Tờ khai đăng ký nhãn hiệu hay nhiều người vẫn gọi với cái tên đơn đăng ký nhãn hiệu là thành phần quan trọng không thể thiếu trong hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Hiện nay, hoạt động đăng ký nhãn hiệu không còn xa lạ mà ngày càng trở nên quan trọng và cần thiết bởi nhu cầu tạo nên sự khác biệt đối với các nhãn hiệu khác trong thị trường. Trong bài viết sau đây, Luật Việt An sẽ tổng hợp những quy định về thời hạn xử ý đơn đăng ký nhãn hiệu.
Cơ sở pháp lý
Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2009, 2019, 2022;
Nghị định 65/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ;
Thông tư 23/2023/TT-BKHCN hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ và Nghị định 65/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp;
Thông tư 263/2016/TT-BTC quy định phí, lệ phí sở hữu công nghiệp.
Thời hạn xử lý đơn đăng ký nhãn hiệu là gì?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ theo đó, nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.
Thời hạn xử lý đơn đăng ký nhãn hiệu là tổng thời gian kể từ khi nộp đơn đến khi nhãn hiệu được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hoặc bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ.
Phân biệt nhãn hiệu và thương hiệu theo quy định pháp luật Việt Nam
Tiêu chí
Nhãn hiệu
Thương hiệu
Đăng ký bảo hộ
Được pháp luật bảo hộ. Đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ và có hiệu lực tại thời điểm được cấp văn bằng bảo hộ.
Không được pháp luật bảo hộ. Do doanh nghiệp tự xây dựng và phát triển.
Dấu hiệu nhận biết
Có các dấu hiệu nhận biết và nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh.
Không có dấu hiệu nhận biết cụ thể. Hình thành trong nhận thức của người tiêu dùng.
Thời hạn
10 năm. Chủ sở hữu có thể xin gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần là 10 năm.
Tồn tại lâu dài và không xác định được thời gian tồn tại cụ thể.
Ý nghĩa
Dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.
Dùng để xây dựng, phát triển hình ảnh của doanh nghiệp và sản phẩm của doanh nghiệp đó.
Tại sao cần thiết phải đăng ký nhãn hiệu?
Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là điều cần thiết và có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu: Khi đăng ký nhãn hiệu thành công và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, doanh nghiệp sẽ được pháp luật bảo hộ đối với quyền sử dụng nhãn hiệu đó.
Bảo vệ nhãn hiệu khỏi hành vi xâm phạm của tổ chức, cá nhân khác: Việc đăng ký và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, nhãn hiệu của doanh nghiệp sẽ được pháp luật bảo hộ trước mọi hành vi xâm phạm của tổ chức, cá nhân khác.
Tăng độ nhận diện nhãn hiệu với khách hàng: Đăng ký nhãn hiệu là một phương thức giúp công bố nhãn hiệu của doanh nghiệp tới công chúng.
Khai thác các lợi ích thương mại từ nhãn hiệu được bảo hộ: Sau khi đăng ký nhãn hiệu, doanh nghiệp có thể khai được lợi ích thương mại từ nhãn hiệu của mình như: Sử dụng nhãn hiệu cho sản phẩm, dịch vụ của mình; chuyển giao quyền sử dụng, quyền sở hữu nhãn hiệu…
Hồ sơ thực hiện đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam
Tờ khai đăng ký nhãn hiệu làm theo Phụ lục I – Mẫu số 08 Phụ lục kèm theo Nghị định số 65/2023/NĐ-CP (số lượng 02 bản: 01 bản Cục Sở hữu trí tuệ lưu thực hiện thủ tục, 01 bản còn lại đóng dấu, dán mã vạch trả lại cho người nộp đơn).
Mẫu nhãn hiệu nộp theo đơn: 06 mẫu kèm theo, ngoài 1 mẫu được gắn trên tờ khai, mẫu nhãn cần chuẩn bị ko nhỏ hơn 2cm x 2cm và không lớn hơn 8cm x 8cm. Đối với nhãn hiệu âm thanh thì mẫu nhãn hiệu là tệp âm thanh và bản thể hiện dưới dạng đồ họa của âm thanh đó.
Giấy uỷ quyền cho Luật Việt Nam 01 bản (nếu nộp qua Tổ chức Đại diện Sở hữu trí tuệ Việt An).
Chứng từ nộp lệ phí nộp đơn (01 bản).
Các tài liệu khác (nếu có).
Thời hạn xử lý đơn đăng ký nhãn hiệu theo quy định Việt Nam
Thời hạn xử lý đơn đăng ký nhãn hiệu được thể hiện thông qua quy trình, thủ tục thực hiện đăng ký nhãn hiệu dưới đây:
Bước 1: Nộp đơn đăng ký nhãn hiệu
Sau khi tra cứu chuyên sâu và nhãn hiệu được đánh giá là có khả năng đăng ký, chủ đơn tiến hành nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ
Bước 2: Thẩm định hình thức đơn đăng ký nhãn hiệu.
Thời hạn thẩm định hình thức đơn nhãn hiệu 01 tháng kể từ ngày nộp đơn.
Cục Sở hữu trí tuệ sẽ xem xét đơn có đủ điều kiện về hình thức, mẫu nhãn, chủ sở hữu đơn, quyền nộp đơn, phân nhóm,…
Nếu đơn đăng ký của doanh nghiệp đáp ứng điều kiện. Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra Thông báo chấp nhận đơn hợp lệ và cho đăng công báo sở hữu công nghiệp.
Nếu đơn đăng ký của doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra Thông báo không chấp nhận đơn và đề nghị doanh nghiệp sửa đổi. Chủ đơn, đại diện chủ đơn tiến hành sửa đổi theo yêu cầu. Sau đó, tiến hành nộp công văn sửa đổi cho Cục sở hữu trí tuệ và nộp lệ phí bổ sung nếu phân loại nhóm sai.
Bước 3: Công bố đơn
Thời hạn công bố đơn nhãn hiệu: 02 tháng kể từ ngày có Thông báo chấp nhận đơn hợp lệ.
Hình thức công bố: Trang website của Cục Sở hữu trí tuệ và Công báo Sở hữu công nghiệp.
Bước 4: Thẩm định nội dung đơn
Thời hạn thẩm định nội dung: 09 tháng kể từ ngày công bố đơn.
Cục Sở hữu trí tuệ xem xét các điều kiện đăng ký nhãn hiệu. Trên cơ sở đó, đánh giá khả năng cấp văn bằng cho nhãn hiệu mà chủ đơn đã đăng ký. Nếu đơn đáp ứng đủ điều kiện thì Cục Sở hữu trí tuệ ra Thông báo dự định cấp văn bằng bảo hộ độc quyền nhãn hiệu.
Nếu đơn không đáp ứng đủ điều kiện. Cục Sở hữu trí tuệ ra Thông báo không cấp văn bằng cho nhãn hiệu mà chủ đơn đã đăng ký. Chủ đơn nhãn hiệu xem xét và gửi công văn trả lời quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ. Chủ đơn đưa ra các căn cứ để cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu cho nhãn hiệu của mình. Trường hợp Cục sở hữu trí tuệ vẫn từ chối lý do phúc đáp, chủ đơn có thể lựa chọn thủ tục khiếu nại quyết định từ chối.
Bước 5: Cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
Sau khi chủ nhãn hiệu đã thực hiện nộp lệ phí vấp văn bằng, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ cấp văn bằng bảo hộ độc quyền nhãn hiệu trong khoảng thời gian từ 2-3 tháng kể từ ngày đóng lệ phí.
Như vậy, thời gian xử lý đơn đăng ký nhãn hiệu khoảng 12 – 18 tháng kể từ khi có chấp nhận đơn hợp lệ. Tuy nhiên thời hạn này có thể kéo dài hơn trên thực tế do số lượng đơn quá tải. Việc nắm bắt rõ quá trình và theo dõi tiến trình nộp đơn kịp thời khi xảy ra chậm trễ được thực hiện bởi Luật Việt An khi quý khách sử dụng dịch vụ đại diện Sở hữu trí tuệ của chúng tôi sẽ giúp việc xử lý đơn được nhanh chóng và đúng quy định nhất.
Phí, lệ phí trong quá trình xử lý đơn đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam
Lệ phí nộp đơn
Lệ phí nộp đơn: 150.000 đồng/01 nhãn hiệu, 01 nhóm hàng hóa dịch vụ; Đối với mỗi nhóm sản phẩm/dịch vụ đăng ký bảo hộ có trên 6 sản phẩm/dịch vụ đăng ký, phí phải nộp thêm cho mỗi sản phẩm/dịch vụ từ thứ 7 trở đi cộng thêm;
Phí thẩm định nội dung: 550.000 đồng;
Phí công bố đơn: 120.000 đồng.
Lệ phí cấp văn bằng bảo hộ
Sau khi nhận được thông báo dự định cấp văn bằng bảo hộ, chủ đơn tiến hành nộp lệ phí cấp bằng.
Lệ phí cấp văn bằng bảo hộ: 120.000 đồng;
Đối với mỗi nhóm sản phẩm/dịch vụ bảo hộ tăng thêm, lệ phí cấp giấy chứng nhận tăng thêm: 100.000 đồng.
Phí đăng bạ: 120.000 đồng;
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn hay tìm hiểu kỹ hơn về đơn đăng ký nhãn hiệu nói riêng và tìm hiểu thêm về đăng ký sở hữu công nghiệp nói chung, xin vui lòng liên hệ Công ty luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất.