Trong bối cảnh kinh doanh ngày càng cạnh tranh, việc chuyển nhượng nhãn hiệu giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa tài sản sở hữu trí tuệ và mở rộng thương hiệu một cách hiệu quả. Tuy nhiên, để hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu có giá trị pháp lý và tránh các tranh chấp phát sinh, việc thực hiện thủ tục đăng ký hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ là bắt buộc. Bài viết sau đây Luật việt An sẽ cung cấp đầy đủ thông tin và hướng dẫn chi tiết về hồ sơ, trình tự thực hiện và những lưu ý quan trọng khi đăng ký hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu, giúp doanh nghiệp thực hiện đúng quy định pháp luật.
Hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu là gì?
Hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu là sự thỏa thuận giữa bên chuyển nhượng (chủ sở hữu nhãn hiệu) và bên nhận chuyển nhượng (cá nhân hoặc tổ chức khác) nhằm chuyển giao quyền sở hữu nhãn hiệu từ bên chuyển nhượng sang bên nhận chuyển nhượng.
Các điều kiện để chuyển nhượng nhãn hiệu được quy định như sau:
Việc chuyển nhượng nhãn hiệu bắt buộc phải được lập thành hợp đồng bằng văn bản.
Hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu chỉ có hiệu lực khi đã được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ – cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam.
Nếu bên chuyển nhượng nhãn hiệu có tên thương mại trùng với nhãn hiệu được chuyển nhượng, thì phải thực hiện thay đổi tên thương mại trước khi chuyển nhượng để tránh xung đột quyền với bên nhận chuyển nhượng.
Căn cứ xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu
Theo Điều 10 Nghị định 65/2023/NĐ-CP quy định:
Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp cấp văn bằng bảo hộ cho người nộp đơn đăng ký các đối tượng đó.
Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu đăng ký quốc tế theo Thỏa ước Madrid và Nghị định thư Madrid được xác lập trên cơ sở chấp nhận bảo hộ của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp đối với đăng ký quốc tế đó.
Quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp đăng ký quốc tế theo Thỏa ước La Hay được xác lập trên cơ sở chấp nhận bảo hộ của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp đối với đăng ký quốc tế đó.
Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở thực tiễn sử dụng rộng rãi nhãn hiệu đó mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký.
Tóm lại, quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu được xác lập khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ cho người nộp đơn hoặc chấp nhận bảo hộ đối với đăng ký quốc tế theo Thỏa ước Madrid, Nghị định thư Madrid và Thỏa ước La Hay. Riêng nhãn hiệu nổi tiếng, quyền sở hữu được xác lập dựa trên thực tiễn sử dụng rộng rãi mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký.
Thủ tục đăng ký hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu bao gồm:
Tờ khai đăng ký hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu;
Giấy uỷ quyền (nếu nộp hồ sơ thông qua đại diện)
Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ)
01 bản hợp đồng (bản gốc hoặc bản sao được chứng thực theo quy định). Nếu hợp đồng làm bằng ngôn ngữ khác tiếng Việt thì phải kèm theo bản dịch hợp đồng ra tiếng Việt; hợp đồng có nhiều trang thì từng trang phải có chữ ký xác nhận của các bên hoặc đóng dấu giáp lai.
Bản gốc văn bằng bảo hộ
Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu về việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp, nếu quyền sở hữu công nghiệp tương ứng thuộc sở hữu chung
Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận và tài liệu chứng minh quyền nộp đơn của Bên nhận chuyển nhượng trong trường hợp chuyển nhượng nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể.
Bước 2: Nộp hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu
Nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến Cục Sở hữu trí tuệ tại:
Trụ sở chính: Hà Nội.
Văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh hoặc Đà Nẵng.
Bước 3: Thẩm định hồ sơ
Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận và xem xét hồ sơ theo trình tự:
Kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ.
Xem xét nội dung hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu, đảm bảo không vi phạm pháp luật hoặc gây nhầm lẫn.
Bước 4: Ra quyết định và ghi nhận chuyển nhượng
Trường hợp hồ sơ đăng ký không có thiếu sót:
Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định ghi nhận[1] chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp;
Ghi nhận vào Văn bằng bảo hộ chủ sở hữu mới; trong trường hợp chuyển nhượng một phần danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ thì cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu mới cho bên nhận và xác định giới hạn danh mục hàng hóa/dịch vụ trong Văn bằng bảo hộ gốc đối với phần chuyển nhượng đó;
Ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp;
Công bố quyết định ghi nhận chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp trên Công báo sở hữu công nghiệp.
Trường hợp hồ sơ đăng ký có thiếu sót:
Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo dự định từ chối đăng ký hợp đồng, nêu rõ các thiếu sót của hồ sơ để người nộp hồ sơ sửa chữa các thiếu sót hoặc có ý kiến phản hồi về dự định từ chối đăng ký hợp đồng;
Ra quyết định từ chối ghi nhận chuyển nhượng nếu người nộp hồ sơ không sửa chữa hoặc sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu, không có ý kiến phản đối hoặc ý kiến phản đối không xác đáng về dự định từ chối đăng ký hợp đồng trong thời hạn đã được ấn định.
Những thiếu sót của hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu
Căn cứ Thông tư 23/2023/TT-BKHCN quy định những thiếu sót của hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu bao gồm:
Tờ khai không hợp lệ;
Thiếu một trong các tài liệu trong danh mục tài liệu phải có;
Giấy ủy quyền không hợp lệ;
Bản sao hợp đồng không được xác nhận hợp lệ;
Tên, địa chỉ của bên chuyển giao trong hợp đồng không phù hợp với các thông tin tương ứng trong văn bằng bảo hộ hoặc trong hợp đồng là căn cứ phát sinh quyền chuyển giao, giấy ủy quyền, tờ khai; tên, địa chỉ của bên được chuyển giao trong hợp đồng không phù hợp với tên, địa chỉ ghi trong giấy ủy quyền, tờ khai;
Hợp đồng không có đủ chữ ký (và con dấu, nếu có) của bên chuyển giao và bên được chuyển giao;
Bên chuyển nhượng không phải là chủ văn bằng bảo hộ;
Đối tượng sở hữu công nghiệp liên quan không còn trong thời hạn hiệu lực bảo hộ hoặc đang có tranh chấp;
Hợp đồng chuyển giao thiếu các nội dung phải có theo quy định tương ứng tại Điều 140 hoặc khoản 1 Điều 144 của Luật Sở hữu trí tuệ;
Hợp đồng có nội dung không phù hợp với quy định về các điều kiện hạn chế việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp tại Điều 139 của Luật Sở hữu trí tuệ hoặc có các điều khoản hạn chế bất hợp lý quyền của bên được chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 144 của Luật Sở hữu trí tuệ;
Có căn cứ để khẳng định rằng việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của bên thứ ba.
Lệ phí và thời gian xử lý đăng ký chuyển nhượng nhãn hiệu
Các phí, lệ phí đăng ký chuyển nhượng nhãn hiệu
Phí đăng bạ Quyết định chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp: 120.000 đồng
Phí công bố Quyết định chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp: 120.000 đồng
Phí thẩm định hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp (mỗi đối tượng): 230.000 đồng
Phí thẩm định đơn (mỗi đối tượng): 550.000 đồng
Phí tra cứu nhãn hiệu liên kết (mỗi đối tượng): 600.000 đồng
Thời gian xử lý đăng ký chuyển nhượng nhãn hiệu
Theo khoản 2 Điều 10 Thông tư 23/2023/TT-BKHCN thời gian công bố đơn hợp lệ được quy định như sau:
Thông báo dự định từ chối đăng ký hợp đồng: Cục sẽ gửi thông báo, nêu rõ các thiếu sót và ấn định thời hạn 02 tháng kể từ ngày ký thông báo để người nộp hồ sơ sửa chữa.
Ra quyết định từ chối đăng ký hợp đồng: Nếu trong thời hạn 02 tháng, người nộp hồ sơ không khắc phục thiếu sót, Cục sẽ ra quyết định từ chối đăng ký hợp đồng.
Trên đây là toàn bộ nội dung về Thủ tục đăng ký hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu của Luật Việt An, quý khách hàng có nhu cầu về tư vấn nhãn hiệu vui lòng liên hệ để được hỗ trợ tốt nhất!