Hiện nay có một số loại hình doanh nghiệp mà nhà đầu tư có thể lựa chọn loại hình phù hợp với nhu cầu của mình như Công ty cổ phần, Công ty trách nhiệm hữu hạn (sau đây gọi tắt là TNHH)1 thành viên, Công ty TNHH 2 thành viên trở lên, Công ty hợp danh,… Để thành lập được doanh nghiệp người thành lập doanh nghiệp cần chuẩn bị hồ sơ thành lập doanh nghiệp phù hợp với loại hình doanh nghiệp đã lựa chọn. Trong trường hợp lựa chọn thành lập công ty trách nhiệm hựu hạn một thành viên hoặc 2 thành viên trở lên, người thành lập doanh nghiệp sẽ cần chuẩn bị các loại hồ sơ sau:
Cơ sở pháp lý khi soạn thảo hồ sơ thành lập công ty TNHH
Luật Doanh nghiệp 2020;
Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;
Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành.
Hồ sơ thành lập Công ty TNHH 1 thành viên (chỉ có 01 người góp vốn là một cá nhân hoặc một tổ chức):
Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp (Phụ lục I-2 Thông tư 01/2021).
Điều lệ công ty.
Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật, chủ sở hữu doanh nghiệp.
Trường hợp chủ sở hữu là tổ chức thì nộp bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức (trừ trường hợp chủ sở hữu công ty là Nhà nước).
Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.
Đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự.
Bản sao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Đối với công ty TNHH một thành viên, do được hình thành từ một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu nên chủ sở hữu chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty hay nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ công ty đã đăng ký ban đầu khi thành lập.
Công ty TNHH một thành viên có số lượng thành viên không nhiều nên việc quản lý cũng như điều hành của công ty không quá phức tạp.
Việc thành lập công ty TNHH một thành viên sẽ giúp cho chủ sở hữu chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn về tài sản.
Nhược điểm của công ty TNHH 1 thành viên:
Nếu có bất cứ nội dung thay đổi nào liên quan đến thành viên, vốn góp phải làm thủ tục thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh.
Sau 02 năm thành lập mới có thể giảm vốn điều lệ theo quy định tại Điều 68 Luật Doanh nghiệp 2020.
Không được huy động vốn bằng cách phát hành cổ phiếu.
Hồ sơ thành lập Công ty TNHH 2 thành viên trở lên (giới hạn từ 02 đến 50 thành viên):
Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp (Phụ lục I-3 Thông tư 01/2021).
Điều lệ công ty.
Danh sách thành viên đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên (Phụ lục I-6 Thông tư 01).
Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật và thành viên của doanh nghiệp;
Trường hợp thành viên là tổ chức thì nộp bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức.
Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của thành viên, và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.
Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
Bản sao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Ưu nhược điểm của công ty TNHH 2 thành viên trở lên:
Ưu điểm của công ty TNHH 2 thành viên trở lên:
Số lượng thành viên công ty trách nhiệm không nhiều nên việc quản lý, điều hành công ty không quá phức tạp.
Chế độ chuyển nhượng vốn được điều chỉnh chặt chẽ nên nhà đầu tư dễ dàng kiểm soát được việc thay đổi các thành viên.
Có nhiều chủ sở hữu hơn công ty TNHH 1 thành viên nên có thể có nhiều vốn hơn. Do vậy có vị thế tài chính tạo khả năng tăng trưởng cho doanh nghiệp. Khả năng quản lý toàn diện do có nhiều người hơn để tham gia điều hành công việc kinh doanh. Mỗi thành viên vốn có trình độ kiến thức khác nhau.
Nhược điểm của công ty TNHH 2 thành viên trở lên:
Do chế độ trách nhiệm hữu hạn, nên uy tín của công ty TNHH hai thành viên trở lên không được đánh giá cao đối với ngân hàng cũng như các đối tác cho vay vốn.
Công ty TNHH chịu sự điều chỉnh chặt chẽ của pháp luật hơn là doanh nghiệp tư nhân hay công ty hợp danh;
Khả năng huy động vốn của công ty TNHH hai thành viên trở lên bị hạn chế do không có quyền phát hành cổ phiếu.
Nếu có bất cứ nội dung thay đổi nào liên quan đến thành viên, vốn góp phải làm thủ tục thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh.
Sau 02 năm thành lập mới có thể giảm vốn điều lệ theo quy định tại Điều 87 Luật Doanh nghiệp 2020.
Quy trình nộp hồ sơ thành lập công ty TNHH và nhận kết quả
Cách thức thực hiện nộp hồ sơ thành lập công ty TNHH:
Nộp trực tiếp hoặc nộp trực tuyến tại trang web Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (dangkykinhdoanh.gov.vn) hoặc có thể liên hệ Công ty luật Việt An để được tư vấn và cung cấp dịch vụ thành lập công ty trọn gói.
Hiện nay hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Hà Nội và Hồ Chí Minh được thực hiện hoàn toàn trực tuyến, thuận lợi trong việc nộp và nhận thông báo của cơ quan đăng ký kinh doanh.
Thời hạn xử lý hồ sơ thành lập công ty TNHH:
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh có xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp đăng ký doanh nghiệp; trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người thành lập doanh nghiệp. Trường hợp từ chối đăng ký doanh nghiệp thì sẽ thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp và nêu rõ lý do.
Kết quả thủ tục:
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có mã số doanh nghiệp đồng thời là mã số thuế.
Quý khách hàng có nhu cầu thành lập công ty TNHH một thành viên hay công ty TNHH hai thành viên trở lên xin vui lòng liên hệ tới Công ty luật Việt An để được tư vấn cụ thể!