Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang đến những thay đổi sâu sắc cho cách thức thành lập và điều hành doanh nghiệp. Việc số hóa các thủ tục hành chính không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí mà còn tạo ra nhiều cơ hội mới. Thay vì phải mất nhiều ngày để đi đến trực tiếp Phòng đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư để nộp hồ sơ và các thủ tục giấy tờ rườm rà, doanh nghiệp giờ đây có thể thực hiện mọi thao tác trực tuyến chỉ với vài cú click chuột. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa những lợi ích của công nghệ, doanh nghiệp cần trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng cần thiết, đồng thời các cơ quan nhà nước cũng cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Luật Việt An xin hướng dẫn quý khách hàng cách nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng qua bài viết dưới đây.
Hướng dẫn chuẩn bị thành phần hồ sơ để nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng
Để quá trình nộp hồ sơ thay đổi đăng ký kinh doanh trực tuyến diễn ra suôn sẻ, doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ lưỡng các công việc sau:
Đăng ký tài khoản kinh doanh để nộp hồ sơ
Quý khách truy cập đường dẫn sau để đăng ký tài khoản kinh doanh hoặc có thể đăng nhập bằng tài khoản VNEid:
Sau đó chọn mục “Yêu cầu tài khoản đăng ký kinh doanh” để kích hoạt tính năng nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh. Cần chuẩn bị email, ảnh chụp mặt trước, mặt sau giấy tờ pháp lý cá nhân để kích hoạt tài khoản đăng ký kinh doanh. Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ xem xét vào kích hoạt tài khoản của bạn trong vòng 2-3 ngày làm việc.
Xác định rõ nội dung cần thay đổi
Thông tin doanh nghiệp: Tên doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính, ngành nghề kinh doanh,…
Thông tin về người đại diện pháp luật: Họ tên, ngày tháng năm sinh, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân,…
Vốn điều lệ: Số vốn điều lệ mới, góp vốn thêm hoặc giảm vốn.
Các thông tin khác: Thay đổi địa chỉ chi nhánh, văn phòng đại diện, thay đổi người sáng lập,…
Soạn hồ sơ thay đổi
Sau khi xác định nội dung cần thay đổi, doanh nghiệp soạn hồ sơ theo danh mục tài liệu tại Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp. Dianh nghiệp cần chuẩn bị giấy ủy quyền trong trường hợp ủy quyền cho người khác nộp và xử lý hồ sơ.
Chuẩn bị hồ sơ điện tử
Chữ ký số: Sử dụng chữ ký số cá nhân hoặc chữ ký số của tổ chức để ký vào các hồ sơ điện tử.
File PDF: Chuyển đổi các bản sao giấy tờ tài liệu đã soạn thành file PDF để đính kèm vào hồ sơ điện tử.
Hướng dẫn nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng
Bước 1: Đăng nhập vào tài khoản đăng ký kinh doanh đã được cấp tính năng nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh. Có 2 loại tài khoản, bạn có thể nộp bằng tài khoản có chữ ký số (nếu đã có chữ ký số) hoặc nộp bằng tài khoản đăng ký kinh doanh
Bước 2: Chọn thủ tục muốn nộp
Thành lập mới
Đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp (áp dụng đối với các trường hợp thay đổi thông tin được ghi nhận trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp)
Thông báo thay đổi đăng ký kinh doanh (áp dụng đối với các trường hợp thay đổi thông tin không được ghi nhận trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) ví dụ như ngành nghề kinh doanh, thông tin về thuế hoặc thông tin người đại diện theo ủy quyền….
Thông báo giải thể, Công bố giải thể
Tạm ngừng hoạt động
Hoạt động trước thời hạn tạm ngưng
Bước 3: Nhập các trường thông tin thay đổi tương ứng với thủ tục
Bước 4: Đính kèm các danh mục tài liệu chứng minh việc thay đổi dưới dạng PDF
Bước 5: Ký xác nhận hồ sơ thay đổi đăng ký kinh doanh và nộp hồ sơ
Bước 6: Thanh toán lệ phí nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh:
Đối với trường hợp thanh toán bằng thẻ nội địa NAPAS: lệ phí phải nộp là 101.000 VNĐ
Đối với trường hợp thanh toán bằng thẻ thanh toán quốc tế VISA: lệ phí thanh toán tùy thuộc vào chính sách của ngân hàng, thông tường là 111.000 VNĐ.
Hướng dẫn sau khi nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng
Sau khi nộp hồ sơ, quý khách hàng sẽ nhận được giấy biên nhận của hồ sơ đã nộp – xác nhận hồ sơ đã được nộp và ngày dự kiến trả kết quả hồ sơ. Khi đến ngày dự kiến trả kết quả hồ sơ sẽ có 2 trường hợp xảy ra như sau:
Nếu hồ sơ thay đổi đăng ký kinh doanh bị ra thông báo
Nếu hồ sơ thay đổi đăng ký kinh doanh bị ra thông báo, quý khách hàng cần làm theo các bước sau:
Đọc kỹ nội dung thông báo: Hiểu rõ những điểm cần sửa đổi hoặc bổ sung trong hồ sơ của mình.
Chuẩn bị đầy đủ giấy tờ: Hoàn thiện các giấy tờ theo yêu cầu của cơ quan đăng ký kinh doanh.
Nộp lại hồ sơ: Nộp lại hồ sơ đã được sửa đổi hoặc bổ sung theo đúng hướng dẫn.
Theo dõi tiến độ: Tiếp tục theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ trên hệ thống.
Một số lưu ý khi nộp lại hồ sơ:
Kiểm tra kỹ lưỡng: Trước khi nộp lại hồ sơ, hãy kiểm tra kỹ lưỡng tất cả các thông tin để đảm bảo không còn sai sót.
Liên hệ hỗ trợ: Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ với cơ quan đăng ký kinh doanh để được hướng dẫn cụ thể.
Nếu hồ sơ thay đổi đăng ký kinh doanh được chấp thuận
Bước 1: Khi hồ sơ được chấp thuận, quý khách hàng sẽ nhận được email báo hồ sơ đã được chấp thuận, quý khách hàng có thể đến trực tiếp phòng Đăng ký kinh doanh phạm vi tỉnh nộp hồ sơ để nhận kết quả hoặc liên hệ để được hướng dẫn đăng ký chuyển phát kết quả qua dịch vụ chuyển phát.
Bước 2 (nếu có): Sau khi hoàn tất thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp cần tiến hành cập nhật thông tin đến các cơ quan liên quan. Cụ thể:
Cơ quan thuế: Điều chỉnh thông tin doanh nghiệp trên hệ thống thuế để đảm bảo các nghĩa vụ thuế được thực hiện chính xác và kịp thời.
Ngân hàng: Cập nhật thông tin doanh nghiệp tại các ngân hàng liên kết để thuận tiện cho việc giao dịch và quản lý tài chính.
Đối tác: Thông báo đến các đối tác, khách hàng và nhà cung cấp về những thay đổi để đảm bảo hợp tác kinh doanh diễn ra suôn sẻ.
Giấy phép con của doanh nghiệp
Bước 3: Lưu giữ cẩn thận giấy tờ gốc và bản sao để phục vụ cho các nhu cầu sử dụng sau này.