Bạn đăng ký nhãn hiệu thông qua Tổ chức đại diện? Chủ đơn có phải làm giấy uỷ quyền hay không? Giấy uỷ quyền bao gồm những nội dung gì?
Chủ đơn đăng ký nhãn hiệu có thể tiến hành nộp đơn đăng ký nhãn hiệu. Tuy nhiên có nhiều yếu tố liên quan đến việc cần xử lý chuyên môn. Chính vì vậy, phần lớn chủ đơn đăng ký nhãn hiệu thông qua Tổ chức Đại diện sở hữu trí tuệ. Công ty luật Việt An đồng thời cũng là một Đại diện sở hữu trí tuệ. Do vậy, Chủ đơn có thể thông qua Công ty luật Việt An để thực hiện đăng ký nhãn hiệu. Chủ đơn sẽ tiến hành làm uỷ quyền cho Đại diện sở hữu trí tuệ.
Uỷ quyền đại diện và thực hiện uỷ quyền đại diện
– Việc uỷ quyền đại diện và thực hiện uỷ quyền đại diện tiến hành các thủ tục đăng ký sở hữu công nghiệp (sau đây gọi là “uỷ quyền”) phải phù hợp với quy định pháp luật về uỷ quyền tại Phần thứ ba của Bộ luật Dân sự và các quy định tại Thông tư 16/2016/BKHCN
– Việc uỷ quyền phải được thể hiện thành văn bản (giấy uỷ quyền) và phải có nội dung chủ yếu sau đây:
Tên (họ tên), địa chỉ đầy đủ của bên uỷ quyền và bên được uỷ quyền;
Tên (họ tên), địa chỉ đầy đủ của bên nhận thay thế uỷ quyền hoặc bên nhận tái uỷ quyền (nếu có);
Phạm vi uỷ quyền, khối lượng công việc được uỷ quyền;
Thời hạn uỷ quyền (giấy uỷ quyền không có thời hạn chỉ chấm dứt hiệu lực khi bên uỷ quyền tuyên bố chấm dứt uỷ quyền);
Ngày ký giấy uỷ quyền;
Chữ ký (ghi rõ họ tên, chức vụ và con dấu, nếu có) của người đại diện hợp pháp của bên uỷ quyền (và của bên nhận thay thế uỷ quyền, bên nhận tái uỷ quyền, nếu có).
– Thời điểm giấy uỷ quyền có giá trị pháp lý trong giao dịch với Cục Sở hữu trí tuệ được xác định như sau:
Ngày Cục Sở hữu trí tuệ nhận được giấy uỷ quyền hợp lệ;
Ngày Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận việc thay thế uỷ quyền hoặc tái uỷ quyền hợp lệ;
Ngày Cục Sở hữu trí tuệ nhận được thông báo thay đổi phạm vi uỷ quyền, chấm dứt uỷ quyền trước thời hạn, thay đổi địa chỉ của bên nhận uỷ quyền.
– Trong trường hợp thay thế uỷ quyền hoặc tái uỷ quyền, giấy uỷ quyền chỉ được coi là hợp lệ nếu bên nhận thay thế uỷ quyền hoặc bên nhận tái uỷ quyền có cam kết chịu trách nhiệm về mọi vấn đề phát sinh do bên uỷ quyền thực hiện trong giao dịch trước đó với Cục Sở hữu trí tuệ.
– Nếu giấy uỷ quyền có phạm vi uỷ quyền gồm nhiều thủ tục độc lập với nhau và bản gốc giấy uỷ quyền đã nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ thì khi tiến hành các thủ tục tiếp theo, bên được uỷ quyền phải nộp bản sao giấy uỷ quyền và có chỉ dẫn chính xác đến số đơn có bản gốc giấy uỷ quyền đó.