Giám đốc là một chức danh vô cùng quan trọng trong bộ máy quản lý của công ty cổ phần. Giám đốc là người trực tiếp điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty; chịu sự giám sát và chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và trước pháp luật về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ được giao. Dưới đây Luật Việt An chia sẻ các quy định liên quan đến quyền và nghĩa vụ của giám đốc công ty cổ phần.
Cơ sở pháp lý
Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 được thông qua ngày 17/06/2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp.
Quy định chung về giám đốc công ty cổ phần
Theo khoản 1 Điều 162 Luật Doanh nghiệp 2020: “Hội đồng quản trị bổ nhiệm một thành viên Hội đồng quản trị hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc”. Như vậy, có thể hiểu rằng Giám đốc công ty cổ phần là cá nhân được Hội đồng quản trị của Công ty bổ nhiệm một trong số các thành viên của Hội đồng quản trị hoặc thuê người khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao đối với chức danh này.
Giám đốc là người điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty; chịu sự giám sát và chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và trước pháp luật về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ được giao.
Thời gian hoạt động của Giám đốc được tính theo nhiệm kỳ. Mỗi nhiệm kỳ không quá 05 năm và có thể được bổ nhiệm lại không hạn chế về số nhiệm kỳ tùy theo Quyết định của Hội đồng quản trị.
Điều kiện để trở thành Giám đốc công ty cổ phần
Muốn trở thành Giám đốc công ty cổ phần thì cá nhân phải thỏa mãn các yêu cầu và điều kiện sau:
Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
Không bị cấm đối với các hoạt động kinh doanh hoặc bị buộc tội liên quan đến kinh doanh.
Có kinh nghiệm quản lý, lãnh đạo, trình độ chuyên môn trong quản trị kinh danh của công ty hoặc trình độ do Điều lệ của công ty quy định cụ thể.
Đối với công ty đại chúng, doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 88 của Luật Doanh nghiệp 2020 và công ty con của doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 88 của Luật Doanh nghiệp 2020 thì Giám đốc hoặc Tổng giám đốc phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện sau đây:
Không thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật Doanh nghiệp 2020;
Không được là người có quan hệ gia đình của người quản lý doanh nghiệp, Kiểm soát viên của công ty và công ty mẹ; người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ;
Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh của công ty.
Quyền và nghĩa vụ của Giám đốc công ty cổ phần
Theo Khoản 3 Điều 162 Luật Doanh nghiệp 2020 thì giám đốc có quyền và nghĩa vụ sau đây:
Quyết định các vấn đề liên quan đến công việc kinh doanh hằng ngày của công ty mà không thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị;
Tổ chức thực hiện các nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị;
Tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư của công ty;
Kiến nghị phương án cơ cấu tổ chức, quy chế quản lý nội bộ của công ty;
Bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh quản lý trong công ty, trừ các chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị;
Quyết định tiền lương và lợi ích khác đối với người lao động trong công ty, kể cả người quản lý thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc;
Tuyển dụng lao động;
Kiến nghị phương án trả cổ tức hoặc xử lý lỗ trong kinh doanh;
Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật, Điều lệ công ty và nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị.
Tiền lương, thù lao, thưởng và lợi ích khác của Giám đốc công ty cổ phần:
Công ty có quyền trả thù lao, trả lương, thưởng cho Giám đốc theo kết quả và hiệu quả kinh doanh.
Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác thì tiền lương, thù lao, thưởng và lợi ích khác của Giám đốc được trả theo quy định sau đây:
Tiền lương và thưởng của Giám đốc do Hội đồng quản trị quyết định.
Thù lao, tiền lương của Giám đốc được tính vào chi phí kinh doanh của công ty theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp, được thể hiện thành mục riêng trong báo cáo tài chính hằng năm của công ty và phải báo cáo Đại hội đồng cổ đông tại cuộc họp thường niên.
Dịch vụ tư vấn pháp luật của Công ty Luật Việt An liên quan tới thành lập công ty cổ phần và tư vấn pháp lý trong quá trình hoạt động công ty cổ phần
Tư vấn, chuẩn bị hồ sơ, thay mặt khách hàng thực hiện các thủ tục với cơ quan nhà nước để thành lập công ty cổ phần.
Tư vấn, chuẩn bị hồ sơ thực hiện thủ tục góp vốn thành lập công ty cổ phần.
Tư vấn, chuẩn bị hồ sơ thực hiện thay đổi đăng ký kinh doanh công ty cổ phần.
Tư vấn, chuẩn bị hồ sơ thực hiện chuyển nhượng phần vốn góp trong công ty cổ phần.
Tư vấn, chuẩn bị hồ sơ, thay mặt khách hàng thực hiện các thủ tục với cơ quan nhà nước để chuyển nhượng vốn, thay đổi tỷ lệ sở hữu vốn trong công ty cổ phần.
Tư vấn pháp lý, tài chính, xác lập quyền sở hữu trí tuệ, pháp luật lao động, hợp đồng của công ty cổ phần,…
Để tìm hiểu chi tiết hơn về các hoạt động tư vấn liên quan đến công ty cổ phần, Quý khách hàng vui lòng liên hệ tới công ty Luật Việt An để được tư vấn, hỗ trợ tận tình nhất!