Mỹ đã áp thuế 46% đối với 90% hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố áp mức thuế cơ bản 10% đối với hàng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và mức thuế quan cao hơn đối với hàng chục quốc gia có thặng dư thương mại với Mỹ.
Ngoài mức thuế cơ bản 10%, chính quyền Trump cũng sẽ áp dụng thuế đối ứng đối với các quốc gia khác mà Nhà Trắng coi là có sự mất cân bằng thương mại với Mỹ. Mức thuế này sẽ bằng một nửa mức thuế mà các quốc gia đó áp dụng cho hàng xuất khẩu của Mỹ.
Washington cho rằng nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng thương mại 1.200 tỷ USD vào năm ngoái là do thuế quan. Do vậy, Tổng thống Trump thực hiện áp thuế sẽ làm thay đổi sâu rộng đối với các thỏa thuận thương mại đã tồn tại hàng thập kỷ. Mức thuế cao hơn của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến các quốc gia có kim ngạch xuất nhập khẩu bán nhiều hàng hóa cho Mỹ hơn là mua.
Theo đó mức thuế mà Mỹ sẽ áp cho một số nước, và khu vực từ 20% trở lên cụ thể là 34% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, 20% đối với Liên minh châu Âu (EU), 25% đối với Hàn Quốc, 24% đối với Nhật Bản, 32% đối với Đài Loan (Trung Quốc) và 46% đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam.
Cũng tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan bị áp thuế 36%, tiếp theo là Indonesia 32%, Malaysia 24%, Philippines 17%, Singapore 10%.
Nhóm các nước khác chịu mức thuế 10% gồm có Vương quốc Anh, Australia, Colombia, Chile, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ.
Đáng chú ý là Canada và Mexico không nằm trong danh sách bị Mỹ áp thuế đối ứng lần này.
Chia sẻ trên trang cá nhân, Đại sứ Hoàng Anh Tuấn, tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco (Mỹ), cho rằng thuế quan là đòn bẩy mặc định, buộc các nước chấp nhận điều khoản thương mại có lợi cho Mỹ, thay vì dựa vào thể chế đa phương như trước.
Công thức tính thuế dựa trên thâm hụt nghĩa là chuyển từ thuế theo ngành sang thuế quốc gia, dựa trên tỉ lệ thâm hụt thương mại song phương, như Việt Nam (90%) hay Trung Quốc (54% tổng thực tế).
Hàng loạt ngành nghề Việt Nam như đồ gỗ nội thất, dệt may, linh kiện điện tử hay thủy sản sẽ bị ảnh hưởng lớn từ mức thuế nêu trên.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường này năm ngoái đạt hơn 9,1 tỉ USD, chiếm 56% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam.
Tuy nhiên, thị trường nội địa chỉ nhập khẩu khoảng 380 triệu USD nguyên liệu từ nước này, tức xuất siêu 9 tỉ USD.
Đồ gỗ nội thất Việt Nam xuất sang Mỹ phần lớn hưởng thuế 0%, chỉ có tỉ lệ nhỏ chịu thuế 8%. Ngược lại, hàng hóa cùng ngành của Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam có loại chịu thuế từ 20 – 25%.
Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành dệt may Việt Nam, với kim ngạch đạt hơn 10 tỉ USD trong năm 2024, chiếm 40% tổng giá trị xuất khẩu. Nhờ đó, Việt Nam vươn lên vị trí thứ hai thế giới về xuất khẩu dệt may, chỉ sau Trung Quốc, với tổng kim ngạch đạt khoảng 43,5 tỉ USD.
Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu bằng 85% GDP của Việt Nam. Do đó xuất khẩu là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Thuế quan cao hơn đối với xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ đẩy giá cao hơn cho người tiêu dùng Mỹ cũng như làm giảm nhu cầu và doanh số của sản phẩm Việt Nam.
Sự suy giảm trong các ngành xuất khẩu sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng trong nước, vì các doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng tới 30% lực lượng lao động của Việt Nam. Các hạn chế thương mại gia tăng cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng thu hút dòng vốn đầu tư trong tương lai của Việt Nam và làm giảm triển vọng đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 8% vào năm 2025 của Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam và các hiệp hội doanh nghiệp thực hiện sản xuất hàng xuất khẩu phải tập trung tháo ngỡ khó khăn đưa ra những phương án và kế hoạch nhằm nỗ lực giữ được lợi thế xuất nhập khẩu sang Mỹ mà thời gian qua chúng ta đã làm được.
Đây là một trong những thông tin thời sự mà nhiều độc giả quan tâm trong tuần qua. Nếu Quý độc giả thấy thông tin chia sẻ của luật sư Công ty Luật Việt An hữu ích, xin hãy ủng hộ kênh một lượt thích và đăng ký kênh để dễ cập nhật những thông tin pháp luật trong thời gian tới, hoặc chia sẻ thông tin pháp luật doanh nghiệp tới đông đảo người dân hơn nữa.
Xin chân thành cảm ơn Quý độc giả rất nhiều. Xin mến chúc Quý độc giả với nhiều sức khoẻ, bình an và thành công hơn nữa trong công việc và kinh doanh. Xin chào và hẹn gặp lại.