Điều kiện đi máy bay (bao gồm cả nội địa và xuất cảnh) đối với trẻ em được áp dụng theo quy định của Bộ Giao thông vận tải. Với sự phát triển của ngành hàng không, nhu cầu đi lại bằng máy bay ngày càng tăng cao. Việc trẻ em đi máy bay một mình đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ phía phụ huynh và sự hỗ trợ từ các hãng hàng không tuy nhiên không phải tất cả các lứa tuổi trẻ em đều có thể đi máy bay một mình. Thông qua bài viết dưới đây Luật Việt An sẽ làm rõ cho quý khách quy định về trẻ em đi máy bay một mình.
Điều kiện đi máy bay đối với trẻ em
Căn cứ Điều 6 Thông tư số 81/2014/TT-BGTVT ngày 30/12/2014 sửa đổi bởi Thông tư số 21/2020/TT-BGTVT quy định về vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung quy định:
Hãng hàng không có trách nhiệm xây dựng, đăng ký và ban hành Điều lệ vận hành theo quy định pháp luật
Điều lệ vận chuyển phải bao gồm một số nội dung như:
Quyền và nghĩa vụ của người vận chuyển;
Quyền và nghĩa vụ của khách hàng; vé;
Giá dịch vụ vận chuyển và điều kiện áp dụng;
Đặt giữ chỗ;
Lịch bay;
Quyền và nghĩa vụ của người vận chuyển trong trường hợp gián đoạn, chậm chuyến, khởi hành sớm, hủy chuyến bay, từ chối và hạn chế chuyên chở; nghĩa vụ hoàn trả tiền;
Trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại gây ra cho hành khách;
Vận chuyển hành khách đặc biệt
Căn cứ Điều 9 Thông tư số 81/2014/TT-BGTVT thì khách hàng là trẻ em được xem như là hành khách đặc biệt. Do đó mỗi hãng hàng không sẽ xây dựng, ban hành điều lệ vận chuyển riêng của hãng mình, trong điều lệ phải có các quy định cụ thể về từ chối và hạn chế chuyên chở, về vận chuyển hành khách đặc biệt (trẻ em, …).
Do đó, khi trẻ em muốn xuất cảnh bằng đường hàng không bằng hãng hàng không nào cần căn cứ vào quy định của hãng hàng không đó.
Quy định về trẻ em đi máy bay một mình của một số hãng hàng không tại Việt Nam
Quy định trên được phân chia theo từng nhóm tuổi và quốc tịch như sau:
Hãng hàng không Vietjet
Đối với trẻ em từ 2 – 12 tuổi
Trẻ đi máy bay dưới 12 tuổi (2 – 12 tuổi) cần phải tham gia bay cùng người lớn trên 18 tuổi, có thể là cha mẹ hoặc không. Khi bay, người giám hộ và trẻ em phải cung cấp cùng một mã đặt chỗ, nếu không cùng mã đặt chỗ sẽ cần phải có giấy xác nhận đi cùng theo quy định.
Khi tham gia bay, ngoại trừ vé máy bay thì trẻ dưới 12 tuổi cần phải mang theo giấy khai sinh hoặc bản sao khai sinh đã được công chứng.
Đối với khách hàng là trẻ em từ 12 – 14 tuổi đi một mình
Đối với khách nhỏ tuổi đi một mình, Vietjet chỉ chấp nhận vận chuyển các chuyến bay nội địa. Hành khách được chấp nhận vận chuyển sau khi được cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp ký thỏa thuận với đại diện Vietjet và phải có người đưa/ đón tại sân bay khởi hành lẫn điểm đến. Đồng thời, Vietjet chỉ chấp nhận hành khách từ 12 – 14 tuổi đi một mình đặt vé qua Phòng vé và Tổng đài.
Đối với trẻ em có quốc tịch nước ngoài
Trẻ em đi máy bay có quốc tịch nước ngoài sẽ cần chuẩn bị nhiều loại giấy tờ hơn, bao gồm: hộ chiếu, thị thực, giấy thông hành, thẻ tạm trú/ thường trú.
Hãng hàng không Vietnam Airline
Khách hàng là trẻ em từ 2 – 14 tuổi trong từng trường hợp phải có người lớn đi kèm. Trong trường hợp trẻ em trong độ tuổi này đi một mình thì có thể phải đăng ký dịch vụ tiếp viên đi cùng.
Trẻ em đi một mình trên hành trình nội địa
Trẻ từ 2 tuổi đến dưới 6 tuổi phải được đăng ký dịch vụ Trẻ em đi một mình và Tiếp viên đi cùng.
Trẻ từ 6 tuổi đến dưới 12 tuổi:
Dịch vụ bắt buộc: Trẻ em đi một mình;
Dịch vụ tùy chọn: Tiếp viên đi cùng.
Trẻ từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi không cần đăng ký dịch vụ hoặc có thể tùy chọn đăng ký dịch vụ Trẻ em đi một mình/Tiếp viên đi cùng.
Trẻ em đi một mình trên hành trình quốc tế
Trẻ từ 2 tuổi đến dưới 6 tuổi phải được đăng ký dịch vụ Trẻ em đi một mình và Tiếp viên đi cùng.
Trẻ từ 6 tuổi đến dưới 12 tuổi:
Dịch vụ bắt buộc: Trẻ em đi một mình;
Dịch vụ tùy chọn: Tiếp viên đi cùng.
Trẻ từ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi:
Dịch vụ bắt buộc: Trẻ em đi một mình, áp dụng với trường hợp trẻ có quốc tịch Việt Nam trên chuyến bay từ Việt Nam đi quốc tế hoặc có quốc tịch nước ngoài/không có quốc tịch trên chuyến bay từ quốc tế về Việt Nam. Đối với trường hợp khác, hành khách có thể tùy chọn dịch vụ trẻ em đi một mình.
Dịch vụ tùy chọn: Tiếp viên đi cùng.
Trẻ từ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi không cần đăng ký dịch vụ hoặc có thể tùy chọn đăng ký dịch vụ Trẻ em đi một mình/Tiếp viên đi cùng.
Giấy tờ cần mang theo khi trẻ em đi máy bay
Trẻ em đi máy bay cần mang theo giấy tờ nhân thân quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư 42/2023/TT-BGTVT như sau:
Đối với các chuyến bay quốc tế
Căn cứ Phụ lục XIV Thông tư 42/2023/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung Thông tư 13/2019/TT-BGTVT quy định về giấy tờ tùy thân của trẻ em trên chặng bay quốc tế như sau:
Hộ chiếu hoặc giấy thông hành hoặc một trong các giấy tờ khác có giá trị xuất, nhập cảnh như thị thực rời, thẻ thường trú, tạm trú, Căn cước công dân (trong trường hợp Việt Nam và quốc gia liên quan ký kết điều ước hoặc thỏa thuận cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau)…
Nếu trẻ em không có hộ chiếu riêng thì họ tên, ngày, tháng, năm sinh và ảnh của trẻ em được ghi và dán vào hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật, bao gồm: cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi hoặc người giám hộ.
Đối với các chuyến bay nội địa
Trẻ em chưa đủ 14 tuổi hoặc từ đủ 14 tuổi đến trên 14 tuổi không quá 20 ngày
Khi làm thủ tục đi các chuyến bay nội địa phải xuất trình một trong các loại giấy tờ sau:
Giấy khai sinh; trích lục giấy khai sinh; trích lục hộ tịch; văn bản xác nhận thông tin hộ tịch; trường hợp dưới 02 tháng tuổi chưa có giấy khai sinh thì thay bằng giấy chứng sinh;
Tài khoản định danh điện tử mức độ 2; thông tin nhân thân trong Tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ đi cùng chuyến bay.
Trẻ em do tổ chức xã hội đang nuôi dưỡng: Giấy xác nhận của tổ chức xã hội đối với có giá trị sử dụng trong 06 tháng kể từ ngày xác nhận.
Giấy xác nhận nhân thân do cơ quan công an xác nhận các nội dung sau: người xác nhận, cơ quan xác nhận; ngày, tháng, năm xác nhận; họ tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, nơi thường trú; lý do xác nhận. Giấy xác nhận có giá trị trong 30 ngày kể từ ngày xác nhận.
Thẻ Căn cước công dân, hộ chiếu (hộ chiếu riêng/kèm hộ chiếu của cha mẹ).
Trẻ em trên 14 tuổi 20 ngày
Trẻ em từ đủ 14 tuổi trở lên khi làm thủ tục đi các chuyến bay nội địa phải xuất trình một trong các loại giấy tờ hoặc dữ liệu điện tử có giá trị pháp lý tương đương sau:
Hộ chiếu hoặc giấy thông hành, thị thực rời, thẻ thường trú, thẻ tạm trú, Căn cước công dân;
Tài khoản định danh điện tử mức độ 2;
Giấy xác nhận nhân thân do cơ quan công an xác nhận có các thông tin: người xác nhận, cơ quan xác nhận; ngày, tháng, năm xác nhận; họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi thường trú, giới tính của người được xác nhận; lý do xác nhận. Giấy xác nhận có dán ảnh, đóng dấu giáp lai và có giá trị trong 30 ngày kể từ ngày xác nhận.
