Lệ phí cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị thu phát sóng vô tuyến điện
Để đảm bảo an ninh thông tin, ngăn chặn hoạt động vi phạm pháp luật và quản lý hiệu quả tài nguyên tần số, nhà nước có những quy định chặt chẽ đối với hoạt động nhập khẩu, sử dụng thiết bị thu phát sóng vô tuyến điện. Thông qua bài viết dưới đây Luật Việt An sẽ làm rõ cho quý khách về lệ phí cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị thu phát sóng vô tuyến điện.
Lệ phí cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị thu phát sóng vô tuyến điện
Căn cứ Điều 4 Thông tư 184/2016/TT-BTC lệ phí cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị thu phát sóng vô tuyến điện như sau:
Mức thu phí thẩm định điều kiện hoạt động viễn thông đối với đài vô tuyến điện: 2.500.000 đồng/lần.
Mức thu lệ phí cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị phát, thu – phát sóng vô tuyến điện: 200.000 đồng/giấy phép.
Quy định về giấy phép nhập khẩu thiết bị thu phát sóng vô tuyến điện năm 2024
Trước đây, tổ chức cá nhận chỉ được phép nhập khẩu các sản phẩm đã được cài đặt mặc định trước khi nhập khẩu đáp ứng điều kiện kỹ thuật và khai thác (theo Khoản 3, Điều 4 của Thông tư số 46/2016/TT-BTTTT). Tuy nhiên hiện nay, căn cứ Thông tư 08/2021/TT-BTTTT nội dung liên quan đến nhập khẩu đã được loại bỏ, các sản phẩm chỉ cần đáp ứng được điều kiện kỹ thuật và khai thác kèm theo thì sẽ được phép sử dụng (và được chứng nhận hợp quy). Điều này có nghĩa là doanh nghiệp có thể nhập khẩu các sản phẩm có dải tần số hoạt động hoặc công suất phát rộng hơn mức quy định, sau đó sử dụng biện pháp kỹ thuật để điều chỉnh sản phẩm về phù hợp mức quy định trước khi mang đi thử nghiệm, chứng nhận hợp quy và sử dụng. Kèm theo đó, doanh nghiệp hoàn toàn tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng sản phẩm phải phù hợp với điều kiện kỹ thuật và khai thác đã được quy định trong Thông tư 08/2021/TT-BTTTT.
Lệ phí cấp Giấy chứng nhận hợp quy
Căn cứ Thông tư số 183/2016/TT-BTC thì mức thu lệ phí cấp giấy đăng ký công bố hợp chuẩn, hợp quy: 150.000 đồng/giấy đăng ký
Thời điểm nộp lệ phí là thời điểm đăng ký làm thủ tục cấp giấy đăng ký công bố hợp chuẩn, hợp quy
Danh mục thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến
Nhóm thiết bị vô tuyến điện cự ly ngắn
Thiết bị vô tuyến điện cự ly ngắn dùng cho mục đích chung;
Điện thoại không dây
Hệ thống liên lạc dành cho thiết bị y tế cấy ghép (MICS) và Hệ thống đo lường dành cho thiết bị y tế cấy ghép (MITS)
Thiết bị nhận dạng vô tuyến điện (RFID)
Thiết bị cảnh báo và phát hiện vô tuyến điện
Thiết bị âm thanh không dây
Thiết bị điều khiển từ xa vô tuyến điện
Thiết bị mạng nội bộ không dây (WLAN/RLAN)
Thiết bị đo từ xa vô tuyến điện
Thiết bị truyền hình ảnh không dây
Thiết bị vô tuyến điện băng siêu rộng (UWB)
Thiết bị vô tuyến điện cự ly ngắn ứng dụng trong giao thông
Thiết bị vòng từ
Thiết bị sạc không dây
Thiết bị vô tuyến điện đặt trên phương tiện nghề cá
Máy bộ đàm VHF (Very High Frequency);
Đài vô tuyến điện HF (High Frequency);
Thiết bị định vị vệ tinh (GPS)
EPIRB (Emergency Position Indicating Radio Beacon)
Thiết bị liên lạc dùng bộ đàm công suất thấp
Bộ đàm cầm tay;
Thiết bị vô tuyến điện trong mạng diện rộng công suất thấp (LPWAN)
Module truyền thông LPWAN;
Cổng vào (Gateway);
Nhóm thiết bị đầu cuối vô tuyến dùng cho mục đích trợ giúp an toàn, cứu nạn
Thiết bị nhận dạng tự động (AIS)
Thiết bị phao vô tuyến chỉ báo vị trí khẩn cấp (EPIRB)
Thiết bị phát báo tìm kiếm cứu nạn (SART)
Thiết bị nhận dạng tự động phát báo tìm kiếm cứu nạn (AIS-SART)
Thiết bị phao vô tuyến định vị khẩn cấp (ELT)
Thiết bị phao vô tuyến chỉ báo vị trí cá nhân (PLB)
Thiết bị vô tuyến điện chỉ thu
Radio (Đài phát thanh);
Thiết bị thu sóng thời tiết;
Thiết bị thu sóng điện thoại không dây
Thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị thu phát sóng vô tuyến điện
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép
Đơn đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu theo Mẫu 01 Phụ lục II kèm theo Thông tư Thông tư 18/2014/TT-BTTTT hướng dẫn Nghị định 187/2013/NĐ-CP;
Giấy tờ chứng minh tư cách pháp nhân (giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hoặc Quyết định/giấy phép thành lập, hoặc giấy chứng nhận đầu tư/giấy phép đầu tư), chứng minh nhân dân/hộ chiếu: bản sao có chứng thực, trường hợp nộp bản sao không có chứng thực thì khi nộp phải mang theo bản chính để đối chiếu;
Giấy chứng nhận hợp quy: bản sao có xác nhận của người nhập khẩu;
Tài liệu kỹ thuật của thiết bị: bản sao có xác nhận của người nhập khẩu;
Hóa đơn thương mại thể hiện tên, ký hiệu, số lượng thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện nhập khẩu: bản sao có chứng thực, trường hợp nộp bản sao không có chứng thực thì khi nộp phải mang theo bản chính để đối chiếu;
Hợp đồng thương mại hoặc chứng từ, vận đơn trong đó phải thể hiện tên, ký hiệu, số lượng thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện nhập khẩu: bản sao có chứng thực, trường hợp nộp bản sao không có chứng thực thì khi nộp phải mang theo bản chính để đối chiếu.
Thủ tục xin cấp Giấy phép
Địa chỉ tiếp nhận hồ sơ
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu gửi qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại Cục Viễn thông. Địa chỉ, số điện thoại, số Fax của Cục Viễn thông được đăng trên trang thông tin điện tử: www.vnta.gov.vn.
Kết quả hồ sơ
Kết quả xử lý hồ sơ cấp giấy phép nhập khẩu được trả ở nơi tiếp nhận hồ sơ hoặc qua đường bưu chính.
Trình tự và thời hạn cấp giấy phép
Trình tự cấp giấy phép nhập khẩu:
Ngay khi tiếp nhận hồ sơ tại Cục Viễn thông hoặc trong vòng ba (03) ngày làm việc, kể từ ngày Cục Viễn thông nhận được hồ sơ qua đường bưu chính, Cục Viễn thông kiểm tra hồ sơ đề nghị cấp giấy phép của người nhập khẩu, thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ (đối với trường hợp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép chưa đúng quy định pháp luật). Trong vòng năm (05) ngày làm việc kể từ ngày Cục Viễn thông gửi thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ nếu người nhập khẩu không thực hiện yêu cầu sửa đổi, bổ sung thì Cục Viễn thông ra thông báo từ chối cấp giấy phép.
Thời hạn cấp giấy phép nhập khẩu:
Trong thời hạn bảy (07) ngày làm việc kể từ khi Cục Viễn thông nhận được hồ sơ đúng quy định, Cục Viễn thông xem xét và cấp giấy phép nhập khẩu theo Mẫu giấy phép nhập khẩu tại Phụ lục III kèm theo Thông tư này. Trường hợp từ chối cấp giấy phép nhập khẩu, Cục Viễn thông thông báo bằng văn bản cho người nhập khẩu, trong đó nêu rõ lý do từ chối.
Lưu ý khi nhập khẩu thiết bị thu phát sóng vô tuyến điện
Tiêu chuẩn kỹ thuật:
Tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật: Thiết bị nhập khẩu phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật về chất lượng, an toàn và tương thích điện từ theo quy định của Việt Nam.
Xác nhận chất lượng: Bần có các chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất hoặc các tổ chức kiểm định uy tín.
Tần số hoạt động:
Phân bổ tần số: Tần số hoạt động của thiết bị phải được phân bổ hợp pháp và không gây nhiễu cho các hệ thống thông tin khác.
Xin cấp phép sử dụng tần số: Trong nhiều trường hợp, cần xin cấp phép sử dụng tần số từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Thuế và phí:
Lệ phí cấp phép: Nộp lệ phí cấp giấy phép theo quy định hiện hành.
Thuế nhập khẩu: Tùy thuộc vào loại hình thiết bị và quốc gia xuất xứ, sẽ phải nộp các loại thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật thuế.
Các quy định khác:
An toàn thông tin: Thiết bị nhập khẩu phải đảm bảo an toàn thông tin, không được sử dụng cho các mục đích trái pháp luật.
Bảo mật thông tin: Cần bảo mật các thông tin liên quan đến thiết bị và hoạt động nhập khẩu.
Tư vấn chuyên môn:
Luật sư: Để đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật, nên tham khảo ý kiến của luật sư của Luật Việt An chuyên về lĩnh vực này.
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Có thể liên hệ với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được hướng dẫn cụ thể về thủ tục và quy định.
Trên đây là tư vấn của Luật Việt An về lệ phí cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị thu phát sóng vô tuyến điện. Nếu có bất kỳ vướng mắc pháp lý nào khác liên quan đến nhập khẩu thiết bị thu phát sóng vô tuyến điện, xin hãy liên hệ với Luật Việt An để được tư vấn cụ thể và chi tiết hơn. Xin chân thành cảm ơn Quý khách!