Các hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu lớn tại Việt Nam
Chuyển nhượng nhãn hiệu là hoạt động thường thấy trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại. Việc chuyển nhượng thương hiệu giúp cá nhân, tổ chức rút ngắn thời gian xây dựng thương hiệu và tận dụng được giá trị, sức mạnh của thương hiệu nổi tiếng. Tại Việt Nam, nước đã có hàng loạt các thương vụ mua bán thương hiệu lớn giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Qua bài viết sau, Luật Việt An sẽ chia sẻ một số nội dung pháp lý về chuyển nhượng nhãn hiệu và các hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu lớn tại Việt Nam.
Chuyển nhượng nhãn hiệu là gì?
Quyền sở hữu trí tuệ bao gồm quyền sở hữu nhãn hiệu là một trong những quyền tài sản được pháp luật Việt Nam thừa nhận và bảo hộ. Theo khái niệm về chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp tại Điều 138 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2010, 2019, 2023), có thể hiểu chuyển nhượng nhãn hiệu như sau:
Chuyển nhượng nhãn hiệu là việc chủ sở hữu nhãn hiệu chuyển giao quyền sở hữu của mình cho tổ chức, cá nhân khác. Hiểu đơn giản hơn, chuyển nhượng nhãn hiệu là việc chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu nhãn hiệu hoặc một số quyền đối với nhãn hiệu (như quyền sử dụng, quyền định đoạt, quyền cho phép người khác sử dụng, …) của mình để bán cho cá nhân, tổ chức khác.
Điều kiện chuyển nhượng nhãn hiệu
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 138 và Điều 139 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2010, 2019, 2023), việc chuyển nhượng nhãn hiệu phải đáp ứng 03 điều kiện cơ bản như sau:
Được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản. Trong đó, hợp đồng phải được thể hiện đầy đủ những nội dung như sau:
Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng;
Căn cứ chuyển nhượng;
Giá chuyển nhượng;
Quyền và nghĩa vụ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng.
Việc chuyển nhượng nhãn hiệu không được gây ra sự nhầm lẫn về đặc tính, nguồn gốc của hàng hoá, dịch vụ mang tên nhãn hiệu;
Chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký nhãn hiệu đó và được liệt kê tại Điều 87 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2010, 2019, 2023).
Các hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu lớn tại Việt Nam
Công ty cổ phần bánh kẹo Kinh Đô mua lại thương hiệu kem Wall’s
Kem Wall’s là sản phầm do Unilever (tập đoàn lớn ttrong ngành hàng tiêu dùng đến từ Hà Lan) sản xuất và phân phối. Sau khi tập đoàn Unilever đầu tư 20 triệu USD để xây dựng nhà máy kem, Kem Wall’s và nhanh chóng gặt hái được thành công và từng bước chiếm lĩnh phân nửa thị trường kem ở Việt Nam nhưng lại là gánh nặng và gây thua lỗ cho tập đoàn Unilever.
Trong khi đó, công ty cổ phần bánh bẹo Kinh Đô nổi danh trong lĩnh vực bánh kẹo. Tuy nhiên, hàng chục năm trước đây, ở mảng kem, Kinh Đô lại không tạo được nhiều dấu ấn.
Năm 2003, Kinh Đô mua lại thương hiệu kem Wall’s từ tập đoàn Unilever và thành lập Công ty cổ phần kem KIDO, chính thức dấn thân vào ngành hàng đông lạnh. Với hai thương hiệu kem nổi tiếng Merino và Celano, Kinh Đô đã tạo nên mức tăng trưởng hàng năm 20%.
Công ty Colgate mua lại thương hiệu Dạ Lan
Hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu kem đánh răng Dạ Lan giữa công ty mỹ phẩm Quốc tế ICC (chủ sở hữu nhãn hiệu Dạ Lan) và Công ty Colgate là một trong những hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu điển hình và được coi “trái đắng” trong việc chuyển nhượng, mua bán thương hiệu.
Việc chuyển nhượng thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan được thực hiện “giữa lúc kem đánh răng Dạ Lan đang ăn nên làm ra và giữ môt thị phần khá lớn, thì kinh tế mở cửa” (Theo lời kể của Tổng giám đốc Công ty Mỹ phẩm Quốc tế ICC).
Vì thiếu kinh nghiệm và kinh nghiệm trên thị trường kinh doanh, ông đã bán nhãn hiệu Dạ Lan có Công ty Colgate với giá 03 triệu USD. Tuy nhiên, sau khi nhận chuyển nhượng, công ty này không dùng thương hiệu Dạ Lan mà đổi thành Cogate. Từ đó, thương hiệu Dạ Lan trở nên đuối dân và đến ngày nay đã hoàn toàn không còn xuất hiện.
Tập đoàn Unilever mua lại nhãn hiệu kem đánh răng P/S tại Việt Nam
Tương tự như hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu Dạ Lan, nhãn hiệu P/S được công ty Hoá mỹ phẩm Phong Lan chuyển nhượng cho Tập đoàn Unilever với giá 05 triệu USD
Ban đầu, Unilever đề nghị với hợp tác với Công ty Phong Lan thành lập liên doanh P/S ELISA. Theo đó, công ty Phong Lan không còn sảc xuất kem đánh răng P/S nữa mà chỉ còn đảm nhiệm chức năng gia công vỏ hộp kem đánh răng (bằng nhôm) cho liên doanh.
Một thời gian sau, khi chuyển đổi công nghệ vỏ nhôm bằng nhựa, Phong Lan không đủ sức đầu tư công nghệ mới và kết quả là P/S ELISA đã không còn công ty Phong Lan và thương hiệu P/S đã chính thức thuộc về Unilever.
Công ty Anco mua lại thương hiệu sữa tươi của của Nestlé
Năm 2007, Công ty Nestlé Việt Nam quyết định bán lại toàn bộ Nhà máy Sữa Nestlé Ba Vì tại Hà Tây cho Công ty Thực phẩm Anco – một doanh nghiệp cổ phần 100% vốn trong nước mới được thành lập cách đây vài tháng tại thời điểm đó.
Có thể nói, việc mua lại thương hiệu Nestlé là một phần trong chiến lược đầy tham vọng của tập đoàn mới khai sinh này, nhằm nhanh chóng khẳng định vị trí trên thị trường như là một trong những nhà cung cấp thực phẩm và đồ uống cao cấp hàng đầu.
ANCO sẽ thừa hưởng thương hiệu Nestlé cho hai sản phẩm sữa tươi thanh trùng và sữa chua ăn liền trong vòng một năm. Sau đó, một thương hiệu mới sẽ ra đời, được sản xuất hoàn toàn trên dây chuyền công nghệ của Nestlé, nhà sản xuất thực phẩm số một thế giới. Nestlé sẽ vẫn duy trì bộ máy quản lý cho ANCO trong giai đoạn quá độ này và cam kết giúp đỡ ANCO đảm bảo tuyệt đối chất lượng sản phẩm cũng như duy trì hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm như hiện có.
Ngoài những hợp đồng lớn trên, có thể kể đến những hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu như sau:
Công ty sản xuất xe máy Hoa Lâm mua lại quyền sử dụng thương hiệu động cơ xe máy Dealim của Hàn Quốc;
Liên doanh Nhà máy bia Đông – Nam Á mua thương hiệu bia Halida.
Từ nhưng vụ việc nêu trên có thể thấy, nhãn hiệu có giá trị quan trọng trong việc nhận diện và phát triển của doanh nghiệp. Việc chuyển nhượng thương hiệu có thể giúp bên nhận chuyển nhượng rút ngắn thời gian xây dựng thương hiệu, “tên tuổi” trên thị trường.
Đối với bên chuyển nhượng, quá trình này có thể mang lại thu nhập lớn từ việc bán bản quyền thương hiệu hoặc từ việc chuyển giao các sản phẩm, dịch vụ hoặc công nghệ của thương hiệu. Đồng thời, việc chuyển nhượng thương hiệu cũng giúp họ tập trung vào các hoạt động kinh doanh chính, phát triển các sản phẩm mới hoặc mở rộng quy mô hoạt động.
Tuy nhiên, việc chuyển nhượng nhãn hiệu cũng gây ra nhiều rủi ro đối với bên chuyển nhượng, và có thể khiến họ có thể “mất trắng” trong thời gian ngắn. Do vậy, các bên cần sử dụng tư vấn từ các chuyên gia để đảm bảo giảm thiểu tối đa rủi ro và tuân thủ đúng quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam.
Qua bài viết trên, Luật Việt An đã gửi tới bạn đọc những nội dung quan trọng về chuyển nhượng nhãn hiệu và các hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu lớn tại Việt Nam. Nếu có nhu cầu hỗ trợ tư vấn nhãn hiệu, đăng ký nhãn hiệu, Quý khách hàng vui lòng liên hệ với Luật Việt An để được hỗ trợ kịp thời.