Yêu cầu về giấy tờ của trẻ em đi máy bay
Theo Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư 42/2023/TT-BGTVT, giấy tờ của trẻ em đi máy bay phải đảm bảo các điều kiện sau:
Là bản chính và còn giá trị sử dụng; hoặc bản điện tử có giá trị pháp lý theo quy định;
Đối với giấy khai sinh; trích lục giấy khai sinh; trích lục hộ tịch; văn bản xác nhận thông tin hộ tịch; giấy chứng sinh: phải là bản chính hoặc bản sao có chứng thực; hoặc bản điện tử có giá trị pháp lý.
Trừ giấy khai sinh; trích lục giấy khai sinh; trích lục hộ tịch; văn bản xác nhận thông tin hộ tịch; giấy chứng sinh thì không chấp nhận giấy tờ khác không có ảnh hoặc ảnh không theo quy định của pháp luật.
Nếu là tài khoản định danh điện tử mức độ 2, giấy khai sinh điện tử thì phải đảm bảo khi xuất trình, tài khoản đang hoạt động bình thường.
Quyền và nghĩa vụ của người giám hộ trẻ em khi đi máy bay
Quyền của người giám hộ
Quyền được hỗ trợ: Người giám hộ có quyền yêu cầu sự hỗ trợ từ nhân viên hàng không trong quá trình làm thủ tục, lên máy bay và chăm sóc trẻ em trong suốt chuyến bay.
Quyền được ưu tiên: Trong một số trường hợp, người giám hộ có thể được ưu tiên làm thủ tục hoặc lên máy bay trước để thuận tiện cho việc chăm sóc trẻ.
Quyền được cung cấp các dịch vụ đặc biệt: Một số hãng hàng không cung cấp các dịch vụ đặc biệt cho trẻ em như bữa ăn trẻ em, đồ chơi, hoặc chỗ ngồi gần lối đi. Người giám hộ có quyền yêu cầu các dịch vụ này.
Nghĩa vụ của người giám hộ
Đảm bảo an toàn cho trẻ: Người giám hộ có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho trẻ trong suốt chuyến bay, bao gồm cả việc thắt dây an toàn, hướng dẫn trẻ về các quy định an toàn trên máy bay.
Cung cấp giấy tờ cần thiết: Người giám hộ cần mang theo đầy đủ giấy tờ tùy thân của trẻ và bản thân, như giấy khai sinh, hộ chiếu (nếu đi quốc tế), và giấy tờ chứng minh mối quan hệ giám hộ (nếu cần).
Tuân thủ quy định của hãng hàng không: Người giám hộ cần tuân thủ các quy định của hãng hàng không về việc mang hành lý, sử dụng các thiết bị điện tử, và các quy định khác liên quan đến trẻ em.
Chịu trách nhiệm về hành vi của trẻ: Người giám hộ chịu trách nhiệm về mọi hành vi của trẻ trong suốt chuyến bay.
Giá vé máy bay của trẻ em
Giá vé máy bay trẻ em sẽ tùy thuộc vào tuổi của bé và mỗi hãng hàng không sẽ có những quy định riêng. Cụ thể như sau:
Giá vé máy bay trẻ em Vietjet Air
Dưới 2 tuổi: Giá vé máy bay cho trẻ em dưới 2 tuổi là 100.000 VNĐ (quốc nội), 200.000 VNĐ (quốc tế).
Từ 2 tuổi trở lên: Giá vé sẽ bằng 100% giá vé của người lớn.
Giá vé máy bay trẻ em Bamboo Airways
Dưới 2 tuổi:Chỉ cần phải trả chi phí phục vụ trên máy bay là 100.000 VNĐ (chưa bao gồm VAT). Lưu ý: Trẻ sẽ không được ngồi ghế riêng mà phải ngồi trong lòng người lớn.
Từ 2 tuổi đến 12 tuổi:Giá vé sẽ được tính bằng 75% giá vé người lớn.
Trên 12 tuổi: Giá vé bằng 100% vé người lớn.
Vé trẻ em đi máy bay Jetstar Pacific
Dưới 2 tuổi: Giá vé sẽ là 150.000 VNĐ/bé (chưa bao gồm thuế & phí).
Giá vé máy bay trẻ em từ 2 tuổi trở lên:Được tính bằng 100% giá vé người lớn.
Trên đây là tư vấn của Luật Việt An về quy định về trẻ em đi máy bay một mình. Nếu có bất kỳ vướng mắc pháp lý nào khác liên quan đến xuất nhập cảnh, xin hãy liên hệ với Luật Việt An để được tư vấn cụ thể và chi tiết hơn. Xin chân thành cảm ơn Quý khách!