Mình có mua một lô đất ở Vĩnh Lộc B nội dung như sau:
Mình có đặt cọc cho người bán (Anh A) 200 triệu đồng: phần đặt cọc chỉ ghi là có nhận tiền cọc bằng giấy tay.
Khi đưa xem giấy tờ thì không phải đất chính chủ của anh A, mà đất viết tay chủ khác và đất nông nghiệp nên mình nói không hợp theo lời hứa của anh giấy tờ đầy đủ.
(do chỗ anh A quen biết người bạn nên mình đặt cọc 200 triệu, vì anh nói giấy tờ đang tiệm cầm đồ)
Khi đó tôi đòi tiền cọc lại anh không chịu trả , vây tôi kiện anh được không, có thắng không?
Theo những thông tin bạn trao đổi, Luật Việt An xin tư vấn sơ bộ cho bạn như sau:
Căn cứ pháp lý:
Bộ luật dân sự 2015;
Bộ luật tố tụng dân sự 2015;
Bộ luật hình sự 2015.
Thứ nhất, về giao dịch dân sự giữa người mua đất và anh A
Hoạt động mua bán giữa anh và anh A là giao dịch dân sự. Theo quy định pháp luật về các trường hợp giao dịch dân sự có thể bị vô hiệu, trong đó tại điều 127, BLDS quy định giao dịch dân sự bị vô hiệu do bị lừa dối:
“Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.
Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó”.
Rõ ràng trường hợp anh mua đất từ anh A (không phải chủ đất), mà anh A không có giấy ủy quyền bán đất từ chủ sở hữu hoặc giấy tờ chứng nhận chủ đất đã bán đất cho anh A thì chủ đất có thể kiện đòi lại quyền sử dụng đất. Theo quy định pháp luật:
“Trường hợp bên mua biết hoặc phải biết tài sản mua bán thuộc sở hữu của người thứ ba mà vẫn mua thì phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu và không có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.”
Ngoài ra, anh phải xác định rõ ràng: đối tượng giao dịch mua bán đất không phải là giấy tờ đất mà là quyền sử dụng đất; chỉ người đứng tên trong sổ đỏ (tức là chủ đất) thì mới có quyền thực hiện định đoạt (mua bán, chuyển giao tài sản). Rõ ràng anh A không phải là chủ sở hữu đất, nên anh A không thể thực hiện chuyển giao quyền sử dụng đất cho anh được. Việc anh A có sổ đỏ đất có thể do chủ đất đi cầm cố, thế chấp, đặt cọc hoặc liên quan đến trộm cắp,… Do đó, có thể xác định hành vi của anh A là lừa dối.
Pháp luật cũng quy định, khi giao dịch dân sự vô hiệu các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận (tại điều 131, BLDS). Do đó, anh được nhận là số tiền anh đã đặt cọc với anh A.
Thứ hai, kiện đòi lại tiền đặt cọc
Trong trường hợp anh A không trả lại tiền đặt cọc khi hai bên không tiếp tục thực hiện mua bán nữa, anh có thể kiện đòi tiền đặt cọc đến tòa án nhân dân cấp huyện theo khoản 3, điều 26, BLDS 2015.
Tuy nhiên, trong vụ việc này, xét thấy có những dấu hiệu hình sự tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hành vi anh A: Dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể bằng nhiều cách khác nhau như bằng lời nói, bằng chữ viết, bằng hành động. Rõ ràng anh A không phải là chủ đất, không có khả năng thực hiện quyền chuyển giao quyền sử dụng đất cho người mua, những vẫn lừa dối và nhận tiền đặt cọc. Người mua không thể xác định được thông tin do anh A nói lý do giấy tờ ở tiệm cầm đồ. Hiện nay người mua muốn đòi lại tiền đặt cọc không có dấu hiệu trả lại tiền.
Do đó, trường hợp anh A nhất quyết không trả lại tiền cho anh, cá nhân anh muốn áp dụng biện pháp mạnh, cương quyết anh có thể nộp đơn yêu cầu giải quyết vụ án hình sự.
Tuy nhiên anh phải lưu ý chỉ kiện hình sự khi: anh A không phải chủ đất hoặc không có ủy quyền của chủ đất hoặc anh A không mua đất hợp pháp từ chủ đất. Trường hợp kiện tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và được tòa xét xử với tội danh này, anh A có thể chịu mức án từ 15-20 năm tù.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Việt An, nếu khách hàng có bất kỳ thắc mắc hoặc yêu cầu cung cấp dịch vụ pháp lý xin vui lòng liên hệ Luật Việt An để được tư vấn cụ thể!