, công nghệ, phương tiện, thiết bị và các quy định nội bộ theo quy định của pháp luật để thực hiện hoạt động ngân hàng được ghi trong Giấy phép.
Đáp ứng đầy đủ các điều kiện nghiệp vụ đối với hoạt động ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước quy định.
Trường hợp công ty tài chính được thành lập và hoạt động trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành được bổ sung hoạt động cho thuê tài chính khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều này và các điều kiện sau:
Tuân thủ các quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro liên tục trong tất cả các quý của năm liền kề trước năm đề nghị được bổ sung hoạt động;
Tỷ lệ nợ xấu dưới mức quy định của Ngân hàng Nhà nước;
Không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng trong thời hạn 01 năm liền kề tính từ thời điểm đề nghị bổ sung hoạt động trở về trước.
Hoạt động kinh doanh có lãi liên tục ít nhất trong 02 năm liền kề trước năm đề nghị bổ sung hoạt động;
Điều kiện cụ thể
Quy định tại Điều 20 Luật Các tổ chức tín dụng, Nghị định 86/2019/NĐ-CP về điều kiện cấp Giấy phép thành lập tổ chức tín dụng, các tổ chức tín dụng trong nước muốn thành lập công ty kinh doanh dịch vụ cho thuê tài chính cần đáp ứng các điều kiện sau:
Có vốn điều lệ, vốn được cấp tối thiểu là 150 tỷ đồng;
Chủ sở hữu công ty cho thuê tài chính là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập là pháp nhân đang hoạt động hợp pháp và có đủ năng lực tài chính để tham gia góp vốn; cổ đông sáng lập hoặc thành viên sáng lập là cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có đủ khả năng tài chính để góp vốn;
Người quản lý, điều hành, thành viên Ban kiểm soát đủ các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Điều 50 Luật Các tổ chức tín dụng 2010, sửa đổi năm 2017;
Có điều lệ phù hợp với quy định của Luật các tổ chức tín dụng và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
Có đề án thành lập, phương án kinh doanh khả thi; không gây ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của hệ thống tổ chức tín dụng; không tạo ra sự độc quyền hoặc hạn chế cạnh tranh không lành mạnh trong hệ thống tổ chức tín dụng.
Ngoài các điều kiện chung trên, mỗi nhà đầu tư mang quốc tịch khác nhau cũng cần đáp ứng các điều kiện riêng, cụ thể là:
Điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài
Khi nhà đầu tư nước ngoài hay cụ thể là các tổ chức tín dụng nước ngoài muốn thành lập công ty kinh doanh dịch vụ cho thuê tài chính tại Việt Nam thì quý khách cần phải kiểm tra điều kiện trong Biểu Cam kết của Việt Nam trong WTO cũng như pháp luật Việt Nam để xác định được điều kiện. Các điều kiện này bao gồm:
Nhà đầu tư nước ngoài phải có quốc tịch thuộc các quốc gia là thành viên của WTO thì mới được phép thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam;
Kinh doanh có lãi trong 03 năm tài chính liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ bổ sung để được xem xét cấp Giấy phép;
Có tổng tài sản có trên 10 tỷ đô la Mỹ vào cuối năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép;
Không vi phạm nghiêm trọng các quy định về hoạt động ngân hàng và các quy định pháp luật khác của nước nguyên xứ trong 05 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ bổ sung để được xem xét cấp Giấy phép;
Có kinh nghiệm hoạt động quốc tế, được các tổ chức xếp loại tín nhiệm quốc tế xếp hạng từ mức ổn định trở lên, mức có khả năng thực hiện các cam kết tài chính và hoạt động bình thường ngay cả khi tình hình, Điều kiện kinh tế biến đổi theo chiều hướng không thuận lợi;
Được cơ quan có thẩm quyền của nước nguyên xứ đánh giá đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn, các tỷ lệ bảo đảm an toàn khác, tuân thủ đầy đủ các quy định về quản trị rủi ro và trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định của nước nguyên xứ vào năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ bổ sung để được xem xét cấp Giấy phép;
Không phải là cổ đông chiến lược, chủ sở hữu, thành viên sáng lập của tổ chức tín dụng khác được thành lập và hoạt động tại Việt Nam;
Trường hợp tổ chức tín dụng nước ngoài là công ty cho thuê thì số dư cho thuê tài chính và cho vay phải chiếm tối thiểu 70% tổng tài sản của công ty.
Điều kiện về hình thức doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
Các tổ chức tín dụng chỉ được phép thành lập công ty cho thuê tài chính tại Việt Nam dưới các hình thức sau:
Văn phòng đại diện;
Công ty cho thuê tài chính liên doanh;
Công ty cho thuê tài chính 100% vốn đầu tư nước ngoài.
Điều kiện về việc tham gia mua cổ phần, mua phần vốn góp
Việt Nam có thể hạn chế việc tham gia cổ phần của các tổ chức tín dụng nước ngoài tại các ngân hàng thương mại quốc doanh của Việt Nam được cổ phần hoá như mức tham gia cổ phần của các ngân hàng Việt Nam;
Đối với việc tham gia góp vốn dưới hình thức mua cổ phần, tổng số cổ phần do các thể nhân và pháp nhân nước ngoài nắm giữ tại mỗi ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam không được vượt quá 30% vốn điều lệ của ngân hàng, trừ khi luật pháp Việt Nam có quy định khác hoặc được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
Đối với nhà đầu tư trong nước
Điều kiện đối với cổ đông sáng lập
Căn cứ khoản 3 Điều 1 Thông tư 05/2023/TT-NHNN, cổ đông sáng lập của công ty cho thuê tài chính cần:
Không phải là cổ đông chiến lược, cổ đông sáng lập, chủ sở hữu, thành viên sáng lập của tổ chức tín dụng khác được thành lập và hoạt động tại Việt Nam;
Không được dùng vốn huy động, vốn vay của tổ chức, cá nhân khác để góp vốn;
Mang quốc tịch Việt Nam;
Không thuộc những đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Cán bộ, công chức;
Trong trường hợp cổ đông sáng lập là tổ chức phải tuân thủ các quy định sau đây:
Được thành lập theo pháp luật Việt Nam;
Kinh doanh có lãi trong 03 năm tài chính liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ bổ sung để được xem xét cấp Giấy phép;
Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế và bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép;
Trường hợp cổ đông sáng lập là doanh nghiệp Việt Nam (trừ ngân hàng thương mại Việt Nam), phải đáp ứng:
Có vốn chủ sở hữu tối thiểu 500 tỷ đồng, tổng tài sản tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong 03 năm tài chính liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép. Trường hợp doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có yêu cầu mức vốn pháp định, phải đảm bảo vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán của năm liền kề trước thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép trừ đi vốn pháp định tối thiểu bằng số vốn cam kết góp;
Trường hợp doanh nghiệp được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, phải tuân thủ việc góp vốn theo các quy định của pháp luật có liên quan;
Trường hợp cổ đông sáng lập là Ngân hàng thương mại Việt Nam phải đáp ứng:
Có tổng tài sản tối thiểu 100.000 tỷ đồng, tuân thủ đầy đủ các quy định về quản trị rủi ro và trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ bổ sung để được xem xét cấp Giấy phép;
Không vi phạm các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ bổ sung để được xem xét cấp Giấy phép;
Đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu sau khi góp vốn thành lập tổ chức tín dụng phi ngân hàng;
Không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong 02 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.”
Điều kiện đối với chủ sở hữu, thành viên sáng lập
Điều kiện này được quy định tại Khoản 4 Điều 1 Thông tư 05/2023/TT-NHNN. Cụ thể, đối với thành viên sáng lập là doanh nghiệp Việt Nam (trừ ngân hàng thương mại Việt nam) phải tuân thủ các điều kiện sau:
Chủ sở hữu, thành viên sáng lập không phải là cổ đông chiến lược, cổ đông sáng lập, chủ sở hữu, thành viên sáng lập của tổ chức tín dụng khác được thành lập và hoạt động tại Việt Nam;
Cam kết hỗ trợ về tài chính để giải quyết khó khăn trong trường hợp tổ chức tín dụng phi ngân hàng khó khăn về vốn hoặc khả năng chi trả, thanh khoản;
Không được dùng vốn huy động, vốn vay của tổ chức, cá nhân khác để góp vốn;
Được thành lập theo pháp luật Việt Nam;
Kinh doanh có lãi trong 03 năm tài chính liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ bổ sung để được xem xét cấp Giấy phép;
Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế và bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép;
Có vốn chủ sở hữu tối thiểu 1.000 tỷ đồng, tổng tài sản tối thiểu 2.000 tỷ đồng trong 03 năm tài chính liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép. Trường hợp doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có yêu cầu mức vốn pháp định, phải đảm bảo vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán của năm liền kề trước thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép trừ đi vốn pháp định tối thiểu bằng số vốn cam kết góp;
Trường hợp doanh nghiệp được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, phải tuân thủ việc góp vốn theo các quy định của pháp luật có liên quan.
Đối với chủ sở hữu, thành viên sáng lập là Ngân hàng thương mại Việt Nam phải tuân thủ các điều kiện sau:
Chủ sở hữu, thành viên sáng lập không phải là cổ đông chiến lược, cổ đông sáng lập, chủ sở hữu, thành viên sáng lập của tổ chức tín dụng khác được thành lập và hoạt động tại Việt Nam;
Cam kết hỗ trợ về tài chính để giải quyết khó khăn trong trường hợp tổ chức tín dụng phi ngân hàng khó khăn về vốn hoặc khả năng chi trả, thanh khoản;
Không được dùng vốn huy động, vốn vay của tổ chức, cá nhân khác để góp vốn;
Kinh doanh có lãi trong 03 năm tài chính liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ bổ sung để được xem xét cấp Giấy phép;
Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế và bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép;
Có tổng tài sản tối thiểu 100.000 tỷ đồng, tuân thủ đầy đủ các quy định về quản trị rủi ro và trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ bổ sung để được xem xét cấp Giấy phép;
Không vi phạm các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ bổ sung để được xem xét cấp Giấy phép;
Đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu sau khi góp vốn thành lập tổ chức tín dụng phi ngân hàng;
Không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong 02 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.
Trên đây là một số tư vấn của Công ty Luật Việt An về điều kiện thành lập công ty cho thuê tài chính, nếu quý khách có nhu cầu thành lập công ty hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tốt nhất!