Bao bì không chỉ là phương tiện để bảo vệ và đóng gói sản phẩm mà còn là yếu tố quyết định trong việc xây dựng nhận diện thương hiệu và thu hút khách hàng. Trong thời đại cạnh tranh ngày càng gay gắt, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm, bao bì, và hình ảnh thương hiệu là vô cùng quan trọng. Để bảo vệ quyền đối với bao bì sản phẩm, việc đăng ký độc quyền bao bì là cần thiết. Sau đây, Luật Việt An sẽ hướng dẫn đăng ký độc quyền bao bì sản phẩm.
Các phương thức đăng ký bảo hộ độc quyền bao bì sản phẩm
Bao bì sản phẩm (packaging products) là vật liệu, hình dáng bên ngoài dùng để bao bọc bảo vệ những sản phẩm bên trong. Bao bì sản phẩm ngoài việc giúp sản phẩm được bảo quản trong một thời hạn nhất định; nó còn có một chức năng khác nữa đó là hướng đến việc gây bắt mắt với người tiêu dùng trên thị trường.
Để bảo hộ độc quyền bao bì sản phẩm, có thể đăng ký dưới hai hình thức sau:
Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu: đối với các dấu hiệu dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc hoặc dấu hiệu âm thanh.
Đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp: đối với hình dáng, bao bì bên ngoài của sản phẩm.
Tư vấn lựa chọn phương thức đăng ký bảo hộ bao bì sản phẩm
Cả hai hình thức đăng ký nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp đều thuộc đối tượng bảo hộ sở hữu công nghiệp, đều có lợi ích riêng, tuy nhiên, mỗi hình thức bảo vệ sẽ phù hợp với từng trường hợp cụ thể.
Nhãn hiệu là yếu tố quan trọng giúp nhận diện thương hiệu của một doanh nghiệp. Đăng ký nhãn hiệu giúp bảo vệ tên gọi, logo, hình ảnh, hoặc bất kỳ dấu hiệu nào dùng để phân biệt sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp này với các sản phẩm/dịch vụ khác trên thị trường.
Lợi ích: Khi nhãn hiệu đã được đăng ký, doanh nghiệp có quyền ngừng việc sử dụng nhãn hiệu của mình hoặc yêu cầu ngừng hành vi xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu từ bên thứ ba.
Đối tượng phù hợp: Các doanh nghiệp, cửa hàng, hoặc tổ chức muốn bảo vệ thương hiệu của mình trên thị trường.
Thời gian bảo vệ: Nhãn hiệu có thể được bảo vệ lâu dài, thường là 10 năm và có thể gia hạn vô thời hạn.
Kiểu dáng công nghiệp là bảo vệ hình thức bên ngoài của sản phẩm, bao gồm các yếu tố như màu sắc, hình dáng, đường nét, bố cục…
Lợi ích: Đăng ký kiểu dáng công nghiệp giúp bảo vệ tính độc đáo và sáng tạo trong thiết kế của sản phẩm, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh và gia tăng giá trị sản phẩm.
Đối tượng phù hợp: Các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm có thiết kế độc đáo, muốn bảo vệ quyền sở hữu kiểu dáng sản phẩm trước sự sao chép trái phép.
Thời gian bảo vệ: Kiểu dáng công nghiệp được bảo vệ trong 5 năm và có thể gia hạn thêm 2 lần, mỗi lần 5 năm.
Như vậy, nếu muốn bảo vệ tên gọi, logo hay thương hiệu của sản phẩm thì đăng ký nhãn hiệu là lựa chọn hợp lý. Nếu muốn bảo vệ thiết kế bên ngoài của sản phẩm thì đăng ký kiểu dáng công nghiệp là sự lựa chọn tốt hơn. Tùy vào mục đích bảo vệ mà có thể chọn đăng ký một trong hai hoặc kết hợp cả hai để bảo vệ toàn diện quyền lợi của mình.
Hướng dẫn đăng ký độc quyền bao bì sản phẩm dưới hình thức nhãn hiệu
Điều kiện bảo hộ
Theo Điều 72 Luật SHTT, bao bì sản phẩm được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu cần đáp ứng các điều kiện sau:
Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc hoặc dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa;
Có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác.
Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu
Theo Điều 100 Luật SHTT, Điều 24 Thông tư 23/2023/TT-BKHCN và hướng dẫn của Cục SHTT, thì hồ sơ đăng ký nhãn hiệu đối với bao bì sản phẩm bao gồm:
Tờ khai đăng ký nhãn hiệu, đánh máy theo mẫu số 08 Phụ lục I Nghị định 65/2023/NĐ-CP:
Mẫu nhãn hiệu kèm theo;
Chứng từ nộp phí, lệ phí.
Giấy ủy quyền, nếu nộp đơn đăng ký qua dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp;
Tài liệu xác nhận được phép sử dụng các dấu hiệu đặc biệt (nếu nhãn hiệu yêu cầu bảo hộ có chứa các biểu tượng, cờ, huy hiệu của cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế…);
Tài liệu chứng minh quyền đăng ký, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác: Hợp đồng ủy quyền, hợp đồng chuyển nhượng, …
Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên;
Lưu ý: mẫu nhãn hiệu phải được mô tả để làm rõ các yếu tố cấu thành của nhãn hiệu và ý nghĩa tổng thể của nhãn hiệu (nếu có); nếu nhãn hiệu có từ, ngữ thuộc ngôn ngữ tượng hình thì từ, ngữ đó phải được phiên âm; nếu nhãn hiệu có từ, ngữ bằng ngôn ngữ khác tiếng Việt thì phải được dịch ra tiếng Việt; nếu nhãn hiệu là âm thanh thì mẫu nhãn hiệu phải là tệp âm thanh và bản thể hiện dưới dạng đồ họa của âm thanh đó.
Thời hạn giải quyết hồ sơ đăng ký nhãn hiệu
Người nộp đơn có thể lựa chọn hình thức nộp đơn giấy hoặc hình thức nộp đơn trực tuyến qua Cổng dịch vụ công trực tuyến của Cục Sở hữu trí tuệ.
Theo Điều 110.3, Điều 119 Luật Sở hữu trí tuệ, kể từ ngày được Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận, đơn đăng ký nhãn hiệu được xem xét theo trình tự sau:
Thẩm định hình thức: 01 tháng
Công bố đơn: trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày đơn đăng ký nhãn hiệu có Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ
Thẩm định nội dung: không quá 09 tháng, kể từ ngày công bố đơn.
Phí, lệ phí
Theo biểu mức thu phí, lệ phí kèm theo Thông tư số 263/2016/TT-BTC, phí, lệ phí đăng ký nhãn hiệu như sau:
Lệ phí nộp đơn: 150.000VNĐ
Phí công bố đơn: 120.000VNĐ
Phí tra cứu phục vụ thẩm định nội dung: 180.000VNĐ/01 nhóm sản phẩm, dịch vụ
Phí tra cứu cho sản phẩm, dịch vụ thứ 7 trở đi: 30.000VNĐ/01 sản phẩm, dịch vụ
Phí thẩm định nội dung: 550.000VNĐ/01 nhóm sản phẩm, dịch vụ
Phí thẩm định nội dung cho sản phẩm/dịch vụ thứ 7 trở đi: 120.000VNĐ/01 sản phầm, dịch vụ.
Hướng dẫn đăng ký độc quyền bao bì sản phẩm dưới hình thức kiểu dáng công nghiệp
Điều kiện bảo hộ
Theo Điều 63 Luật SHTT, bao bì sản phẩm được bảo hộ dưới hình thức kiểu dáng công nghiệp cần đáp ứng các điều kiện sau:
Có tính mới;
Có tính sáng tạo;
Có khả năng áp dụng công nghiệp.
Hồ sơ đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Tờ khai đăng ký kiểu dáng công nghiệp, đánh máy theo mẫu số 07 Phụ lục I của Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
01 Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp,
04 Bộ ảnh chụp/bản vẽ kiểu dáng công nghiệp.
Chứng từ nộp phí, lệ phí.
Giấy ủy quyền (nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được nộp thông qua tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp);
Tài liệu chứng minh quyền đăng ký (nếu thụ hưởng từ người khác). Ví dụ: Giấy chuyển nhượng quyền nộp đơn… (nếu có);
Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên (nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên).
Thời hạn xử lý đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Theo Điều 119 Luật Sở hữu trí tuệ, kể từ ngày được Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận, đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được xem xét theo trình tự sau:
Thẩm định hình thức: 01 tháng
Công bố đơn: trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp có Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ
Thẩm định nội dung: không quá 07 tháng, kể từ ngày công bố đơn.
Phí, lệ phí
Theo biểu mức thu phí, lệ phí kèm theo Thông tư số 263/2016/TT-BTC, phí, lệ phí đăng ký kiểu dáng công nghiệp như sau:
Lệ phí nộp đơn: 150.000VNĐ;
Phí phân loại kiểu dáng công nghiệp: 100.000/01 phân loại;
Phí thẩm định đơn: 700.000VNĐ/01 đối tượng;
Phí công bố đơn: 120.000VNĐ;
Phí công bố từ hình thứ 2 trở đi: 60.000VNĐ/01 hình;
Phí tra cứu thông tin nhằm phục vụ quá trình thẩm định: 480.000VNĐ/01 đối tượng;
Phí thẩm định yêu cầu hưởng quyền ưu tiên (nếu có): 600.000VNĐ/01 đơn ưu tiên.
Trên đây là hướng dẫn đăng ký độc quyền bao bì sản phẩm. Luật Việt An có cung cấp các dịch vụ liên quan đến bảo hộ đăng ký nhãn hiệu trong và ngoài nước, vui lòng liên hệ với chúng tôi để nhận được hỗ trợ hiệu quả nhất.