Chúng tôi là công ty liên doanh (giữa 2 người Đài loan và 1 cty TNHH 1 thành viên do người VN làm chủ).
Chúng tôi muốn xuất khẩu khoáng sản như: cát, đá trắng đi Đài Loan.
Trong giấy phép kinh doanh của chúng tôi có bao gồm: Dịch vụ xuất nhập khẩu.
Tuy nhiên , qua tìm hiểu chúng tôi biết được các mặt hàng trên đều thuộc sự quản lý của bộ chuyên ngành như Bộ xây dựng.
Vậy cho chúng tôi hỏi: Để xuất khẩu được thì có những cách nào?Thủ tục và giấy tờ cụ thể như thế nào? Chúng tôi phải đến các cơ quan nào để làm?
Luật Việt An xin trả lời bạn như sau:
Căn cứ vào mục 15 tại Danh mục tiêu chuẩn chất lượng và điều kiện khoáng sản xuất khẩu của Thông tư 02/2006/TT-BCN ngày 14/04/2006 của Bộ Công Nghiệp hướng dẫn xuất khẩu khoáng sản thì mặt hàng : đá trắng, bột đá trắng, Cát vàng đã qua tuyển rửa được phép xuất khẩu.
Căn cứ vào mục 1 và 2 phần II Thông tư 02/2006/TT-BCN ngày 14/04/2006 của Bộ Công Nghiệp hướng dẫn xuất khẩu khoáng sản thì :
Khoáng sản phải có đủ các điều kiện và tiêu chuẩn sau mới được phép xuất khẩu:
Được khai thác từ các mỏ không nằm trong quy hoạch và cân đối phục vụ cho chế biến trong nước.
Đã qua chế biến đạt tiêu chuẩn chất lượng và điều kiện quy định tại Danh mục kèm theo Thông tư này. Tiêu chuẩn chất lượng của các loại khoáng sản có yêu cầu hàm lượng % kim loại phải được các phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn VILAS xác nhận.
Doanh nghiệp được phép xuất khẩu khoáng sản là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, có đủ điều kiện theo quy định của Luật Thương mại về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, gia công và đại lý mua bán hàng hoá với nước ngoài và phải đáp ứng được một trong các điều kiện sau:
Có Giấy phép khai thác khoáng sản hoặc Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản còn hiệu lực do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Có Giấy phép chế biến khoáng sản còn hiệu lực, có Hợp đồng mua khoáng sản để chế biến với tổ chức, cá nhân có Giấy phép khai thác khoáng sản hoặc Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản còn hiệu lực.
Có Hợp đồng mua khoáng sản hoặc Hợp đồng uỷ thác xuất khẩu khoáng sản với tổ chức, cá nhân có Giấy phép khai thác khoáng sản, Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản hoặc Giấy phép chế biến khoáng sản còn hiệu lực.
Giải thích thêm:
Căn cứ vào Công văn số 4821/BCN-CLH ngày 24/08/2006 của Bộ Công Nghiệp thì: “Nguồn gốc của khoáng sản khai thác được thể hiện tại Giấy phép khai thác khoáng sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, tại Giấy phép khai thác có các thông tin về tên gọi và địa danh mỏ hoặc điểm mỏ được phép khai thác (việc xuất trình Giấy phép khai thác khoáng sản đã được quy định tại khoản a, điểm 2, phần II của Thông tư).
Việc xác định mỏ không nằm trong quy hoạch và cân đối phục vụ cho chế biến trong nước căn cứ vào các cơ sở sau:
Căn cứ vào Quyết định phê duyệt các dự án Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản do Bộ Công nghiệp và Bộ Xây dựng chủ trì lập và được Thủ tướng Chính phủ (hoặc uỷ quyền cho Bộ quản lý ngành) phê duyệt. Tại các Quyết định trên, phần Phụ lục bao gồm danh mục các mỏ cần thăm dò và các mỏ đưa vào khai thác trong kỳ quy hoạch. Các mỏ có tên trong 2 danh mục trên là đối tượng nằm trong quy hoạch và cân đối phục vụ cho chế biến trong nước. Như vậy các mỏ và điểm mỏ không nằm trong các danh mục trên sẽ là đối tượng không nằm trong quy hoạch và cân đối phục vụ chế biến trong nước và được phép xuất khẩu.”