Quyền ngăn cấm người khác sử dụng sáng chế được quy định như thế nào?
Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên. Sáng chế là một trong những đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thông qua việc cấp Bằng độc quyền sáng chế. Một trong những quyền lợi của chủ sở hữu sáng chế là quyền ngăn cấm người khác sử dụng sáng chế mà không có sự cho phép. Sau đây, Luật Việt An sẽ tư vấn về quyền này cho quý khách hàng.
Chủ sở hữu sáng chế được hưởng những quyền nào?
Căn cứ theo Điều 123 của Luật Sở hữu trí tuệ, chủ sở hữu sáng chế có các quyền tài sản như sau:
Quyền sử dụng sáng chế: Chủ sở hữu có quyền sử dụng sáng chế của mình như sản xuất sản phẩm; áp dụng quy trình được bảo hộ; khai thác công dụng; lưu thông, quảng cáo; nhập khẩu sản phẩm;…
Quyền cho phép người khác sử dụng sáng chế: Thông qua hợp đồng chuyển nhượng quyền đối với sáng chế, chuyển quyền sử dụng đối với sáng chế,…
Quyền ngăn cấm người khác sử dụng đối với sáng chế mà không có sự cho phép: Nếu không có sự đồng ý của chủ sở hữu, bất kỳ hành vi nào như sao chép, sử dụng, sản xuất, phân phối sáng chế đều bị coi là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Quyền định đoạt đối với sáng chế: như chuyển nhượng, tặng cho hoặc để lại thừa kế sáng chế,…
Quyền ngăn cấm người khác sử dụng sáng chế được quy định như thế nào?
Theo Điều 125 Luật Sở hữu trí tuệ quy định như sau:
“Điều 125. Quyền ngăn cấm người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp
Chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp và tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng hoặc quyền quản lý chỉ dẫn địa lý có quyền ngăn cấm người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp nếu việc sử dụng đó không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
Chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp và tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng hoặc quyền quản lý chỉ dẫn địa lý không có quyền cấm người khác thực hiện hành vi thuộc các trường hợp sau đây:
a) Sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí nhằm phục vụ nhu cầu cá nhân hoặc mục đích phi thương mại hoặc nhằm mục đích đánh giá, phân tích, nghiên cứu, giảng dạy, thử nghiệm, sản xuất thử hoặc thu thập thông tin để thực hiện thủ tục xin phép sản xuất, nhập khẩu, lưu hành sản phẩm;
b)[138] Lưu thông, nhập khẩu, khai thác công dụng của sản phẩm do chủ sở hữu, người được chuyển giao quyền sử dụng, kể cả chuyển giao quyền sử dụng theo quyết định bắt buộc, người có quyền sử dụng trước đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định của Luật này đưa ra thị trường, kể cả thị trường nước ngoài;
c) Sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí chỉ nhằm mục đích duy trì hoạt động của các phương tiện vận tải của nước ngoài đang quá cảnh hoặc tạm thời nằm trong lãnh thổ Việt Nam;
d) Sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp do người có quyền sử dụng trước thực hiện theo quy định tại Điều 134 của Luật này;
đ) Sử dụng sáng chế do người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thực hiện theo quy định tại Điều 145 và Điều 146 của Luật này;…”
Như vậy, chủ sở hữu sáng chế có quyền ngăn cấm người khác sử dụng đối với sáng chế, ngoại trừ một số trường hợp. Điều này có nghĩa là chủ sở hữu sáng chế có quyền bảo vệ quyền lợi của mình, ngăn cấm việc sử dụng trái phép, bảo vệ giá trị của đối tượng sở hữu công nghiệp đối với sáng chế.
Các trường hợp chủ sở hữu không có quyền ngăn cấm người khác sử dụng sáng chế
Sử dụng phục vụ nhu cầu cá nhân hoặc mục đích phi thương mại
Sử dụng sáng chế nhằm phục vụ mục đích sau thì chủ sở hữu không có quyền ngăn cấm người khác sử dụng đối với sáng chế:
Mục đích nhu cầu cá nhân
Mục đích phi thương mại
Mục đích đánh giá, phân tích, nghiên cứu, giảng dạy, thử nghiệm, sản xuất thử
Thu thập thông tin để thực hiện thủ tục xin phép sản xuất, nhập khẩu, lưu hành sản phẩm
Đây là các hành vi không gây ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của chủ sở hữu, vì không tạo ra lợi nhuận hay sự cạnh tranh với sản phẩm chính thức trên thị trường nên pháp luật quy định không có quyền ngăn cấm.
Ví dụ: Một cá nhân sử dụng sáng chế trong một dự án nghiên cứu khoa học không nhằm mục đích thương mại. Hành vi này chủ sở hữu không có quyền ngăn cấm.
Lưu thông, nhập khẩu, khai thác công dụng của sản phẩm do chủ sở hữu, người được chuyển giao quyền sử dụng
Việc lưu thông, nhập khẩu, khai thác công dụng của sản phẩm do chủ sở hữu, người được chuyển giao quyền sử dụng, kể cả chuyển giao quyền sử dụng theo quyết định bắt buộc, người có quyền sử dụng trước sáng chế đưa ra thị trường, kể cả thị trường nước ngoài thì không có quyền ngăn cấm.
Quy định này giúp bảo vệ các giao dịch hợp pháp đã được thực hiện và tránh việc hạn chế việc lưu thông hàng hóa, nhất là trong các trường hợp thương mại quốc tế. Đây cũng là cách để khuyến khích việc tự do trao đổi và phát triển kinh tế toàn cầu.
Ví dụ: Một công ty sở hữu sáng chế về một thiết bị điện tử và đã đưa sản phẩm này ra thị trường. Nếu sản phẩm đó sau này được xuất khẩu hoặc nhập khẩu vào các thị trường khác, chủ sở hữu không thể ngăn cấm việc nhập khẩu, phân phối hoặc sử dụng sản phẩm đó ở nơi khác.
Sử dụng sáng chế để duy trì hoạt động của phương tiện vận tải nước ngoài đang quá cảnh hoặc tạm thời ở Việt Nam
Việc sử dụng sáng chế chỉ nhằm mục đích duy trì hoạt động của các phương tiện vận tải của nước ngoài đang quá cảnh hoặc tạm thời nằm trong lãnh thổ Việt Nam thì chủ sở hữu sáng chế cũng không có quyền ngăn cấm.
Quy định này nhằm đảm bảo các phương tiện quốc tế có thể tiếp tục hoạt động mà không bị gián đoạn, hỗ trợ giao thông và thương mại quốc tế mà không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ sở hữu sáng chế.
Ví dụ: Một chiếc máy bay nước ngoài hạ cánh tạm thời tại sân bay Việt Nam và cần sửa chữa các bộ phận sử dụng sáng chế của một nhà sản xuất nào đó. Chủ sở hữu sáng chế không thể ngăn cấm việc sửa chữa này, vì nó không nhằm mục đích thương mại và chỉ phục vụ cho hoạt động vận tải quốc tế.
Sử dụng sáng chế do người có quyền sử dụng trước
Theo Điều 134 Luật Sở hữu trí tuệ, trường hợp trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên (nếu có) của đơn đăng ký sáng chế mà có người đã sử dụng hoặc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sử dụng sáng chế đồng nhất với sáng chế trong đơn đăng ký nhưng được tạo ra một cách độc lập thì sau khi văn bằng bảo hộ được cấp, người đó có quyền tiếp tục sử dụng sáng chế trong phạm vi và khối lượng đã sử dụng hoặc đã chuẩn bị để sử dụng mà không phải xin phép hoặc trả tiền đền bù cho chủ sở hữu sáng chế được bảo hộ.
Theo đó, việc sử dụng sáng chế do người có quyền sử dụng trước này thì chủ sở hữu sáng chế không có quyền ngăn cấm.
Quy định này bảo vệ quyền lợi hợp lý của các cá nhân, tổ chức đã đầu tư vào việc sử dụng sáng chế trước khi có sự thay đổi quyền sở hữu. Điều này tránh gây thiệt hại cho các đối tượng này và khuyến khích họ duy trì hoạt động sản xuất.
Ví dụ: Nếu một công ty đã sản xuất và bán một sản phẩm sáng chế mà sau đó có chủ sở hữu mới của sáng chế đồng nhất được cấp quyền sở hữu, công ty đó vẫn có quyền tiếp tục sản xuất và bán sản phẩm mà không bị ngừng lại, miễn là việc sử dụng này đã được thực hiện trước khi quyền sở hữu sáng chế được cấp và sáng chế được tạo ra cách độc lập.
Sử dụng sáng chế do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thực hiện
Theo Điều 145 và Điều 146 Luật Sở hữu trí tuệ, trong một số trường hợp, quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không cần được sự đồng ý của người nắm độc quyền sử dụng sáng chế.
Trong trường hợp, chủ sở hữu sáng chế không có quyền ngăn cấm sử dụng sáng chế do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thực hiện.
Quy định này đảm bảo rằng quyền lợi công cộng và nhu cầu khẩn cấp của xã hội có thể được ưu tiên, đặc biệt trong các tình huống cấp bách mà việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ có thể bị tạm thời hạn chế để phục vụ lợi ích chung.
Ví dụ: Trong trường hợp có dịch bệnh, cơ quan nhà nước có thể chuyển giao sáng chế về thuốc hoặc thiết bị y tế cho một cơ sở y tế để sản xuất và cung cấp các sản phẩm cần thiết của cộng đồng mà không cần sự đồng ý của chủ sở hữu sáng chế.
Không thuộc trường hợp không có quyền ngăn cấm sử dụng sáng chế nhưng người khác vẫn sử dụng thì có được coi là hành vi xâm phạm sáng chế không?
Theo Khoản 3 Điều 72 Nghị định 65/2023/NĐ-CP, một trong những căn cứ để xác định hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, đó là “Người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 125”.
Như vậy, nếu hành vi sử dụng sáng chế không thuộc trường hợp không có quyền ngăn cấm người khác sử dụng đối với sáng chế theo Khoản 2 Điều 125 Luật Sở hữu trí tuệ thì có căn cứ để xác định đây là hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế.
Lưu ý việc xác định hành vi xâm phạm quyền còn phải căn cứ vào các yếu tố như: Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ; Có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét; Hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam.
Trên đây là tư vấn về quyền ngăn cấm người khác sử dụng sáng chế. Quý khách hàng có thắc mắc liên quan hay có nhu cầu đăng ký sáng chế, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được tư vấn hỗ trợ tốt nhất!