Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu có giá trị chứng minh quyền sở hữu hợp pháp của cá nhân, tổ chức đối với nhãn hiệu. Tuy nhiên, một vấn đề mà Quý khách hàng cần lưu ý là văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chỉ có hiệu lực trong một thời hạn mà pháp luật quy định. Điều này đồng nghĩa với việc nhãn hiệu dù đã đăng ký nhưng pháp luật có giới hạn về mặt thời gian. Vậy, thời hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ là bao lâu? Mời Quý khách hàng cùng theo dõi câu trả lời qua bài viết sau đây của Luật Việt An.
Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu là gì?
Văn bằng bảo hộ là văn bản do cơ quan có thẩm quyền cấp cho các cá nhân, tổ chức đăng ký và đáp ứng các điều kiện được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu. Theo quy định tại Điều 92 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022), văn bằng bảo hộ nhãn hiệu sẽ ghi nhận chủ sở hữu nhãn hiệu (thường gọi là chủ văn bằng bảo hộ).
Đối với đối tượng quyền sở hữu công nghiệp là nhãn hiệu thi văn bằng bảo hộ được gọi cụ thể là Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Thời hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ nhãn hiệu
Theo quy định tại Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022), văn bằng bảo hộ có giá trị trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Thời hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ nhãn hiệu là 10 năm, kể từ ngày nộp đơn. Hết thời hạn này, nếu chủ sở hữu nhãn hiệu vẫn có nhu cầu sử dụng nhãn hiệu thì có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần gia hạn là 10 năm.
Tuy nhiên, văn bằng bảo hộ có thể hết hiệu lực trước thời hạn nêu trên nếu thuộc một trong những trường hợp sau:
Chủ văn bằng bảo hộ không nộp phí, lệ phí để duy trì hiệu lực hoặc gia hạn hiệu lực theo quy định;
Chủ văn bằng bảo hộ tuyên bố từ bỏ quyền sở hữu công nghiệp;
Chủ văn bằng bảo hộ không còn tồn tại hoặc chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu không còn hoạt động kinh doanh mà không có người kế thừa hợp pháp;
Nhãn hiệu không được chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu cho phép sử dụng trong thời hạn năm năm liên tục trước ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực mà không có lý do chính đáng, trừ trường hợp việc sử dụng được bắt đầu hoặc bắt đầu lại trước ít nhất ba tháng tính đến ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực;
Chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với nhãn hiệu tập thể không kiểm soát hoặc kiểm soát không có hiệu quả việc thực hiện quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể;
Chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với nhãn hiệu chứng nhận vi phạm quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận hoặc không kiểm soát, kiểm soát không có hiệu quả việc thực hiện quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận;
Việc sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ bởi chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc người được chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép làm cho người tiêu dùng hiểu sai lệch về bản chất, chất lượng hoặc nguồn gốc địa lý của hàng hóa hoặc dịch vụ đó;
Nhãn hiệu được bảo hộ trở thành tên gọi thông thường của hàng hóa, dịch vụ đăng ký cho chính nhãn hiệu đó.
Văn bằng bảo hộ hết hạn thì nhãn hiệu còn được bảo hộ không?
Theo quy định về thời hạn của văn bằng bảo hộ được đề cập nêu trên thì nhãn hiệu sẽ không còn được bảo hộ khi Văn bản hảo hộ hết hạn. Tuy nhiên, theo quy định tại điểm h khoản 2 Điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022), thì dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của tổ chức, cá nhân khác đã được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự mà đăng ký nhãn hiệu đó đã chấm dứt hiệu lực chưa quá 03 năm, trừ trường hợp đăng ký nhãn hiệu đó bị chấm dứt hiệu lực vì một trong 02 lý do sau đây:
Nhãn hiệu không được chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu cho phép sử dụng trong thời hạn năm năm liên tục trước ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực mà không có lý do chính đáng, trừ trường hợp việc sử dụng được bắt đầu hoặc bắt đầu lại trước ít nhất ba tháng tính đến ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực.
Tạm dừng quy trình thẩm định đơn trong trường hợp người nộp đơn nộp đề nghị tạm dừng thẩm định đơn và yêu cầu chấm dứt hiệu lực hoặc hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu theo trường hợp loại trừ được quy định tại điểm e và điểm h khoản 2 Điều 74 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022). Căn cứ kết quả giải quyết yêu cầu chấm dứt hiệu lực hoặc hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp tiếp tục quy trình thẩm định đơn.
Như vậy, nếu không thuộc hai trường hợp nêu trên, dù văn bằng bảo hộ đã hết hạn nhưng không quá 03 năm thì các cá nhân, tổ chức khác cũng không có quyền đăng ký dấu hiệu trùng hoặc tương tự nhãn hiệu mà chủ sở hữu (đối với văn bản bằng bảo hộ đã hết hạn) đã đăng ký trước đó.
Mặc dù vậy, nếu văn bằng bảo hộ đã hết hạn 06 tháng trở lên (tức là hết quyền gia hạn muộn) thì chủ sở hữu nhãn hiệu buộc phải thực hiện thủ tục đăng ký lại nhãn hiệu. Việc đăng lý lại nhãn hiệu sẽ phức tạp hơn so với việc gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ. Tuy nhiên đây là thủ tục bắt buộc nếu chủ sở hữu muốn tiếp tục sử dụng nhãn hiệu độc quyền.
Thủ tục gia hạn văn bằng bảo hộ nhãn nhiệu
Chuẩn bị hồ sơ
Theo quy định tại khoản 2 Điều 31 Nghị định số 65/2023/NĐ-CP, hồ sơ gia hạn văn bản bao hộ nhãn hiệu bao gồm:
Tờ khai yêu cầu gia hạn hiệu lực làm theo Mẫu số 07 tại Phụ lục II của Nghị định này;
Bản gốc Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (trường hợp văn bằng bảo hộ được cấp dưới dạng giấy và có yêu cầu ghi nhận việc gia hạn vào văn bằng bảo hộ);
Văn bản ủy quyền (trường hợp yêu cầu được nộp thông qua đại diện);
Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp).
Lưu ý: Trong một hồ sơ có thể yêu cầu gia hạn hiệu lực cho một hoặc nhiều văn bằng bảo hộ nếu có cùng loại đối tượng và cùng chủ sở hữu.
Lệ phí gia hạn hiệu lực: cho mỗi nhóm sản phẩm/dịch vụ là 100.000 VND
Lưu ý: Đơn yêu cầu gia hạn có thể nộp muộn hơn thời hạn quy định nêu trên nhưng không được quá 06 tháng kể từ ngày Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hết hiệu lực và phải nộp lệ phí gia hạn cộng với 10% lệ phí gia hạn cho mỗi tháng nộp muộn.
Qua bài viết trên, Luật Việt An đã giải đáp các vướng mắc của Quý khách hàng về thời hạn văn bảo hộ nhãn hiệu. Nếu còn vướng mắc về nội dung bài viết hoặc có yêu cầu hỗ trợ về các vấn đề pháp lý khác, Quý khách hàng vui lòng liên hệ tới Luật Việt An để được hỗ trợ kịp thời.