Doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh, cá nhân có trách nhiệm nộp thuế giá trị gia tăng và nộp cho cơ quan thuế đúng thời hạn theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong một số trường hợp doanh nghiệp không thể nộp thuế đúng hạn. Vậy có thể gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng không? Để giải đáp thắc mắc của quý khách hàng, công ty Luật Việt An đưa ra bài viết gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng dưới đây.
Căn cứ pháp lý
Luật Quản lý thuế 2019;
Nghị định 12/2023/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023
Thuế giá trị gia tăng là gì?
Thuế giá trị gia tăng (GTGT) có tên viết tắt là VAT viết tắt của cụm từ tiếng Anh Value Added Tax. Thuế GTGT có nguồn gốc từ thuế doanh thu và Pháp là nước đầu tiên trên thế giới ban hành Luật thuế giá trị gia tăng vào năm 1954. Sau đó,thuế GTGT đã được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới. Hiện nay, các quốc gia thuộc khối Liên minh Châu Âu, châu Phi, châu Mỹ La Tinh và một số quốc gia Châu á trong đó có Việt Nam đã chính thức áp dụng thuế GTGT. Tính đến nay đã có khoảng 130 quốc gia áp dụng thuế GTGT.
Thuế giá trị gia tăng (GTGT) căn cứ theo quy định pháp luật thì là loại thuế gián thu và tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh từ quá trình sản xuất, lưu thông cho đến khi tới tay người tiêu dùng; là một trong những loại thuế quan trọng giúp cân bằng ngân sách nhà nước và đóng vai trò lớn trong xây dựng và phát triển đất nước.
Đối tượng gia hạn thuế giá trị gia tăng
Đối tượng gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng ở Việt Nam bao gồm:
Thứ nhất, doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất trong các ngành kinh tế:
Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản;
Sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt; sản xuất trang phục; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế); sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác; sản xuất kim loại; gia công cơ khí; xử lý và tráng phủ kim loại; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất ô tô và xe có động cơ khác; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế;
Xây dựng;
Hoạt động xuất bản; hoạt động điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc;
Khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên (không gia hạn đối với thuế thu nhập doanh nghiệp của dầu thô, condensate, khí thiên nhiên thu theo hiệp định, hợp đồng);
Sản xuất đồ uống; in, sao chép bản ghi các loại; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị); sản xuất mô tô, xe máy; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị;
Thoát nước và xử lý nước thải.
Thứ hai, doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động kinh doanh trong các ngành kinh tế sau:
Vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống; giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; hoạt động kinh doanh bất động sản;
Hoạt động dịch vụ lao động và việc làm; hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tua du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tua du lịch;
Hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí; hoạt động của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; hoạt động thể thao, vui chơi giải trí; hoạt động chiếu phim;
Hoạt động phát thanh, truyền hình; lập trình máy vi tính, dịch vụ tư vấn và các hoạt động khác liên quan đến máy vi tính; hoạt động dịch vụ thông tin;
Hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai khoáng.
Thứ ba, doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; sản phẩm cơ khí trọng điểm.
Thứ tư, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được xác định theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 và Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng
Căn cứ Điều 62 Luật quản lý thuế 2019 thì thời hạn gia hạn nộp thuế như sau:
Đối với trường hợp bị thiệt hại vật chất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do gặp trường hợp bất khả kháng: Không quá 02 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế.
Đối với trường hợp phải ngừng hoạt động do di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, kinh doanh: Không quá 01 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế.
Người nộp thuế không bị phạt và không phải nộp tiền chậm nộp tính trên số tiền nợ thuế trong thời gian gia hạn nộp thuế. Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp căn cứ hồ sơ gia hạn nộp thuế để quyết định số tiền thuế được gia hạn, thời gian gia hạn nộp thuế.
Trường hợp gia hạn năm 2023
Gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế giá trị gia tăng phát sinh phải nộp (bao gồm cả số thuế phân bổ cho các địa phương cấp tỉnh khác nơi người nộp thuế có trụ sở chính, số thuế nộp theo từng lần phát sinh) của kỳ tính thuế từ tháng 3 đến tháng 8 năm 2023 (đối với trường hợp kê khai thuế giá trị gia tăng theo tháng) và kỳ tính thuế Quý I, Quý II năm 2023 (đối với trường hợp kê khai thuế giá trị gia tăng theo quý) của các doanh nghiệp, tổ chức. Thời gian gia hạn bao gồm:
06 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2023 và Quý I năm 2023
05 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng của tháng 6 năm 2023 và Quý II năm 2023
04 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng của tháng 7 năm 2023
03 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng của tháng 8 năm 2023.
Thời gian gia hạn tại điểm này được tính từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Các doanh nghiệp, tổ chức thuộc đối tượng được gia hạn sẽ phải thực hiện kê khai, nộp tờ khai thuế giá trị gia tăng tháng, quý theo quy định của pháp luật hiện hành, nhưng chưa phải nộp số thuế giá trị gia tăng phải nộp phát sinh trên tờ khai thuế giá trị gia tăng đã kê khai. Thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của tháng, quý được gia hạn như sau:
Thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của kỳ tính thuế tháng 3 năm 2023 chậm nhất là ngày 20 tháng 10 năm 2023.
Thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của kỳ tính thuế tháng 4 năm 2023 chậm nhất là ngày 20 tháng 11 năm 2023.
Thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của kỳ tính thuế tháng 5 năm 2023 chậm nhất là ngày 20 tháng 12 năm 2023.
Thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của kỳ tính thuế tháng 6 năm 2023 chậm nhất là ngày 20 tháng 12 năm 2023.
Thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của kỳ tính thuế tháng 7 năm 2023 chậm nhất là ngày 20 tháng 12 năm 2023.
Thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của kỳ tính thuế tháng 8 năm 2023 chậm nhất là ngày 20 tháng 12 năm 2023.
Thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của kỳ tính thuế Quý I năm 2023 chậm nhất là ngày 31 tháng 10 năm 2023.
Thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của kỳ tính thuế Quý II năm 2023 chậm nhất là ngày 31 tháng 12 năm 2023.
Trong trường hợp doanh nghiệp, tổ chức có các chi nhánh, đơn vị trực thuộc thực hiện khai thuế giá trị gia tăng riêng với cơ quan thuế quản lý trực tiếp của chi nhánh, đơn vị trực thuộc thì các chi nhánh, đơn vị trực thuộc cũng thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng.
Trường hợp chi nhánh, đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp, tổ chức nêu tại (1), (2), (3) không có hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc ngành kinh tế, lĩnh vực được gia hạn thì chi nhánh, đơn vị trực thuộc không thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng.
Hồ sơ gia hạn nộp thuế
Căn cứ theo Điều 64 Luật quản lý thuế 2019 thì hồ sơ gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng gồm các tài liệu sau:
Văn bản đề nghị gia hạn nộp thuế, trong đó nêu rõ lý do, số tiền thuế, thời hạn nộp;
Tài liệu chứng minh lý do gia hạn nộp thuế.
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn về thủ tục gia hạn thuế giá trị gia tăng xin, dịch vụ kế toán thuế, kê khai thuế vui lòng liên hệ Công ty luật – Đại lý thuế Việt Anđể được hỗ trợ tốt nhất.