Việc xâm phạm sáng chế làm ảnh hưởng tới quyền độc quyền của chủ thể khác khi “tài sản trí tuệ” của họ khai thác trái phép. Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam cũng đã có những quy định về các biện pháp xử lý đối với hành vi xâm phạm sáng chế. Để phát hiện kịp thời hành vi nào là hành vi xâm phạm sáng chế, giám định xâm phạm sáng chế là quá trình quan trọng để làm căn cứ, cơ sở cho các biện pháp xử lý xâm phạm. Bài viết dưới đây, công ty luật Việt An sẽ cung cấp cho quý khách hàng thông tin về giám định xâm phạm sáng chế.
Cơ sở pháp lý
Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022;
Luật Giám định tư pháp năm 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2020;
Nghị định 65/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ;
Quy định về giám định sáng chế
Giám định sáng chế là một khía cạnh của giám định sở hữu trí tuệ được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ. Theo quy định tại Điều 201 của Luật, đây là việc tổ chức, cá nhân có quyền hành nghề giám định theo quy định sử dụng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để đánh giá, kết luận về những vấn đề có liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ.
Giám định sở hữu trí tuệ được thực hiện trên 3 nhóm đối tượng sở hữu trí tuệ chính đó là: quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng. Theo đó, sáng chế thuộc nhóm quyền sở hữu công nghiệp.
Về ý nghĩa, Luật cũng quy định, kết luận giám định là một trong các nguồn chứng cứ để cơ quan có thẩm quyền xử lý, giải quyết vụ việc. Kết luận giám định không kết luận về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc kết luận về vụ tranh chấp.
Việc giám định tư pháp về sở hữu trí tuệ được thực hiện theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp.
Hành vi xâm phạm sáng chế
Điều 4.12 Luật Sở hữu trí tuệ quy định sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc sử dụng các quy luật tự nhiên. Trong quy định trên, sáng chế trước tiên phải là một giải pháp kỹ thuật mới, sáng tạo cho một vấn đề cụ thể được thể hiện qua sản phẩm hoặc quy trình.
Hành vi xâm phạm sáng chế là việc sử dụng, sản xuất, hoặc phân phối một sáng chế đã được bảo hộ mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu. Như vậy, không phải sáng chế nào cũng là đối tượng của hành vi xâm phạm mà chỉ những sáng chế đã được bảo hộ mới được coi là đối tượng hành vi xâm phạm sáng chế.
Các hành vi bị coi là xâm phạm đối với sáng chế được quy định tại Điều 126 Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm:
Sử dụng sáng chế được bảo hộ trong thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ mà không được phép của chủ sở hữu;
Sử dụng sáng chế mà không trả tiền đền bù theo quy định về quyền tạm thời, trong đó, quyền tạm thời quy định:
Trường hợp người nộp đơn đăng ký sáng chế biết rằng sáng chế đang được người khác sử dụng nhằm mục đích thương mại và người đó không có quyền sử dụng trước thì người nộp đơn có quyền thông báo bằng văn bản cho người sử dụng về việc mình đã nộp đơn đăng ký, trong đó chỉ rõ ngày nộp đơn và ngày công bố đơn trên Công báo sở hữu công nghiệp để người đó chấm dứt việc sử dụng hoặc tiếp tục sử dụng.
Trong trường hợp được thông báo như trên mà người được thông báo vẫn tiếp tục sử dụng sáng chế thì khi Bằng độc quyền sáng chế được cấp, chủ sở hữu sáng chế có quyền yêu cầu người đã sử dụng sáng chế phải trả một khoản tiền đền bù tương đương với giá chuyển giao quyền sử dụng sáng chế đó trong phạm vi và thời hạn sử dụng tương ứng.
Nội dung hoạt động giám định
Theo quy định cảu Luật Giám định tư pháp và Bộ luật Tố tụng dân sự, hoạt động giám định sẽ được tiến hành theo hai trường hợp sau:
Trưng cầu giám định: Đây là hoạt động do Thẩm phán hoặc người tiến hành tố tụng thực hiện khi có yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết nhằm làm chứng cứ và cơ sở để giải quyết vụ việc dân sự;
Yêu cầu giám định: Đây là quyền của đương sự yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định hoặc tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị Tòa án trưng cầu giám định nhưng Tòa án từ chối yêu cầu của đương sự.
Nội dung của hoạt động giám định đó là người giám định hoặc hội đồng giám định ra kết luận chuyên môn về những vấn đề được yêu cầu giám định. Kết luận giám định làm sang tỏ đối tượng giám định dựa trên các căn cứ bao gồm những tình tiết, dấu vết, đồ vật, tài liệu được cơ quan trừng cầu cung cấp và những phương pháp được áp dụng phù hợp.
Trong một số trường hợp, quý khách hàng có thể yêu cầu giám định lại. Giám định lại là hoạt động giám định được tiến hành theo quyết định trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng về vấn đề đã được giám định khi có kết quả giám định trước hoặc có mâu thuẫn trong các kết luận giám định. Căn cứ để giám định lại khi có nghi ngờ kết luận giám định lần đầu không chính xác.
Giám định xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp
Nội dung giám định về sở hữu công nghiệp
Giám định sở hữu công nghiệp cần đảm bảo các nội dung, cụ thể như sau:
Xác định phạm vi bảo hộ của đối tượng quyền sở hữu trí tuệ;
Xác định đối tượng được xem xét có đáp ứng các điều kiện để bị coi là yếu tố xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hay không;
Xác định có hay không sự trùng, tương đương, tương tự, gây nhầm lẫn, khó phân biệt hoặc sao chép giữa đối tượng được xem xét với đối tượng được bảo hộ;
Xác định giá trị quyền sở hữu trí tuệ, xác định giá trị thiệt hại
Nguyên tắc giám định về quyền sở hữu công nghiệp
Căn cứ theo khoản 4 Điều 201 Luật Sở hữu trí tuệ quy định nguyên tắc thực hiện giám định như sau:
Tuân thủ pháp luật, tuân theo trình tự, thủ tục giám định;
Trung thực, chính xác, khách quan, vô tư, kịp thời;
Chỉ kết luận về chuyên môn những vấn đề trong phạm vi được yêu cầu;
Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận giám định;
Chi phí giám định được xác định theo thỏa thuận giữa người có yêu cầu giám định và tổ chức, cá nhân giám định.
Cơ sở so sánh, đánh giá khả năng xâm phạm sáng chế
Để xác định khả năng có xâm phạm sáng chế của người khác hay không, cần phải thực hiện biện pháp so sánh, đối chiếu sáng chế được bảo hộ với sản phẩm dự định đưa ra thị trường nhằm đánh giá sự trùng lặp hay tương đương giữa sản phẩm đó với sáng chế được bảo hộ, trên cơ sở này, nhận định về nguy cơ xâm phạm đối với sáng chế đang được bảo hộ ở mức độ nào.
Căn cứ để so sánh và đánh giá khả năng xâm phạm sáng chế là phạm vi bảo hộ sáng chế được xác định theo phần Yêu cầu bảo hộ của Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích. Phần yêu cầu bảo hộ thường được thể hiện ngay say phần mô tả sáng chế của Văn bằng được cấp, và là phần cốt lõi của bất kỳ sáng chế nào bởi vì húng được dùng nhằm xác định phạm vi quyền sở hữu công nghiệp đói với sáng chế. Nếu sản phẩm hoặc quy trình thuộc phạm vi bảo hộ của sáng chế được bảo hộ, hành vi xâm phảm sáng chế sẽ xảy ra.
Dịch vụ tư vấn liên quan đến sáng chế của Luật Việt An
Tư vấn các quy định về xâm phạm, xử lý xâm phạm sáng chế;
Đánh giá sơ bộ xâm phạm sáng chế để đề xuất hướng giải quyết cho khách hàng;
Đại diện khách hàng thực hiện giám định sáng chế tại tổ chức hành nghề để làm cơ sở giải quyết tranh chấp;
Đại diện ngoài tố tụng, trong tố tụng để giải quyết tranh chấp sáng chế cho khách hàng.
Trên đây là bài viết về giám định xâm phạm sáng chế, quý khách hàng có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến đăng ký sáng chế, xử lý xâm phạm sáng chế hãy liên hệ công ty luật Việt An để nhận được sự hỗ trợ kịp thời và nhanh chóng. Trân trọng!