Bán hàng online không có giấy tờ hóa đơn thì bị phạt không?
Trong nền kinh tế hội nhập và phát triển hiện nay, hình thức bán hàng thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử đang ngày càng được ưa chuộng bằng những ưu việc của nó. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích tích cực thức bán hàng online đem lại cho người bán hàng thì nó còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động tiêu cực tới người tiêu dùng. Việc bán hàng online không rõ nguồn gốc có thể mang lại rủi ro cho người mua về chất lượng sản phẩm, an toàn sức khỏe và thậm chí có thể ảnh hưởng tới tính mạng của người tiêu dùng. Vậy bán hàng online không có giấy tờ hóa đơn thì bị phạt không? Trong bài viết dưới đây, Luật Việt An sẽ cung cấp một số tư vấn pháp lý khái quát về vấn đề này.
Bán hàng online không có giấy tờ hóa đơn là hành vi gì?
Theo quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 96/2023/NĐ-CP, căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa bao gồm:
Thông tin được thể hiện trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, tài liệu kèm theo hàng hóa;
Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, hoá đơn mua bán, tờ khai hải quan, giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự giữa tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan theo quy định của pháp luật.
Theo đó, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hoá đơn mua bán là một trong những căn cứ để xác định nguồn gốc của hàng hóa. Do đó, hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ có thể xem là hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Lưu ý: Đối với trường hợp hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ được nhập khẩu thì hàng hóa này được xem là hàng hóa nhập lậu.
Như vậy, có thể hiểu rằng bán hàng online không có giấy tờ hóa đơn là hành vi của các cá nhân, tổ chức thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử buôn bán hàng hóa không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa, quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa.
Bán hàng online không có giấy tờ hóa đơn thì bị phạt không?
Bán hàng online không có giấy tờ hóa đơn là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm tới sự quản lý của nhà nước trong hoạt động thương mại. Theo đó, hành vi này được hiểu là hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, theo quy định pháp luật hiện hành có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự căn cứ vào tính chất, mức độ vụ việc.
Xử lý hành chính
Phạt tiền
Mức phạt tiền đối với cá nhân có hành vi bán hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ được quy định tại Điều 17 Nghị định 98/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 96/2023/NĐ-CP căn cứ vào giá trị hàng hóa vi phạm như sau:
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 – 500.000 đồng với hàng hóa vi phạm dưới 1.000.000 đồng;
Phạt tiền từ 500.000 – 1.000.000 đồng với hàng hóa vi phạm từ 000.000 – 3.000.000 đồng.
Phạt tiền từ 1.000.000 – 3.000.000 đồng với hàng hóa vi phạm từ 3.000.000 – 5.000.000 đồng.
Phạt tiền từ 3.000.000 – 5.000.000 đồng với hàng hóa vi phạm từ 5.000.000 – 10.000.000 đồng.
Phạt tiền từ 5.000.000- 7.000.000 đồng với hàng hóa vi phạm từ 10.000.000 – 20.000.000 đồng.
Phạt tiền từ 7.000.000 – 10.000.000 đồng với hàng hóa vi phạm từ 20.000.000 – 30.000.000 đồng.
Phạt tiền từ 10.000.000 – 15.000.000 đồng với hàng hóa vi phạm từ 30.000.000 – 40.000.000 đồng.
Phạt tiền từ 15.000.000 – 20.000.000 đồng với hàng hóa vi phạm từ 40.000.000 – 50.000.000 đồng.
Phạt tiền từ 20.000.000 – 30.000.000 đồng với hàng hóa vi phạm từ 50.000.000 – 70.000.000 đồng.
Phạt tiền từ 30.000.000 – 40.000.000 đồng với hàng hóa vi phạm từ 70.000.000 – 100.000.000 đồng.
Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.
Lưu ý:
Mức phạt đối với tổ chức sẽ cao gấp đôi mức phạt đối với cá nhân. Riêng với người nhập khẩu hoặc hàng hóa thuộc danh mục đặc biệt, mức phạt gấp 2 lần mức thông thường.
Trường hợp cá nhân, tổ chức bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ thuộc một trong các loại hàng hóa dưới đây thì mức phạt tiền sẽ gấp 2 lần mức phạt nêu trên, cụ thể:
Là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế;
Là chất tẩy rửa, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, xi măng, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản, thức ăn thủy sản;
Hàng hóa khác thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Biện pháp khắc phục hậu quả
Theo quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 96/2023/NĐ-CP, bên cạnh hình thức phạt cảnh cáo và phạt tiền, cá nhân, tổ chức có hành vi bán hàng online không có giấy tờ hóa đơn còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
Buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa không rõ nguồn gốc.
Buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi bán hàng hóa không có giấy tờ, hóa đơn.
Nếu vi phạm nhưng không thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, các cơ quan có thẩm quyền sẽ cưỡng chế thi hành. Các biện pháp trên nhằm ngăn chặn triệt để việc kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc trên môi trường mạng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Xử lý hình sự
Tội buôn lậu
Trường hợp hàng hóa không có hóa đơn bị phát hiện là được vận chuyển lậu qua đường biên giới nếu thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm thì cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi có thể bị xử lý hình sự về Tội buôn lậu theo Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Cụ thể:
Phạt tiền từ 50.000.000 – 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm với hàng hóa vi phạm từ 100.000.000 – 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp:
Đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.
Phạt tiền từ 300.000.000 – 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 – 07 năm:
Có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp;
Vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
Phạm tội 02 lần trở lên, tái phạm nguy hiểm.
Phạt tiền từ 1.500.000.000 – 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 07 – 15 năm:
Vật phạm pháp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
Vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;
Lợi dụng chiến tranh, thiên tai hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác.
Có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Đối với pháp nhân thương mại phạm tội bị áp dụng các hình thức phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn có thời hạn. Mức phạt sẽ căn cứ tùy vào thể loại hàng và giá trị của hàng hóa vi phạm. Ngoài ra hàng hóa cũng sẽ bị cơ quan có thẩm quyền tịch thu toàn bộ.
Tội trốn thuế
Bán hàng online không có giấy tờ hóa đơn nếu thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm khi bán hàng không xuất hóa đơn thì cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi có thể bị xử lý hình sự về Tội trốn thuế theo Điều 200 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Cụ thể:
Phạt tiền từ 100.000.000 – 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm khi trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về tội này và một số tội khác theo quy định chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Phạt tiền từ 500.000.000 – 1.500.000.000đồng hoặc phạt tù 01-03 năm:
Có tổ chức;
Số tiền trốn thuế từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
Phạm tội 02 lần trở lên, tái phạm nguy hiểm.
Phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 4.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 – 07 năm nếu số tiền 1.000.000.000 đồng trở lên.
Có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Đối với pháp nhân, nếu phạm tội Trốn thuế thì có thể bị phạt tiền cao nhất đến 10.000.000.000 đồng. Ngoài ra còn có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn nếu hành vi trốn thuế đó:
Gây thiệt hại hoặc có khả năng gây thiệt hại đến tính mạng nhiều người;
Gây sự cố môi trường;
Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.
Trên đây là phân tích về vấn đềbán hàng online không có giấy tờ hóa đơn thì bị phạt không? Quý khách hàng có thắc mắc liên quan hay có nhu cầu tư vấn các quy định của pháp luật, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất!