Ở Việt Nam, lượng ô tô được tiêu thụ ngày càng lớn và gia tăng qua các năm. Tuy nhiên, so với các nước khác trong khu vực và trên thế giới thì tỷ lệ người dân sử dụng phương tiện ô tô còn thấp, thường là những đối tượng có mức thu nhập cao. Lý do là vì việc sản xuất ô tô trong nước còn rất hạn chế, hơn nữa, để sở hữu một chiếc ô tô, người tiêu dùng phải chịu rất nhiều loại thuế khác nhau. Tuy nhiên, thị trường ô tô là một thị trường tiềm năng và đang thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đối với những chủ thể kinh doanh ô tô cần lưu ý những thủ tục pháp lý được trình bày trong bài viết dưới đây của Luật Việt An.
Dựa vào Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc Phụ lục IV Luật Đầu tư 2020 thì kinh doanh ô tô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cụ thể “sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô”. Các điều kiện để kinh doanh lĩnh vực ô tô được quy định cụ thể tại Nghị định 116/2017/NĐ-CP với nội dung cụ thể như sau:
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường kinh doanh ô tô
Các dịch vụ được cam kết mở cửa theo Biểu cam kết WTO:
Dịch vụ sản xuất
Dịch vụ phân phối (đại lý hoa hồng, bán buôn, bán lẻ)
Dịch vụ nhượng quyền thương mại
Các hạn chế áp dụng với nhà đầu tư nước ngoài tại thời điểm hiện tại: Việc thành lập các cơ sở bán lẻ (ngoài cơ sở thứ nhất) sẽ được xem xét trên cơ sở kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT).
Điều kiện kinh doanh bán lẻ ô tô
Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thuộc nước, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có cam kết mở cửa thị trường cho hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa:
Có kế hoạch về tài chính để thực hiện hoạt động đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh;
Không còn nợ thuế quá hạn trong trường hợp đã thành lập tại Việt Nam từ 01 năm trở lên.
Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài không thuộc nước, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, thì ngoài các điều kiện trên nhà đầu tư còn phải đáp ứng thêm các tiêu chí sau:
Phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành;
Phù hợp với mức độ cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước trong cùng lĩnh vực hoạt động;
Khả năng tạo việc làm cho lao động trong nước;
Khả năng và mức độ đóng góp cho ngân sách nhà nước.
Điều kiện kinh doanh nhập khẩu ô tô
Chỉ doanh nghiệp mới được xem xét cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô. Doanh nghiệp được quyền nhập khẩu ô tô sau khi đáp ứng các điều kiện và được cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô theo quy định tại Nghị định 116/2017/NĐ-CP.
Doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải tuân thủ các quy định về quản lý nhập khẩu ô tô tại Nghị định 116/2017/NĐ-CP và các văn bản pháp luật có liên quan.
Doanh nghiệp thành lập theo quy định của pháp luật được cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô khi đáp ứng các điều kiện sau:
Có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô thuộc sở hữu của doanh nghiệp, hoặc do doanh nghiệp ký hợp đồng thuê, hoặc thuộc hệ thống đại lý ủy quyền của doanh nghiệp đáp ứng quy định tại Nghị định này.
Có văn bản xác nhận hoặc tài liệu chứng minh doanh nghiệp được quyền thay mặt doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài thực hiện lệnh triệu hồi ô tô nhập khẩu tại Việt Nam.
Lưu ý: Đối với nhập khẩu: ô tô chuyên dùng, ô tô chở người chuyên dùng và ô tô chở hàng chuyên dùng theo định nghĩa tại TCVN 6211: Phương tiện giao thông đường bộ – Kiểu – Thuật ngữ và định nghĩa; TCVN 7271: Phương tiện giao thông đường bộ – Ô tô – Phân loại theo mục đích sử dụng sẽ không phải thực hiện xin cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu nêu trên.
Điều kiện kinh doanh cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô
Doanh nghiệp thành lập theo quy định của pháp luật được cấp Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô khi đáp ứng các điều kiện sau:
Nhà xưởng hợp pháp;
Có các khu vực thực hiện các công việc tiếp nhận, bàn giao, bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm tra xuất xưởng, có nhà điều hành, kho linh kiện, phụ kiện, khu vực rửa xe đáp ứng được công việc.
Trang thiết bị đáp ứng Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11794 Tiêu chuẩn cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa ô tô và các phương tiện tương tự;
Có đội ngũ nhân lực và hệ thống quản lý chất lượng đảm bảo chất lượng cho việc bảo hành, bảo dưỡng ô tô.
Có cam kết về việc hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp linh kiện, phụ kiện phục vụ việc bảo hành, bảo dưỡng ô tô của:
Doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước (trong trường hợp cung cấp dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước);
Hoặc doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài (trong trường hợp cung cấp dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng cho doanh nghiệp nhập khẩu ô tô).
Điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô
Doanh nghiệp muốn kinh doanh lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô thì phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô. Để được cấp Giấy chứng nhận, công ty phải đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất sau đây :
Doanh nghiệp phải có quyền sử dụng hợp pháp đối với nhà xưởng, dây chuyền công nghệ lắp ráp, dây chuyền hàn, dây chuyền sơn, dây chuyền kiểm tra chất lượng sản phẩm và đường thử ô tô đáp ứng các yêu cầu tối thiểu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 116/2017/NĐ-CP;
Có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô thuộc sở hữu của doanh nghiệp, hoặc do doanh nghiệp ký hợp đồng thuê, hoặc thuộc hệ thống đại lý ủy quyền của doanh nghiệp đáp ứng quy định tại Nghị định 116/2017/NĐ-CP.
(Theo quy định tại Điều 7, Nghị định 116/2017/NĐ-CP. Lưu ý: Nội dung khoản 2, 3, 4, 5 bị bãi bỏ bởi Khoản 2 Điều 2 Nghị định 17/2020/NĐ-CP).
Điều kiện nhập khẩu ô tô
Về điều kiện nhập khẩu ô tô, doanh nghiệp đáp ứng điều kiện quy định tại các Điều 14, 15 của Nghị định 116/2017/NĐ-CP, cụ thể:
Chỉ xem xét cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô cho doanh nghiệp.
Có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô thuộc sở hữu của doanh nghiệp, hoặc do doanh nghiệp ký hợp đồng thuê, hoặc thuộc hệ thống đại lý ủy quyền của doanh nghiệp đáp ứng quy định tại Nghị định 116/2017/NĐ-CP.
Có văn bản xác nhận hoặc tài liệu chứng minh doanh nghiệp được quyền thay mặt doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài thực hiện lệnh triệu hồi ô tô nhập khẩu tại Việt Nam.
Ngoài các hoạt động chính nêu trên, thì trong kinh doanh ô tô, chủ doanh nghiệp có thể tham khảo kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô. Về điều kiện để thành lập công ty kinh doanh ô tô ở các lĩnh vực này thì Quý khách hàng có thể tìm hiểu tại Điều 21 Nghị định 116/2017/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Khoản 4 Điều 2 Nghị định 17/2020/NĐ-CP, sẽ có liên quan tới các điều kiện như là: nhà xưởng; mặt bằng; dụng cụ thiết bị bảo hành; đội ngũ nhân lực; linh kiện, phụ kiện phục vụ việc bảo hành, bảo dưỡng ô tô.
Giấy tờ cần chuẩn bị để thành lập công ty kinh doanh ô tô
Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
Điều lệ công ty;
Danh sách thành viên hoặc cổ đông công ty (nếu là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần);
Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực:
Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các thành viên là cá nhân;
Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức và văn bản ủy quyền; Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức;
Quyết định góp vốn đối với thành viên là tổ chức;
Giấy uỷ quyền cho Luật Việt An (trong trường hợp lựa chọn dịch vụ của công ty).
Ngành nghề đăng ký công ty kinh doanh ô tô
TÊN NGÀNH NGHỀ
MÃ NGÀNH
Bán buôn ô tô và xe có động cơ khác. Chi tiết:
– Bán buôn ô tô con (loại 12 chỗ ngồi trở xuống)
– Ô tô chở khách loại trên 12 chỗ ngồi, kể cả xe chuyên dụng như xe cứu thương;
– Ô tô vận tải, kể cả loại chuyên dụng như xe bồn, xe đông lạnh, rơ-moóc và bán rơ-moóc;
– Ô tô chuyên dụng: xe chở rác, xe quét đường, xe phun nước, xe trọng bê tông…;
– Xe vận chuyển có hoặc không gắn thiết bị nâng hạ, cặp giữ loại dùng trong nhà máy, kho hàng, sân bay, bến cảng, sân ga xe lửa.
4511
Bán lẻ ô tô con (loại 12 chỗ ngồi trở xuống)
4512
Đại lý ô tô và xe có động cơ khác. Chi tiết:
Đại lý ô tô con (loại 12 chỗ ngồi trở xuống)
Đại lý xe có động cơ khác: – Ô tô chở khách loại trên 12 chỗ ngồi, kể cả xe chuyên dụng như xe cứu thương;
– Ô tô vận tải, kể cả loại chuyên dụng như xe bồn, xe đông lạnh, rơ-moóc và bán rơ-moóc;
– Ô tô chuyên dụng: xe chở rác, xe quét đường, xe phun nước, xe trọng bê tông…;
– Xe vận chuyển có hoặc không gắn thiết bị nâng hạ, cặp giữ loại dùng trong nhà máy, kho hàng, sân bay, bến cảng, sân ga xe lửa
4513
Bảo dưỡng, sửa chữa ô tô và xe có động cơ khác. Chi tiết:
– Hoạt động bảo dưỡng và sửa chữa ô tô:
+ Sửa chữa phần cơ, phần điện, hệ thống đánh lửa tự động,
+ Bảo dưỡng thông thường,
+ Sửa chữa thân xe,
+ Sửa chữa các bộ phận của ô tô.
4520
Bán phụ tùng và các bộ phận phụ trợ của ô tô và xe có động cơ khác.
4530
Đại lý,môi giới, đấu giá. Chi tiết:
Đại lý
4610
Hoạt động dịch vụ hỗ trợ kinh doanh khác. Chi tiết:
Xuất nhập khẩu các mặt hàng công ty kinh doanh
8299
Cần làm gì sau khi nộp hồ sơ đăng ký công ty?
Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp cần thực hiện thông báo công khai trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần lưu ý thời hạn thông báo và phải nộp phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp.
Khắc dấu doanh nghiệp
Doanh nghiệp tự quyết định về hình thức, số lượng, nội dung và mẫu con dấu mà không cần đăng ký với cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, dấu cần thể hiện các thông tin cơ bản về mã số doanh nghiệp, sở KHĐT quản lý, tên doanh nghiệp.
Thực hiện các thủ tục sau thành lập công ty
Treo biển tại trụ sở công ty;
Thông báo áp dụng phương pháp tính thuế;
Mở tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp, đăng ký mẫu 08 tài khoản ngân hàng với cơ quan thuế, đăng ký nộp thuế điện tử;
Đăng ký chữ ký số điện tử thực hiện nộp thuế điện tử;
In và đặt in hóa đơn;
Kê khai và nộp thuế môn bài;
Góp vốn đầy đủ đúng hạn trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày cấp đăng ký kinh doanh.
Có được kinh doanh nhập khẩu ô tô cũ tại Việt Nam không?
Việc nhập khẩu ô tô cũ trước đây phải tuân thủ các quy định tại Khoản 1 Điều 6 Thông tư 04/2014/TT-BCT có quy định về điều kiện nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng như sau:
“Ô tô các loại đã qua sử dụng (bao gồm ô tô chở người, ô tô chở hàng hoá, ô tô vừa chở người vừa chở hàng, ô tô chuyên dùng) được nhập khẩu phải bảo đảm điều kiện sau: loại đã qua sử dụng không quá 5 (năm) năm, tính từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu (ví dụ: năm 2014 chỉ được nhập khẩu ô tô loại sản xuất từ năm 2009 trở lại đây). Các quy định khác có liên quan thực hiện theo hướng dẫn của các Bộ quản lý chuyên ngành.”
Theo đó, khi nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng, doanh nghiệp cần đáp ứng ô tô nhập khẩu qua sử dụng không quá 5 năm.
Quy định này vẫn áp dụng theo quy định hiện hành tại của Nghị định 69/2018/NĐ-CP. Với ô tô đã qua sử dụng trên 5 năm, theo quy định Điều 25 Nghị định trên: Doanh nghiệp kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa đã qua sử dụng phải ký quỹ là 7 tỷ đồng Việt Nam tại tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Trên đây là bài viết của Luật Việt An về điều kiện thành lập công ty kinh doanh ô tô và những kiến thức liên quan. Quý khách hàng có nhu cầu tìm hiểu kỹ hơn về điều kiện thành lập công ty kinh doanh ô tô, xin vui lòng liên hệ Công ty Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất.