Báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư dự án vốn nước ngoài
Trong những năm qua, các dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn nước ngoài ở Việt Nam ngày càng tăng trưởng về cả số lượng và chất lượng. Để đáp ứng các yêu cầu của pháp luật đầu tư xây dựng và quản lý đầu tư công, ngày 30/06/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư 05/2023/TT-BKHĐT hướng dẫn các mẫu báo cáo liên quan đến giám sát, đánh giá dự án đầu tư, trong đó có sử dụng vốn nước ngoài. Thông tư có hiệu lực từ tháng 9 năm 2023. Trong bài viết sau, Luật Việt An sẽ tổng hợp các nội dung liên quan đến chủ đề trên.
Căn cứ pháp lý
Luật Xây dựng 2014, sửa đổi bổ sung năm 2020.
Nghị định 29/2021/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư;
Nghị định 122/2021/NĐ-CP về quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
Thông tư 05/2023/TT-BKHĐT quy định về mẫu báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư; chế độ báo cáo trực tuyến và quản lý vận hành Hệ thống thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn Nhà nước.
Thế nào là giám sát, đánh giá đầu tư?
Theo quy định tại Nghị định 29/2021/NĐ-CP, giám sát đầu tư là hoạt động theo dõi, kiểm tra đầu tư. Giám sát đầu tư gồm: giám sát chương trình, dự án đầu tư và giám sát tổng thể đầu tư.
Đối với đánh giá dự án đầu tư, đây được hiểu là hoạt động định kỳ theo kế hoạch hoặc đột xuất nhằm xác định mức độ đạt được theo mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể so với quyết định đầu tư hoặc tiêu chuẩn đánh giá quy định của nhà nước tại một thời điểm nhất định. Đánh giá dự án đầu tư bao gồm: đánh giá ban đầu, đánh giá giữa kỳ hoặc giai đoạn, đánh giá kết thúc, đánh giá tác động và đánh giá đột xuất.
Quy định về báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư dự án vốn nước ngoài
Giám sát, đánh giá dự án đầu tư là thủ tục đặt ra nhằm quản lý công tác triển khai các dự án đầu tư theo quy định của Luật Xây dựng. Cụ thể, tại Điều 8.1 của Luật quy định:
“Điều 8. Giám sát, đánh giá dự án đầu tư xây dựng
Dự án đầu tư xây dựng phải được giám sát, đánh giá phù hợp với từng loại nguồn vốn như sau:
a) Đối với dự án sử dụng vốn nhà nước, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện giám sát, đánh giá theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về xây dựng theo nội dung và tiêu chí đánh giá đã được phê duyệt;
b) Đối với dự án sử dụng nguồn vốn khác, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện giám sát, đánh giá về mục tiêu, sự phù hợp với quy hoạch liên quan, việc sử dụng đất, tiến độ đầu tư xây dựng và bảo vệ môi trường.
Dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng sử dụng vốn nhà nước, vốn đóng góp của cộng đồng và vốn tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước phải thực hiện giám sát của cộng đồng.”
Như vậy, với từng loại nguồn vốn (vốn nhà nước, vốn nước ngoài, vốn góp của cộng động) mà đặt ra các nghĩa vụ báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư dự án khác nhau cho chủ đầu tư, cơ quan nhà nước và cộng đồng, nhằm phục vụ công tác quản lý của nhà nước.
Các mẫu báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư dự án vốn nước ngoài
Điều 4 của Thông tư 05/2023/TT-BKHĐT đã quy định 19 mẫu báo cáo để hướng dẫn thủ tục Giám sát, đánh giá dự án đầu tư xây dựng. Theo đó, các mẫu báo cáo được chia theo từng loại vốn sử dụng trong dự án đầu tư, gồm:
Dự án đầu tư công và dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công;
Dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư;
Dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn khác.
Ngoài ra, còn có mẫu báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư cả năm và mẫu báo cáo giám sát đầu tư của cộng đồng với trường hợp dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng sử dụng vốn nhà nước, vốn đóng góp của cộng đồng và vốn tài trợ của tổ chức.
Nội dung của 19 mẫu báo cáo được đề cập trong phụ lục của Thông tư 05/2023/TT-BKHĐT như sau:
1. Mẫu báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư cả năm:
Mẫu số 01
Báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư cả năm.
2. Mẫu báo cáo giám sát, đánh giá dự án đầu tư công và dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công, bao gồm:
Mẫu số 02
Báo cáo đánh giá ban đầu
Mẫu số 03
Báo cáo giám sát, đánh giá định kỳ trong giai đoạn thực hiện đầu tư (6 tháng, cả năm)
Mẫu số 04
Báo cáo đánh giá giữa kỳ hoặc giai đoạn
Mẫu số 05
Báo cáo giám sát, đánh giá trước khi điều chỉnh dự án đầu tư;
Mẫu số 06
Báo cáo đánh giá đột xuất
Mẫu số 07
Báo cáo giám sát, đánh giá kết thúc đầu tư
Mẫu số 08
Báo cáo giám sát, đánh giá định kỳ trong giai đoạn khai thác, vận hành (6 tháng, cả năm)
Mẫu số 09
Báo cáo đánh giá tác động
Mẫu số 10
Báo cáo tổng hợp công tác giám sát, đánh giá các dự án đầu tư thuộc phạm vi quản lý trong năm
3. Mẫu báo cáo giám sát, đánh giá dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, bao gồm:
Mẫu số 11
Báo cáo giám sát, đánh giá định kỳ trong giai đoạn thực hiện đầu tư (6 tháng, cả năm)
Mẫu số 12
Báo cáo giám sát, đánh giá định kỳ trong giai đoạn khai thác, vận hành (6 tháng, cả năm)
4. Mẫu báo cáo giám sát, đánh giá dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn khác, bao gồm:
Mẫu số 13
Báo cáo giám sát, đánh giá định kỳ trong giai đoạn thực hiện đầu tư (6 tháng, cả năm)
Mẫu số 14
Báo cáo đánh giá đột xuất
Mẫu số 15
Báo cáo giám sát, đánh giá trước khi điều chỉnh dự án đầu tư
Mẫu số 16
Báo cáo đánh giá kết thúc
Mẫu số 17
Báo cáo giám sát, đánh giá định kỳ trong giai đoạn khai thác, vận hành (6 tháng, cả năm)
Mẫu số 18
Báo cáo đánh giá tác động
5. Mẫu báo cáo giám sát đầu tư của cộng đồng:
Mẫu số 19
Báo cáo tình hình giám sát đầu tư của cộng đồng
Lưu ý:
Mẫu Báo cáo giám sát, đánh giá trước khi điều chỉnh, đánh giá kết thúc và đánh giá tác động thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư thực hiện theo mẫu tương ứng đối với dự án đầu tư công và dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công;
Trường hợp dự án có sử dụng nhiều nguồn vốn, trong đó có nguồn vốn nhà nước, các mẫu biểu và chế độ báo cáo thực hiện theo quy định đối với dự án đầu tư công và dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công. Riêng các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư có sử dụng vốn nhà nước, thực hiện giữ nguyên các mẫu biểu quy định.
Nghĩa vụ cập nhật thông tin, báo cáo của chủ đầu tư, chủ dự án thành phần
Định kỳ hằng năm báo cáo số liệu giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư trên Hệ thống thông tin nghiệp vụ, bao gồm:
Tổng hợp thông tin từ các chương trình, dự án thuộc phạm vi quản lý đã có trên Hệ thống thông tin nghiệp vụ;
Rà soát, bổ sung thông tin báo cáo;
Gửi báo cáo số liệu.
Theo Điều 5 Thông tư 05/2023/TT-BKHĐT đặt ra nghĩa vụ cập nhật thông tin chương trình, dự án cho chủ đầu tư, chủ dự án thành phần theo từng giai đoạn triển khai dự án đầu tư tại Việt Nam có sự tham gia gia của vốn nhà nước.
Khi bắt đầu dự án: cập nhật thoing tin lên Hệ thống thông tin về giám sát, đánh giá đầu tư theo Quyết định chủ trương đầu tư, Quyết định đầu tư vào Hệ thống trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày được cấp quyết định trên.
Trong quá trình thực hiện:
Khi có điều chỉnh hoặc phát sinh: cập nhật các thông tin thay đổi vào Hệ thống chậm nhất là 07 ngày làm việc.
Định kỳ vào ngày 25 hàng tháng cập nhật các thông tin về: giá trị khối lượng thực hiện tại hiện trường và giá trị giải ngân; hình ảnh hoặc phim về hiện trạng thi công tại hiện trường đối với các dự án có cấu phần xây dựng.
Khi kết thúc chương trình, dự án: cập nhật thông tin quyết toán dự án theo Quyết định phê duyệt quyết toán trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày được phê duyệt quyết toán.
Thực hiện đăng tải các văn bản theo yêu cầu tại Điều 5.4 Thông tư 05/2023/TT-BKHĐT trên Hệ thống trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày được cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành, phát hành.
Các báo cáo giám sát, đánh giá sau khi có đóng dấu hoặc có chữ ký số chuyên dùng Chính phủ đăng tải lên Hệ thống thông tin nghiệp vụ bao gồm:
Báo cáo giám sát, đánh giá định kỳ: 6 tháng, cả năm. Riêng báo cáo giám sát, đánh giá thực hiện đầu tư của chủ đầu tư, chủ dự án thành phần theo Phụ biểu 09 được tổng hợp từ thông tin trên Hệ thống thông tin nghiệp vụ từ các hợp đồng của dự án thuộc phạm vi quản lý;
Báo cáo giám sát, đánh giá trước khi điều chỉnh dự án đầu tư;
Báo cáo giám sát, đánh giá kết thúc đầu tư;
Báo cáo tổng hợp công tác giám sát, đánh giá hằng năm các chương trình, dự án đầu tư do mình quản lý.
Thời hạn báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư
Thời hạn gửi báo cáo của chủ chương trình, chủ đầu tư và nhà đầu tư theo quy định tại điểm a khoản 11 Điều 100 Nghị định 29/2021/NĐ-CP:
Gửi báo cáo 6 tháng trước ngày 10 tháng 7 của năm báo cáo;
Gửi báo cáo hàng năm trước ngày 10 tháng 02 năm sau;
Gửi báo cáo trước khi trình điều chỉnh chương trình dự án.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Việt An về nghĩa vụ báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư dự án vốn nước ngoài. Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn trong lĩnh vực pháp luật đầu tư, pháp luật hành chính, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ hiệu quả nhất.