Hiện nay, Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp – hiện đại hóa để bắt kịp và hội nhập với nền kinh tế quốc tế. Đảng và Nhà nước ta luôn tạo điều kiện thuận lợi, đề ra những chính sách phù hợp nhằm khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể tiến hành hoạt động kinh doanh. Biểu hiện là ngày càng có nhiều doanh nghiệp đăng ký thành lập trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau – cả ngành nghề truyền thống và những ngành công nghệ hiện đại còn mới mẻ.
Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, riêng trong tháng 6/2017, có 10.742 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 110.562 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm 2016, tăng 10,05% về số doanh nghiệp và tăng 41,2% về số vốn. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong tháng 6 đạt 10,3 tỷ đồng, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, so với tháng 5/2017 thì số doanh nghiệp được đăng ký thành lập giảm 1,9% và giảm 7,3% về số vốn.
Từ số liệu trên, khi so sánh với cùng thời điểm trong giai đoạn 2014 – 2017, có thể thấy tháng 6/2017 có số doanh nghiệp được đăng ký thành lập mới và số vốn được đầu tư đứng vị trí cao nhất, trước đó, năm 2014 có 6.087 doanh nghiệp mới với tổng số vốn đầu tư là 57.300 tỷ đồng. Nhìn chung, số lượng các doanh nghiệp được đăng ký đang có xu hướng ngày càng tăng và sẽ còn phát triển cao hơn nữa trong những năm tới.
Lý giải cho sự khởi sắc trong việc thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam giai đoạn gần đây chính là những thay đổi của chính sách pháp luật, đơn giản hóa thủ tục hành chính và có những mức ưu đãi, hỗ trợ cao hơn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, phải kể đến sự cải cách vượt bậc trong việc rút ngắn thời gian cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và quy định về ngành nghề kinh doanh mà doanh nghiệp, chủ thể kinh doanh được thực hiện.
Ngoài ra, cũng theo bảng thống kê, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 6 trên cả nước là 1.921 doanh nghiệp, tăng 0,4% so với tháng 5/2017. Về mặt ngược lại, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 1.729 doanh nghiệp, tăng 9,6% so với tháng 5/2017, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể là 4.673 doanh nghiệp, tăng 24,4% so với tháng 5/2017. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong tháng 6 của cả nước là 758 doanh nghiệp, tăng 20,7% so với tháng 5/2017.
Mặc dù số lượng doanh nghiệp được thành lập mới tăng cao so với cùng kỳ các năm trước, tuy nhiên không thể khẳng định rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng sẽ tăng theo. Một phần là vì các doanh nghiệp ở Việt Nam đa số có quy mô nhỏ và vừa. Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ chiếm tới trên 97%, nên dù tăng số lượng doanh nghiệp nhưng quy mô bình quân của doanh nghiệp có thể giảm dần. Thêm vào đó là do sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường nội địa vẫn thấp. Sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước sản xuất còn thua kém về chất lượng, chủng loại, mẫu mã so với các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
Suy cho cùng, việc tăng số lượng các doanh nghiệp trong thời gian gần đây là dấu hiệu đáng mừng và giúp chúng ta có thêm niềm tin vào phát triển nền kinh tế nước nhà trong thời gian tới.