Với xu thế hội nhập quốc tế cũng như xuất phát từ nhu cầu mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh, hoạt động đầu tư ra nước ngoài ngày càng được phát triển mạnh mẽ. Nhằm kiểm soát hoạt động ngoại hối cũng như thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, điều hòa cán cân thanh toán quốc tế đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài, pháp luật đã có những quy định về quản lý ngoại hối khi nhà đầu tư thực hiện chuyển vốn ra nước ngoài. Sau đây, Công ty Luật Việt An sẽ cung cấp các thông tin pháp lý liên quan đến quản lý ngoại hối đầu tư ra nước ngoài.
Căn cứ pháp lý
Luật Đầu tư 2020;
Pháp lệnh ngoại hối năm 2005, được sửa đổi bổ sung năm 2013;
Nghị định số 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư;
Thông tư số 12/2016/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 31/2018/TT-NHNN, Thông tư số 24/2022/TT-NHNN (sau đây gọi tắt là Thông tư 12/2016/TT-NHNN)
Các khái niệm liên quan
Ngoại hối là gì?
Theo Điều 4 của Pháp lệnh ngoại hối năm 2005, được sửa đổi bổ sung năm 2013, ngoại hối bao gồm:
Đồng tiền của quốc gia khác hoặc đồng tiền chung châu Âu và đồng tiền chung khác được sử dụng trong thanh toán quốc tế và khu vực;
Phương tiện thanh toán bằng ngoại tệ, gồm séc, thẻ thanh toán, hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ và các phương tiện thanh toán khác;
Các loại giấy tờ có giá bằng ngoại tệ, gồm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu và các loại giấy tờ có giá khác;
Vàng thuộc dự trữ ngoại hối nhà nước, trên tài khoản ở nước ngoài của người cư trú; vàng dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng trong trường hợp mang vào và mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam;
Đồng tiền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp chuyển vào và chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc được sử dụng trong thanh toán quốc tế.
Đầu tư ra nước ngoài là gì?
Theo Khoản 13 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2020, đầu tư ra đầu tư ra nước ngoài là việc nhà đầu tư chuyển vốn đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài, sử dụng lợi nhuận thu được từ nguồn vốn đầu tư này để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh ở nước ngoài.
Quản lý ngoại hối đầu tư ra nước ngoài
Theo Khoản 3 Điều 55 Luật Đầu tư năm 2020, căn cứ mục tiêu chính sách tiền tệ, chính sách quản lý ngoại hối trong từng thời kỳ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cho nhà đầu tư vay vốn bằng ngoại tệ để thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Ngân hàng Nhà nước đã cụ thể hóa chính sách quản lý ngoại hối đối với đầu tư ra nước ngoài tại Thông tư số 12/2016/TT-NHNN.
Các hoạt động quản lý ngoại hối đầu tư ra nước ngoài bao gồm:
Quy định về việc mở, sử dụng tài khoản vốn đầu tư;
Đăng ký thay đổi giao dịch ngoại hối;
Chuyển ngoại tệ ra nước ngoài trước khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài;
Chuyển lợi nhuận, thu nhập hợp pháp và chuyển vốn đầu tư ở nước ngoài về Việt Nam.
Quy định về mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư
Về mở tài khoản vốn đầu tư
Tài khoản vốn đầu tư ra nước ngoài là tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ hoặc tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam của nhà đầu tư mở tại tổ chức tín dụng được phép tại Việt Nam để thực hiện các giao dịch thu, chi. Nghĩa vụ mở tài khoản vốn đầu tư được quy định như sau:
Theo quy định tại Điều 5 của Thông tư số 12/2016/TT-NHNN, sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư phải mở 01 (một) tài khoản vốn đầu tư bằng 01 (một) loại ngoại tệ phù hợp với nhu cầu chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài tại 01 (một) tổ chức tín dụng được phép và đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài với Ngân hàng Nhà nước. Nhà đầu tư có nhiều dự án đầu tư ở nước ngoài phải mở tài khoản vốn đầu tư riêng biệt cho từng dự án.
Trường hợp dự án đầu tư ở nước ngoài có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư, mỗi nhà đầu tư phải mở tài khoản vốn đầu tư riêng biệt để chuyển vốn ra nước ngoài trong phạm vi tổng vốn đầu tư và tỷ lệ phần vốn góp theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
Về sử dụng tài khoản vốn đầu tư
Nhằm kiểm soát các giao dịch thực hiện qua tài khoản vốn đầu tư, Thông tư số 12/2016/TT-NHNN quy định giao dịch thu, chi trên tài khoản vốn đầu tư.
Các giao dịch thu, chi trên tài khoản vốn đầu tư bằng ngoại tệ được thực hiện theo quy định tại Điều 6 và các giao dịch thu, chi trên tài khoản vốn đầu tư bằng đồng Việt Nam được thực hiện theo quy định tại Điều 7 của Thông tư số 12/2016/TT-NHNN.
Quy định về đăng ký giao dịch ngoại hối
Ngoài các quy định về mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư, để quản lý ngoại hối trước và trong quá trình thực hiện dự án đầu tư ra nước ngoài, Thông tư số 12/2016/TT-NHNN còn quy định về việc đăng ký giao dịch ngoại hối. Đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài là việc nhà đầu tư thực hiện đăng ký với Ngân hàng Nhà nước các thông tin về nhà đầu tư, vốn đầu tư, tài khoản vốn đầu tư mở tại tổ chức tín dụng được phép để thực hiện hoạt động đầu tư tại nước ngoài và tiến độ chuyển vốn đầu tư bằng tiền ra nước ngoài.
Trường hợp phải đăng ký
Nhà đầu tư phải đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài với Ngân hàng Nhà nước:
Sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài của nhà đầu tư còn hiệu lực theo quy định của pháp luật;
Sau khi hoạt động đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận đầu tư chấp thuận hoặc cấp phép hoặc sau khi nhà đầu tư đã được cấp tài liệu chứng minh quyền hoạt động đầu tư tại nước tiếp nhận đầu tư phù hợp quy định pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư;
Sau khi mở tài khoản vốn đầu tư tại tổ chức tín dụng được phép và trước khi thực hiện chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài.
Trình tự thủ tục đăng ký giao dịch ngoại hối
Nhà đầu tư gửi 01 bộ hồ sơ đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định. Hồ sơ bao gồm các tài liệu theo hướng dẫn tại Điều 9 Thông tư số 12/2016/TT-NHNN.
Trình tự thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài được thực hiện theo quy định tại Điều 10 Thông tư số 12/2016/TT-NHNN.
Quy định về chuyển ngoại tệ ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài
Về chuyển ngoại tệ ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài
Nhà đầu tư thực hiện đầu tư ra nước ngoài được chuyển ngoại tệ ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài để đáp ứng các chi phí cho hoạt động hình thành dự án đầu tư ở nước. Theo quy định tại Điều 15 Thông tư số 12/2016/TT-NHNN thì:
Hạn mức chuyển ngoại tệ ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 83 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP. Theo đó, hạn mức chuyển ngoại tệ không vượt quá 5% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài và không quá 300.000 đô la Mỹ, được tính vào tổng vốn đầu tư ra nước ngoài, trừ trường hợp Chính phủ có quy định khác.
Việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài của nhà đầu tư phải được thực hiện thông qua tài khoản ngoại tệ trước đầu tư.
Tổng số tiền chuyển ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài và số tiền đăng ký chuyển ra nước ngoài sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài không vượt quá tổng vốn đầu tư ra nước ngoài bằng tiền theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.
Nguyên tắc mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ trước đầu tư
Khác với tài khoản vốn đầu tư, tài khoản ngoại tệ là tài khoản ngoại tệ trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài là tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ của nhà đầu tư mở tại tổ chức tín dụng được phép tại Việt Nam để chuyển ngoại tệ ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài để đáp ứng các chi phí cho hoạt động hình thành dự án đầu tư ở nước ngoài. Theo quy định tại Điều 16 Thông tư số 12/2016/TT-NHNN thì:
Việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài của nhà đầu tư trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài chỉ được thực hiện thông qua 01 (một) tài khoản ngoại tệ trước đầu tư mở tại 01 (một) tổ chức tín dụng được phép.
Sau khi dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, tài khoản ngoại tệ phải được sử dụng là tài khoản vốn đầu tư và phải đăng ký với Ngân hàng Nhà nước.
Nhà đầu tư có nhu cầu chuyển ngoại tệ ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài cho nhiều dự án đầu tư ở nước ngoài phải mở tài khoản ngoại tệ trước đầu tư riêng biệt cho từng dự án.
Quy định về chuyển lợi nhuận, thu nhập hợp pháp và chuyển vốn đầu tư về Việt Nam
Nhằm quản lý dòng tiền khi tiến hành dự án đầu tư cũng như khi chấm dứt dự án đầu tư ở nước ngoài, pháp luật quy định nhà đầu tư có trách nhiệm chuyển lợi nhuận, thu nhập hợp pháp và chuyển vốn đầu tư về nước sau khi thanh lý, chấm dứt, giảm vốn đầu tư, chuyển nhượng dự án đầu tư. Cụ thể:
Lợi nhuận, vốn đầu tư và các khoản thu hợp pháp về nước trong trường hợp thanh lý, chấm dứt, giảm vốn đầu tư, chuyển nhượng dự án đầu tư phải được chuyển vào tài khoản vốn đầu tư của nhà đầu tư.
Đối với trường hợp chấm dứt dự án đầu tư ra nước ngoài do nhà đầu tư chuyển nhượng toàn bộ vốn đầu tư ở nước ngoài cho nhà đầu tư nước ngoài;, trước khi thực hiện việc chấm dứt dự án và chuyển toàn bộ vốn đầu tư ở nước ngoài cho nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư phải thông báo với Ngân hàng Nhà nước hoặc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi nhà đầu tư đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
Dịch vụ liên quan đến đầu tư ra nước ngoài của Luật Việt An
Tư vấn pháp luật liên quan đến đầu tư ra nước ngoài;
Soạn thảo văn bản, giấy phép liên quan đến thủ tục đầu tư ra nước ngoài;
Đại diện cho khách hàng, liên hệ với cơ quan nhà nước để giải quyết và hoàn thiện thủ tục;
Tư vấn các vấn đề pháp lý sau khi dự án đầu tư đi vào hoạt động.
Quý khách hàng có thắc mắc liên quan hay có nhu cầu hỗ trợ dịch vụ pháp lý liên quan đến quản lý ngoại hối đầu tư ra nước ngoài cũng như thủ tục pháp lý liên quan đến đầu tư ra nước ngoài, xin liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất!