Vấn đề quan trọng và sống còn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đó là vấn đề về vốn và việc huy động nguồn vốn. Những doanh nghiệp nhỏ thường ít được biết đến, ít có uy tín cho nên việc huy động vốn rất khó khăn. Vì vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng, khó mở rộng quy mô hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, nhà nước quy định về việc tiếp cận tín dụng cho các doanh nghiệp trong Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó:
Trong từng thời kỳ, Chính phủ quyết định chính sách hỗ trợ tổ chức tín dụng tăng dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; khuyến khích tổ chức tín dụng cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa dựa trên xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp và biện pháp phù hợp khác; khuyến khích thành lập tổ chức tư vấn độc lập để xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa được cơ quan, tổ chức, cá nhân hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, tăng cường năng lực quản trị, kỹ năng quản lý, minh bạch hóa tài chính của doanh nghiệp để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa được cấp bảo lãnh tín dụng tại Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật.
Quy định của pháp luật thể hiện sự tôn trọng quy luật thị trường, nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của các tổ chức tín dụng mà chỉ đưa ra chính sách hỗ trợ để khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng khoản cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này tạo động lực để cho các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại trợ giúp doanh nghiệp về mặt tài chính.
Trên thực tế, doanh nghiệp nhỏ và vừa thường khó tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng vì năng lực quản trị hạn chế; tài sản bảo đảm ít, phương án, dự án kinh doanh, vay vốn xây dựng không bài bản; hệ thống sổ sách tài chính, kế toán thiếu minh bạch; tiềm lực tài chính yếu; dễ bị rủi ro. Do vậy, bổ sung quy định doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ nâng cao năng lực tiếp cận tín dụng thông qua các cơ quan, tổ chức và cá nhân hỗ trợ để xây dựng phương án sản xuất kinh doanh khả thi, tăng cường năng lực quản trị, minh bạch hoạt động của doanh nghiệp để nâng cao năng lực tiếp cận tín dụng.
Về Quỹ bảo lãnh tín dụng tại các địa phương có năng lực tài chính còn hạn chế, vốn hoạt động bảo lãnh tín dụng thấp, một số Quỹ chưa đáp ứng đủ vốn điều lệ theo quy định của pháp luật hiện hành; quy mô còn nhỏ, số dư trích lập dự phòng rủi ro của Quỹ thấp chưa đảm bảo bù đắp chi phí khi có rủi ro xảy ra, nguồn thu từ phí bảo lãnh thấp không đảm bảo để thực hiện nhiệm vụ, trong khi rủi ro bảo lãnh cao nên hoạt động của Quỹ còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, Cơ quan có thẩm quyền cần nhanh chóng ban hành văn bản quy định về tổ chức, hoạt động của các quỹ bảo lãnh tín dụng để các quỹ này hoạt động hiệu quả và thực hiện được đầy đủ chức năng của mình.