Trong những năm gần đây, Việt Nam đã chứng kiến một bước nhảy vọt đáng chú ý về số lượng đăng ký nhãn hiệu, phản ánh sự quan trọng ngày càng tăng của quyền sở hữu trí tuệ trong nền kinh tế đang trên đà phát triển của đất nước. Tuy nhiên, sự gia tăng nhanh chóng này cũng đã đưa ra những vấn đề pháp lý về khả năng phân biệt của nhãn hiệu ảnh hưởng đến quá trình thẩm định đơn đăng. Trong bài viết này, Luật Việt An trình bày về các vấn đề pháp liên quan đến việc tạm dừng thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam, nhằm giải quyết các thách thức tiềm ẩn và tìm kiếm cơ hội để cải thiện.
Cơ sở pháp lý
Điều 117 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi bổ sung năm 2022 bắt đầu có hiệu lực ngày 01/01/2023.
Quy đinh về tạm dừng thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu
“Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp thuộc trường hợp quy định tại các khoản 1, 1a và 2 Điều này thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thực hiện các thủ tục sau đây:
Thông báo kết quả thẩm định nội dung, trong đó nêu rõ dự định từ chối cấp văn bằng bảo hộ, lý do và ấn định thời hạn để người nộp đơn có ý kiến phản đối dự định từ chối;
Tạm dừng quy trình thẩm định đơn trong trường hợp người nộp đơn nộp đề nghị tạm dừng thẩm định đơn và yêu cầu chấm dứt hiệu lực hoặc hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu theo trường hợp loại trừ được quy định tại điểm e và điểm h khoản 2 Điều 74 của Luật này. Căn cứ kết quả giải quyết yêu cầu chấm dứt hiệu lực hoặc hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp tiếp tục quy trình thẩm định đơn;
Tạm dừng quy trình thẩm định đơn trong trường hợp nhận được bản sao thông báo thụ lý vụ án của Tòa án có thẩm quyền về việc người thứ ba khởi kiện liên quan đến quyền đăng ký đối tượng sở hữu công nghiệp hoặc nhãn hiệu được đăng ký với dụng ý xấu. Căn cứ kết quả giải quyết của Tòa án, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp tiếp tục quy trình thẩm định đơn;
Quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ nếu người nộp đơn không có ý kiến phản đối hoặc ý kiến phản đối không xác đáng về dự định từ chối quy định tại điểm a khoản này.”.
(Tham khảo Khoản 3, Điều 117 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi bổ sung năm 2022). Quy định về tạm dừng thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu là một trong những điểm mới của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi bổ sung năm 2022.
Các trường hợp tạm dừng thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu
Theo quy định trên đơn đăng ký nhãn hiệu sẽ được tạm dừng nếu thuộc một trong các trường hợp cụ thể như sau:
Chủ đơn nộp đề nghị tạm dừng thẩm định đơn và yêu cầu chấm dứt hiệu lực nhãn hiệu đối chứng do nhãn hiệu xin đăng ký bị coi là tương tự với nhãn hiệu đối chứng theo Điều 74.2e Luật Sở hữu trí tuệ;
Chủ đơn nộp đề nghị tạm dừng thẩm định đơn và yêu cầu chấm dứt hiệu lực nhãn hiệu đối chứng do nhãn hiệu xin đăng ký bị coi là tương tự với nhãn hiệu đối chứng mà đã hết hạn hiệu lực chưa quá 3 năm theo Điều 74.2h Luật Sở hữu trí tuệ ;
Chủ đơn khởi kiện liên quan đến quyền đăng ký đối tượng sở hữu công nghiệp hoặc nhãn hiệu được đăng ký với dụng ý xấu.
Bất cập quy định về tạm dừng thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu
Mặc dù quy định về tạm dừng thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu là một quy định mới của Luật Sở hữu trí tuệ nhưng vẫn còn hạn chế vì quy định tại Khoản 3, Điều 117 Luật Sở hữu trí tuệ là quy định cố định nhưng trên thực tế còn rất nhiều trường hợp cần phải tạm dừng thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu mà luật chưa đề cập tới gây ảnh hưởng nghiệm trọng đến lợi ích của chủ đơn đăng ký nhãn hiệu thực sự. Cụ thể, trường hợp chủ sở hữu nhãn hiệu thực sự nộp đơn đăng ký nhãn hiệu nhưng sau đó phát hiện có chủ thể khác cũng đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu của mình hoặc tương tự của mình và trước đơn của mình. Theo nguyên tắc chủ đơn nhãn hiệu thực sự sẽ làm đơn phản đối đơn nhãn hiệu xâm phạm quyền của mình nhưng chưa nộp đơn khởi kiện ra tòa. Trong trường hợp này, yêu cầu tạm dừng thủ tục thẩm định không được chấp nhận, nhãn hiệu xin đăng ký của chủ nhãn hiệu thực sự, khi đến thời hạn thẩm định nội dung, đơn sẽ bị từ chối. Nếu thủ tục hủy bỏ/chấm dứt hiệu lực không được Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện sớm hơn thời điểm giải quyết khiếu nại của chủ đơn, đơn nhãn hiệu của chủ nhãn hiệu thực sự có thể bị từ chối bảo hộ và chủ nhãn hiệu hết thời hạn khiếu nại. Để tiếp tục theo đuổi, chủ đơn phải nộp lại đơn đăng ký nhãn hiệu. Dẫn tới một loạt sự việc có thể xảy ra trong một vòng luẩn quẩn:
Thứ nhất, vô hình dung dẫn tới trường hợp tăng thêm chi phí cho chủ đơn;
Thứ hai, xảy ra trường hợp bên thứ ba bất kỳ có thể nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tương tự vào giữa khoảng thời gian xử lý đơn phản đối hoặc giữa quy trình thẩm định đơn của chủ nhãn hiệu thực sự, đơn nộp lại của chủ nhãn hiệu thực sự có ngày nộp đơn muộn hơn và tiếp tục bị từ chối theo nguyên tắc nộp đơn đầu tiên.
Thứ ba, trên thực tế, nhiều trường hợp Cục Sở hữu trí tuệ vẫn ra thông báo cấp văn bằng bảo hộ cho đơn nộp lại của người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu dù biết rằng nhãn hiệu ban đầu của chủ nhãn hiệu này đang bị đề nghị chấm dứt hiệu lực. Đồng thời, có đơn nhãn hiệu khác được nộp sớm hơn bởi bên yêu cầu chấm dứt hiệu lực đang được thẩm định.
Theo đó, nếu giải quyết theo hướng này vô hình dung Cục Sở hữu trí tuệ đã đẩy vụ tranh chấp nhãn hiệu vào chỗ không có hồi kết, nếu chủ nhãn hiệu liên tục nộp lại đơn đăng ký nhãn hiệu và phía còn lại tiếp tục nộp đơn phản đối/yêu cầu chấm dứt hiệu lực.
Luật Sở hữu trí tuệ mới được sửa đổi và dù có quy định mới nhưng vẫn chưa giải quyết được triệt để các tình huống phát sinh trên thực tế. Hi vọng các văn bản hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ mới được sửa đổi sẽ khắc phục khoảng trống này.
Quý khách hàng có nhu cầu đăng ký nhãn hiệu, phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu, hủy hiệu lực/chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ nhãn hiệu xin vui lòng liên hệ Công ty luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất!