Kinh nghiệm xây dựng mô hình tòa án điện tử cho Việt Nam
Trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập, cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vấn đề về chuyển đổi số toàn cầu đang là một xu hướng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, xây dựng mô hình toà án điện tử là một vấn đề phức tạp nên cần phải tham khảo kinh nghiệm của thế giới để đạt hiệu quả tốt nhất. Mô hình này đang mang lại những dấu hiệu tích cực về tính hiệu quả trong bối cảnh công nghiệp số, nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia tố tụng. Trong bài viết sau đây, Luật Việt An sẽ trình bày một số quy định hiện hành về mô hình này để đề xuất kinh nghiệm xây dựng mô hình tòa án điện tử cho Việt Nam.
Căn cứ pháp lý
Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;
Nghị quyết số 27-NQ/TW về xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCNVN giai đoạn mới;
Nghị quyết 33/2021/QH15 về tổ chức phiên toà trực tuyến;
Nghị quyết số 04/2016/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành một số quy định về gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử;
Nghị Quyết 03/2017/NQ-HĐTP quy định về việc công bố bản án, quyết định trên cổng thông tin điện tử của tòa án;
Công văn số 144/TANDTC-PC hướng dẫn thi hành Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao về việc công khai bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án;
Thông tư liên tịch 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP về hướng dẫn tổ chức phiên tòa trực tuyến;
Quyết định số 512a/QĐ-TANDTC về việc ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Nghị quyết 33/2021/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Toà án điện tử là gì?
Hiện nay, chưa có một khái niệm chuẩn để giải thích thuật ngữ “Toà án điện tử”, tuy nhiên chúng ta có thể hiểu Tòa án điện tử là một mô hình toà án trực tuyến giúp chuyển một phần hoạt động của Tòa án từ không gian thực lên không gian số, trong đó, cốt lõi là việc tiến hành, tối ưu hóa và phát triển trên nền tảng số một số hoạt động: quản trị nội bộ Tòa án; công khai hoạt động của Tòa án; cung ứng cho người dân các dịch vụ tư pháp công; hỗ trợ các tiện ích nâng cao hiệu quả hoạt động của các chức danh tư pháp; kết nối và khai thác cơ sở dữ liệu của các nền tảng số quốc gia; đặc biệt là tiến hành các hoạt động tố tụng điện tử.
Các cơ sở để xây dựng mô hình toà án điện tử tại Việt Nam
Cơ sở pháp lý
Hiện nay, Hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam cũng đã có một số quy định làm căn cứ nền tảng cho việc xây dựng hệ thống toà án điện tử, cụ thể như sau:
Về gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ bằng phương thức điện tử. Các quy định liên quan đến vấn đề này đã được quy định tại khoản 1 Điều 190 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 và Nghị quyết số 04/2016/NQ-HĐTP. Đồng thời vào năm 2022, Toà án nhân dân tối cao cũng đã chính thức đưa hệ thống gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện vào hoạt động
Về xét xử trực tuyến, Vấn đề này Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 33/2021/QH15 về tổ chức phiên toà trực tuyến. Theo quy định tại Nghị quyết này, các trường hợp như: sơ thẩm, phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết rõ ràng, tính chất đơn giản sẽ có thể đượ tổ chức xét xử trực tuyến. Các quy trình, trình tự tụ thủ tục xét xử trực tuyến cũng được Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn tại Quyết định số 512a/QĐ-TANDTC
Về vấn đề công khai bản án quyết định trên cổng thông tin điện tử. Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐTP và Công văn số 144/TANDTC-PC đã quy định khá chi tiết về việc thực hiện công bố bản án trực tuyến đối với từng trường hợp cụ thể.
Ngoài ra, Theo cam kết của Toà án nhân dân tối cao Việt Nam tại Hội nghị Chánh án các nước ASEAN thì đến năm 2025 Việt Nam sẽ chính thức hoàn thành việc xây dựng toà án điện tử. Có thể coi đây là một trong những căn cứ quan trọng trong việc thúc đẩy xây dựng mô hình toà án điện tử tại Việt Nam
Cơ sở thực tiễn
Ngoài các cơ sở pháp lý nêu trên, để việc xây dựng và vận hành mô hình toà án điện tử một cách hiệu qủa thì chúng ta cũng cần phải xem xét các vấn đề thực tiễn. Hiện nay, Việt Nam đang có các cơ sở thực tiễn khá thuận lợi cho việc xây dựng mô hình toà án điện tử, cụ thể như sau:
Hầu hết các toà án truyền thống tại Việt Nam đã được trang bị cơ sở vật chất phù hợp cho các phiên toà trực tuyến như: Amly, tivi, màn chiếu, hệ thống mạng và đường truyền nội bộ,…. Việc trang bị cơ sở vật chất như vậy sẽ là yếu tố quan trọng giúp cho việc xét xử trực tuyến được diễn ra hiệu quả, nhanh chóng và dễ dàng
Đường truyền internet tại Việt Nam khá ổn định. Đồng thời, số lượng người tại Việt Nam được tiếp cận với internet, điện thoại thông minh cũng ở mức cao (khoảng 62.8 triệu người dùng điện thoại thông minh, chiếm 96% lượng người dùng internet). Đây chính là điều kiện để người dân có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng toà án điện tử.
Kinh nghiệm xây dựng toà án điện tử tại Việt Nam
Xây dựng mô hình toà án điện tử sao cho vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm, vừa dễ dàng để người dân tiếp cận là một vấn đề rất khó, cần phải có sự nghiên cứu kỹ càng. Do vậy, chúng ta phải nghiên cứu thật kỹ và tiếp thu kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới. Dựa trên kinh nghiệm của một số quốc gia, chúng ta có thể xem xét và học hỏi một số điều như sau:
Thứ nhất, học hỏi mô hình toà án điện tử tại Australia với một số hệ thống phục vụ cho toà án điện tử như: Ecourt (phòng xử án ảo), (Elodgment) – hệ thống nộp đơn trực tuyến, Ecourt Portal (cổng thông tin chung về toà án điện tử), Hệ thống hội nghị trực tuyến Video Conferencing
Thứ hai, học hỏi kinh nghiệm từ Trung Quốc trong việc áp dụng công nghệ Blockchain trong lữu chứ chứng cứ, hồ sơ, dữ liệu các vụ án điện tử nhằm nâng cao tính bảo mật
Thứ ba, xây dựng, phát triển một số công cụ, phần mềm hỗ trợ thẩm phán, người dân trong khi xét xử. Ví dụ: Tiếp tục phát triển phần mềm trợ lý ảo để hỗ trợ thẩm phán tìm kiếm, tra cứu văn bản pháp lý, án lệ khi phiên toà đang diễễn ra
Thứ tư, kết nối các phần mềm trong hệ thống toà án với nhau cũng như kết nối với các hệ thống khác của chính phủ số như: Cổng thông tin quốc gia về dân cư, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cơ sở dữ liệu quản lý lý lịch tư pháp của người dân,……. nhằm giúp cho việc quản lý dân cư cũng như vận hành các hệ thống được diễn ra nhất quán
Thứ năm, đào tạo nguồn nhân sự ngành toà án với chất lượng cao, nâng cao kiến thức chuyên môn của các cán bộ, công chức, viên chức tư pháp. Việc triển “Chính phủ số” số nói chung và toà án điện tử trong lĩnh vực tư pháp nói riêng cũng đồng nghĩa với việc khối lượng tri thức mới, thông tin cập nhật, tích hợp trên các nền tảng này vô cùng lớn. Đi đôi với vấn đề này, chúng ta cũng cần phải có nguồn nhân lực chất lượng cao để đảm bảo việc hoạt động được diễn ra hiệu quả. Do vậy việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực tư pháp là vô cùng cần thiết
Thứ sáu, cập nhật và xây dựng thêm các quy định pháp lý để phù hợp với vấn đề phát triển toà án điện tử, cần rút gọn các thủ tục, quy trình không cần thiết, đồng thời bổ sung thêm các hướng dẫn cụ thể liên quan đến việc vận hành và xét xử phiên toà trực tuyến.
Trên đây là một số nội dung nghiên cứu của Luật Việt An liên quan đến Kinh nghiệm xây dựng mô hình tòa án điện tử cho Việt Nam. Quý khách hàng có nhu cầu liên quan đến pháp luật hành chính, pháp luật dân sự, pháp luật kinh doanh thương mại xin vui lòng liên hệ Công ty Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất.