Chuyển dịch chủ đơn là hình thức thay đổi chủ sở hữu đơn đăng kỹ nhãn hiệu trên cơ sở thừa kế, kế thừa tài sản khi hợp nhất, sáp nhập, chia tách pháp nhân hoặc theo quyết định của Tòa án hay một cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác,… Chuyển nhượng đơn là hình thức thay đổi chủ đơn trên cơ sở hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu, kể cả trường hợp đầu tư, góp vốn bằng quyền sở hữu nhãn hiệu để thành lập doanh nghiệp. Sau đây Luật Việt An sẽ tư vấn cho quý khách hàng về thủ tục chuyển dịch đơn đăng ký nhãn hiệu.
Cơ sở chuyển dịch đơn đăng ký nhãn hiệu
Chuyển dịch hay chuyển nhượng đơn đăng ký nhãn hiệu hiện hành được thực hiện theo các quy định của:
Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi năm 2009, 2019, 2022;
Nghị định 65/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ;
Thông tư 263/2016/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 63/2023/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp, được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư số 31/2020/TT-BTC, Thông tư 43/2024/TT-BTC.
Thời điểm nào có quyền yêu cầu chuyển dịch đơn đăng ký nhãn hiệu?
Theo Điều 115 Luật Sở hữu trí tuệ và Điều 18 Nghị định 65/2023/NĐ-CP, trước khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thông báo từ chối cấp văn bằng bảo hộ hoặc quyết định cấp văn bằng bảo hộ, người nộp đơn có quyền yêu cầu ghi nhận thay đổi người nộp đơn do chuyển nhượng đơn theo hợp đồng, do thừa kế, kế thừa hoặc theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Như vậy thời điểm có quyền yêu cầu chuyển dịch đơn đăng ký nhãn hiệu do chuyển nhượng đơn là trước khi Cục Sở hữu trí tuệ thông báo từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hoặc quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Có những hình thức nộp đơn nào khi tiến hành thủ tục chuyển dịch đơn đăng ký nhãn hiệu?
Hiện nay, khi chuyển dịch đơn đăng ký nhãn hiệu, người nộp đơn có thể nộp đơn yêu cầu chuyển nhượng đơn đăng ký nhãn hiệu đến một trong các điểm tiếp nhận đơn của Cục Sở hữu trí tuệ.
Lưu ý:
Trường hợp nộp hồ sơ yêu cầu sửa đổi đơn qua bưu điện, người nộp đơn cần chuyển tiền qua dịch vụ của bưu điện, sau đó photo Giấy biên nhận chuyển tiền gửi kèm theo hồ sơ đơn đến một trong các điểm tiếp nhận đơn nêu trên của Cục Sở hữu trí tuệ để chứng minh khoản tiền đã nộp.
Khi chuyển tiền phí, lệ phí đến một trong các điểm tiếp nhận đơn nêu trên của Cục Sở hữu trí tuệ, người nộp đơn cần gửi hồ sơ qua bưu điện tương ứng đến điểm tiếp nhận đơn đó.
Thành phần hồ sơ
Theo Khoản 2 Điều 18 Nghị định 65/2023/NĐ-CP, hồ sơ yêu cầu ghi nhận thay đổi do chuyển nhượng đơn bao gồm:
Yêu cầu ghi nhận việc chuyển nhượng đơn làm theo Mẫu số 05 tại Phụ lục II của Nghị định 65/2023/NĐ-CP:
Tài liệu chuyển nhượng đơn đăng ký nhãn hiệu (bản gốc hoặc bản sao có chứng thực): phải có các nội dung chủ yếu gồm tên, địa chỉ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng; số đơn được chuyển nhượng hoặc thông tin đủ để xác định đơn đó;
Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí theo quy định (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ;
Giấy ủy quyền (nếu yêu cầu sửa đổi đơn nộp thông qua tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp);
Lưu ý: Yêu cầu ghi nhận thay đổi do chuyển nhượng nhiều đơn của cùng một người nộp đơn có thể được thực hiện trong cùng một tờ khai, với điều kiện phải nộp phí thẩm định theo quy định tương ứng với số lượng đơn được yêu cầu ghi nhận chuyển nhượng
Thủ tục chuyển dịch đơn đăng ký nhãn hiệu
Thủ tục ghi nhận thay đổi người nộp đơn do chuyển nhượng đơn
Theo Khoản 2 Điều 18 và Điều 16 Nghị định 65/2023/NĐ-CP, việc ghi nhận thay đổi người nộp đơn do chuyển nhượng đơn được thực hiện như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ ghi nhận thay đổi người nộp đơn
Người nộp đơn có thể lựa chọn hình thức nộp đơn giấy hoặc hình thức nộp đơn trực tuyến qua Cổng dịch vụ công trực tuyến Cục Sở hữu trí tuệ.
Thành phần hồ sơ ghi nhận thay đổi người nộp đơn do chuyển nhượng đơn theo Khoản 2 Điều 18 Nghị định 65/2023/NĐ-CP.
Số lượng hồ sơ là 01 bộ.
Bước 2: Cục SHTT xử lý, thẩm định hồ sơ
Cục SHTT tiếp nhận hồ sơ và tiến hành thẩm định yêu cầu chuyển nhượng đơn.
Mục đích của việc thẩm định yêu cầu chuyển nhượng đơn/chuyển dịch chủ đơn đăng ký nhãn hiệu là kiểm tra tính hợp lệ của văn bản chuyển nhượng đơn/chuyển dịch chủ đơn và kiểm tra khả năng đáp ứng quy định về quyền đăng kí nhãn hiệu của bên nhận chuyển nhượng đơn/chuyển dịch chủ đơn.
Thời gian thẩm định là 02 tháng kể từ ngày nộp yêu cầu chuyển nhượng đơn/chuyển dịch chủ đơn. Trường hợp có bổ sung tài liệu sau khi nộp tờ khai yêu cầu chuyển nhượng đơn/chuyển dịch chủ đơn thì thời hạn thẩm định được kéo dài là 01 tháng tính từ ngày nộp tài liệu bổ sung.
Lưu ý: Trường hợp yêu cầu ghi nhận thay đổi do chuyển nhượng đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp sau khi có thông báo dự định cấp văn bằng bảo hộ, đơn đăng ký nhãn hiệu phải được thẩm định lại và công bố nội dung chuyển nhượng. Người yêu cầu phải nộp phí thẩm định đơn và phí công bố theo quy định.
Bước 3: Cục SHTT trả kết quả
Trường hợp đơn không có thiếu sót: Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo ghi nhận thay đổi người nộp đơn và công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp nếu đơn đã được chấp nhận hợp lệ;
Trường hợp đơn có thiếu sót, không hợp lệ: Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra thông báo dự định từ chối ghi nhận thay đổi người nộp đơn, nêu rõ lý do để người yêu cầu sửa chữa thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối. Nếu người yêu cầu không sửa chữa thiếu sót hoặc sửa chữa không đạt yêu cầu, không có ý kiến phản đối hoặc ý kiến phản đối không xác đáng thì Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo từ chối ghi nhận thay đổi người nộp đơn.
Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Thông báo ghi nhận thay đổi người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu/Thông báo từ chối ghi nhận thay đổi người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu.
Thủ tục thay đổi người nộp đơn do thừa kế, kế thừa hoặc theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền
Theo Khoản 3 Điều Điều 18 Nghị định 65/2023/NĐ-CP, việc ghi nhận thay đổi người nộp đơn do thừa kế, kế thừa hoặc theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền được thực hiện theo yêu cầu trên cơ sở thừa kế, kế thừa tài sản khi hợp nhất, sáp nhập, chia, tách pháp nhân, liên doanh, liên kết, thành lập pháp nhân mới của cùng chủ sở hữu, chuyển đổi hình thức kinh doanh hoặc theo quyết định của Tòa án hoặc của cơ quan có thẩm quyền khác.
Thủ tục yêu cầu ghi nhận thay đổi người nộp đơn trong các trường hợp này được thực hiện như thủ tục ghi nhận thay đổi người nộp đơn do chuyển nhượng đơn đã phân tích ở trên.
Phí, lệ phí chuyển dịch đơn đăng ký
Theo Thông tư 263/2016/TT-BTC, phí, lệ phí liên quan đến thủ tục bao gồm:
Phí thẩm định yêu cầu chuyển nhượng đơn (160.000VNĐ/01 đơn đăng ký);
Phí công bố (120.000VNĐ/01 đơn đăng ký trong trường hợp đơn đăng ký nhãn hiệu đã có Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ).
Trường hợp yêu cầu chuyển nhượng đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp sau khi có thông báo dự định cấp văn bằng bảo hộ, đơn đăng ký nhãn hiệu phải được thẩm định lại và công bố nội dung chuyển nhượng. Người nộp đơn phải nộp phí thẩm định đơn (550.000VNĐ/01 nhóm sản phẩm, dịch vụ) và phí công bố (120.000VNĐ/01 đơn yêu cầu chuyển nhượng).
Lưu ý: Theo Thông tư 43/2024/TT-BTC, từ ngày 01/07/2024 đến 01/01/2025, mức thu bằng 50% mức thu lệ phí theo Thông tư số 263/2016/TT-BTC.
Yêu cầu ghi nhận thay đổi do chuyển nhượng nhiều đơn của cùng một người nộp đơn có thể được thực hiện trong cùng một tờ khai không?
Có. Yêu cầu ghi nhận thay đổi do chuyển nhượng nhiều đơn của cùng một người nộp đơn có thể được thực hiện trong cùng một tờ khai, với điều kiện phải nộp phí thẩm định theo quy định tương ứng với số lượng đơn được yêu cầu ghi nhận chuyển nhượng.
Trên đây là tư vấn của Luật Việt An về thủ tục chuyển dịch đơn đăng ký nhãn hiệu. Quý khách hàng có thắc mắc liên quan, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất!