Giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) xuống 8% cho năm 2024
Ngày 30/6/2024, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 72/2024/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế VAT theo Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29/6/2024 của Quốc hội. Theo đó, quy định giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) xuống 8% năm 2024 từ ngày 1/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024. Sau đây, Luật Việt An sẽ phân tích một số nội dung đáng chú ý về chính sách giảm thuế VAT này.
Khái quát về Nghị định số 72/2024/NĐ-CP
Mục đích của việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) xuống 8% năm 2024
Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng là hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, trừ các đối tượng quy định tại Điều 5 của Luật Thuế giá trị gia tăng 2008, được sửa đổi bổ sung năm 2013, năm 2016. Mức thuế suất theo Điều 8 của Luật này tùy từng hàng hóa dịch vụ mà mức thuế suất bao gồm 0%, 5%, 10%.
Sau khi chịu tác động từ dịch Covid-19, tại Kỳ họp thứ 5 năm 2023, Quốc hội đã thông qua chính sách giảm 2% thuế GTGT cho một số mặt hàng đang áp thuế suất 10% để làm đòn bẩy, phục hồi nền kinh tế. Việc giảm thuế GTGT đã mang lại nhiều lợi ích nhưng kinh tế phục hồi chưa vững chắc. Do đó, Chính phủ đề nghị tiếp tục giảm thuế GTGT trong năm 2024.
Trong bối cảnh hiện nay, sức cầu trong nước đang rất thấp, việc giảm thuế GTGT làm giảm hàng hóa dịch vụ xuống, đặc biệt là hàng hóa dịch vụ thiết yếu góp phần tăng tổng cầu, kích thích tiêu dùng, làm tăng doanh số bán ra, hỗ trợ thúc đẩy kinh tế. Chính sách này giúp khống chế được lạm phát, giữ được lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp.
Bộ Tài chính cho biết, việc xây dựng Nghị quyết 142/2024/QH15 của Quốc hội và Nghị định 72/2024/NĐ-CP của Chính phủ về giảm thuế giá trị gia tăng 2% nhằm mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước, cũng như nền kinh tế để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025, Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hàng năm, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025.
Các nhóm hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 72/2024/NĐ-CP, từ ngày 1/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024, giảm thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ sau:
Lưu ý:
Việc giảm thuế giá trị gia tăng cho từng loại hàng hóa, dịch vụ được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại.
Đối với mặt hàng than khai thác bán ra (bao gồm cả trường hợp than khai thác sau đó qua sàng tuyển, phân loại theo quy trình khép kín mới bán ra) thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng. Mặt hàng than thuộc Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định định số 72/2024/NĐ-CP, tại các khâu khác ngoài khâu khai thác bán ra không được giảm thuế giá trị gia tăng.
Các tổng công ty, tập đoàn kinh tế thực hiện quy trình khép kín mới bán ra cũng thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng than khai thác bán ra.
Trường hợp hàng hóa, dịch vụ nêu tại các Phụ lục I, II và III ban hành kèm theo Nghị định số 72/2024/NĐ-CP thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng hoặc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 5% thì không được giảm thuế giá trị gia tăng.
Mức giảm thuế giá trị gia tăng
Phương pháp khấu trừ
Theo Khoản 2 Điều 1 Nghị định 72/2024/NĐ-CP, đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng trên, cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng.
Như vậy, nhóm dịch vụ, hàng hóa đang áp dụng mức thuế suất VAT 10% được giảm 2% xuống còn 8%. Lộ trình áp dụng giam 2% thuế VAT là từ ngày 1/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024.
Phương pháp tỷ lệ % doanh thu
Đồng thời, cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng.
Lý do lựa chọn giải pháp này được giải thích như sau:
Luật Thuế GTGT hiện hành quy định 02 mức thuế suất thuế GTGT 5% và 10% (không kể mức 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; đối tượng không chịu thuế GTGT). Số thuế phải nộp = số thuế GTGT đầu ra – số thuế GTGT đầu vào. Hàng hóa, dịch vụ mua vào của cơ sở kinh doanh có loại áp dụng thuế suất 10%, 5% hoặc không chịu thuế GTGT.
Do vậy, đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 5% thì cơ bản số thuế GTGT đầu ra nhỏ hơn số thuế GTGT đầu vào nên cơ sở kinh doanh thường không phát sinh số thuế GTGT phải nộp. Đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 10% thì sẽ phát sinh số thuế GTGT phải nộp (thuế GTGT đầu ra lớn hơn thuế GTGT đầu vào).
Trước đó, việc thực hiện giảm thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ trên đã được quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, Nghị quyết số 101/2023/QH15, Nghị quyết số 110/2023/QH15 và thực hiện ổn định trong năm 2022, năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024.
Hướng dẫn ghi hóa đơn giảm 2% thuế GTGT
Khi lập hoá đơn giá trị gia tăng cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng, cần lưu ý trình tự thủ tục như sau:
Một số lưu ý
Đối với cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ
Căn cứ hóa đơn giá trị gia tăng, cơ sở kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ kê khai thuế giá trị gia tăng đầu ra, cơ sở kinh doanh mua hàng hóa, dịch vụ kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào theo số thuế đã giảm ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng.
Trường hợp cơ sở kinh doanh bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ áp dụng các mức thuế suất khác nhau thì trên hóa đơn giá trị gia tăng phải ghi rõ thuế suất của từng hàng hóa, dịch vụ.
Đối với cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu
Trường hợp cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ thì trên hóa đơn bán hàng phải ghi rõ số tiền được giảm.
Trường hợp đã lập hóa đơn và đã kê khai theo mức thuế suất hoặc mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng chưa được giảm
Trường hợp cơ sở kinh doanh đã lập hóa đơn và đã kê khai theo mức thuế suất hoặc mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng chưa được giảm theo quy định tại Nghị định 72/2024/NĐ-CP thì người bán và người mua xử lý hóa đơn đã lập theo quy định pháp luật về hóa đơn, chứng từ.
Căn cứ vào hóa đơn sau khi xử lý, người bán kê khai điều chỉnh thuế đầu ra, người mua kê khai điều chỉnh thuế đầu vào (nếu có).
Tác động của việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT)
Theo báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 43, đánh giá kết quả việc thực hiện chính sách miễn giảm thuế, báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội cho thấy, chính sách giảm 2% thuế suất thuế VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đã được quy định cụ thể) đạt được kết quả tích cực.
Số thuế VAT dự kiến giảm khi xây dựng chương trình là 49.400 tỉ đồng. Số thực hiện đạt 44.458 tỉ đồng, trong đó làm giảm thu ngân sách Nhà nước năm 2022 là 41.498 tỉ đồng, làm giảm thu ngân sách Nhà nước tháng 1.2023 là 2.960 tỉ đồng, bằng 90% số dự kiến.
Giảm 2% thuế VAT, người dân sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí trong chi tiêu, sinh hoạt, mang lại tác động về tâm lý, giúp kích cầu, tăng tiêu dùng. Việc áp dụng chính sách giảm 2% thuế suất thuế VAT cho 6 tháng cuối năm 2024 dự kiến sẽ làm giảm thu khoảng 24.000 tỉ đồng (khoảng 4 nghìn tỷ đồng/tháng trong đó giảm ở khâu nội địa dự kiến là 2,5 nghìn tỷ đồng/tháng và giảm ở khâu nhập khẩu khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng/tháng).
Trên đây là phân tích của Luật Việt An về Giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) xuống 8% năm 2024. Quý khách hàng có thắc mắc liên quan, xin vui lòng liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất.