Xác định trước mã số hàng hóa là một thủ tục quan trọng và cần thiết trong xuất nhập khẩu hàng hóa. Bởi nó có ảnh hưởng trực tiếp đến việc tính thuế và xác định giá cả hàng hóa. Vậy pháp luật quy định như thế nào về thủ tục xác định trước mã số hàng hóa? Bài viết dưới đây, Luật Việt An sẽ cung cấp thông tin hướng dẫn thủ tục xác định trước mã số hàng hóa theo pháp luật hiện hành.
Khái quát về thủ tục xác định trước mã số hàng hóa
Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa có thể thực hiện thủ tục xác định trước mã số hàng hóa tại Tổng cục Hải quan theo quy định của Luật Hải quan và văn bản hướng dẫn thi hành. Thời hạn giải quyết đối với thủ tục này là 30 ngày đối với trường hợp thông thường hoặc 60 ngày đối với trường hợp phức tạp cần xác minh, làm rõ kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
Sau khi kết thúc thủ tục, chủ thể yêu cầu sẽ nhận được kết quả là thông báo kết quả xác định trước mã số hàng hóa trong trường hợp hồ sơ hợp lệ, thuộc đối tượng đủ điều kiện xác định trước và không phải trả bất kỳ khoản phí, lệ phí nào. Quy trình này giúp đơn giản hóa thủ tục và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh xuất, nhập khẩu hàng hóa của các tổ chức, cá nhân.
Mã số hàng hóa là gì?
Mã số hàng hóa, còn được gọi là mã HS hay HS Code, là thuật ngữ được sử dụng thông dụng trong các văn bản pháp luật, đặc biệt là về lĩnh vực xuất nhập khẩu. Theo Tiểu mục 1.3.6 Mục 1.3 Phần 1 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 16:2019/BXD ban hành kèm theo Thông tư 19/2019/TT-BXD giải thích mã HS là mã số phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu ghi trong Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành.
Căn cứ khoản 16 Điều 4 Luật Hải quan 2014 quy định, phân loại hàng hóa là việc căn cứ vào đặc điểm, thành phần, cấu tạo, tính chất lý, hóa, công dụng, quy cách đóng gói và các thuộc tính khác của hàng hóa để xác định tên gọi, mã số của hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.
Như vậy, có thể hiểu đơn giản mã số hàng hóa là mã số phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu ghi trong Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu do Bộ Tài chính ban hành dựa trên hệ thống mã HS code quốc tế.
Điều kiện xác định trước mã số hàng hóa
Theo khoản 1 Điều 24 Nghị định 08/2015/NĐ-CP, quy định điều kiện xác định mã số hàng hóa như sau:
Tổ chức, cá nhân đề nghị cơ quan hải quan xác định trước mã số đối với hàng hóa dự kiến xuất khẩu, nhập khẩu và cung cấp thông tin, chứng từ, hồ sơ cần thiết liên quan đến việc xác định trước mã số hàng hóa;
Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu cần xác định trước trị giá hải quan là hàng hóa lần đầu xuất khẩu, nhập khẩu hoặc có thay đổi lớn, bất thường so với trị giá hải quan mà người khai hải quan đang thực hiện hoặc là hàng hóa có tính chất đơn chiếc hoặc không có tính phổ biến hoặc không có hàng hóa giống hệt, tương tự trên thị trường để so sánh.
Hồ sơ xác định trước mã số hàng hóa
STT
Thành phần
Số lượng
1
Đơn đề nghị xác định trước mã số theo mẫu số 01/XĐTMS/TXNK Phụ lục VI ban hành kèm Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi bổ sung bởi 39/2018/TT-BTC;
Bản chính 01
2
Tài liệu kỹ thuật do tổ chức, cá nhân đề nghị xác định trước mã số hàng hóa cung cấp (bản phân tích thành phần, catalogue, hình ảnh hàng hóa): 01 bản chụp;
Bản chính 01
3
Mẫu hàng hóa dự kiến xuất khẩu, nhập khẩu (nếu có).
Bản chính 01
4
Giấy ủy quyền
Bản chính: 01
Thủ tục xác định trước mã số hàng hóa
Bước 1: Nộp hồ sơ đề nghị xác định trước mã số hàng hóa
Tổ chức, cá nhân đề nghị xác định trước mã số hàng hóa nộp đủ hồ sơ cung cấp thông tin, chứng từ, hồ sơ đối với hàng hóa dự kiến xuất khẩu, nhập khẩu đến cơ quan hải quan.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, cá nhân tổ chức đề nghị xác định trước mã số sẽ tiến hành nộp hồ sơ tại Tổng cục Hải quan.
Bước 2: Xử lý hồ sơ
Sau khi nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền xem xét và ra quyết định:
Nếu không đủ điện kiện xác định trước mã số hoặc hồ sơ không hợp lệ thì sẽ bị tổng cục hải quan từ chối xác định trước mã số.
Nếu cá nhân, tổ chức có đề nghỉ đủ điều kiện xác định trước mã số hàng hóa, hồ sơ hợp lệ thì tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành sẽ vãn bản thông báo kết quả xác định trước mã số hàng hóa.
Bước 3: Trả kết quả
Tổng cục hải quan gửi văn bản thông báo kết quả xác định trước mã số hàng hóa cho tổ chức, cá nhân
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ đối với trường hợp thông thường.
Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ đối với trường hợp phức tạp cần xác minh làm rõ.
Đồng thời, cập nhật vào cơ sở dữ liệu của cơ quan hải quan và công khai trên trang điện tử của Tổng cục Hải quan.
Hiệu lực của văn bản thông báo kết quả xác định trước mã số hàng hóa
Theo quy định tại khoản 6 Điều 24 Nghị định 08/2015/NĐ-CP, quy định về hiệu lực của văn bản thông báo kết quả xác định trước mã số hàng hóa, cụ thể:
Văn bản thông báo kết quả xác định trước mã số hàng hóa có hiệu lực tối đa không quá 03 năm kể từ ngày Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ký ban hành. Riêng văn bản thông báo kết quả xác định trước mức giá có hiệu lực trực tiếp đối với lô hàng được xác định trước mức giá;
Văn bản thông báo kết quả xác định trước mã số hàng hóa không có hiệu lực áp dụng trong trường hợp hàng hóa hoặc hồ sơ thực tế xuất khẩu, nhập khẩu khác với mẫu hàng hóa hoặc hồ sơ đề nghị xác định trước mã số hàng hóa.
Một số câu hỏi liên quan
Trường hợp hàng hóa nhập khẩu đã làm xong thủ tục nhập khẩu thì có được xác định trước mã số hàng hóa?
Theo điểm a khoản 1 Điều 24 Nghị định 08/2015/NĐ-CP, quy định về điều kiện xác định trước mã số hàng hóa “Tổ chức, cá nhân đề nghị cơ quan hải quan xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan đối với hàng hóa dự kiến xuất khẩu, nhập khẩu”.
Như vậy, hàng hóa đã làm xong thủ tục nhập khẩu không đáp ứng điều kiện trên nên không được xác định trước mã số hàng hóa.
Trách nhiệm của tổ chức cá nhân khi đề nghị xác định trước mã số hàng hóa?
Căn cứ khoản 2, 3 Nghị định 08/2015/NĐ-CP, tổ chức cá nhân khi đề nghị xác định trước mã số hàng hóa cần có trách nhiệm:
Nộp đủ hồ sơ đề nghị xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan đến Tổng cục Hải quan;
Tham gia đối thoại với cơ quan hải quan nhằm làm rõ nội dung đề nghị xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan theo đề nghị của cơ quan hải quan;
Thông báo bằng văn bản cho Tổng cục Hải quan trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày có sự thay đổi nào liên quan đến hàng hóa đã đề nghị xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan.
Khi nào thì Tổng cục Hải quan từ chối xác định trước mã số hàng hóa?
Theo Thông tư 39/2018/TT-BTC quy định Tổng cục Hải quan có văn bản từ chối xác định trước mã số hàng hóa gửi tổ chức, cá nhân trong các trường hợp sau:
Không đủ điều kiện, hồ sơ xác định trước mã số hàng hóa;
Hàng hóa nêu tại đơn đề nghị xác định trước mã số đang chờ kết quả xử lý của cơ quan quản lý nhà nước.
Hàng hóa nêu tại đơn đề nghị xác định trước mã số đã có văn bản hướng dẫn về mã số của cơ quan quản lý nhà nước.
Trên đây là toàn bộ thông tin quy định về hướng dẫn thủ tục xác định trước mã số hàng hóa. Quý khách hàng có thắc mắc liên quan hoặc có nhu cầu hỗ trợ pháp lý về thủ tục xác định trước mã số hàng hóa vui lòng liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất!